Học trực tuyến đang là phương pháp học tốt nhất để phòng dịch Covid-19, tuy nhiên, nhiều phụ huynh cũng gặp không ít khó khăn trong việc đồng hành cùng các con.
Cô Nguyễn Thị Hồng Nhung, giáo viên trường Tiểu học Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, với lứa tuổi tiểu học, để học có hiệu quả thì phải có sự tham gia của phụ huynh, đặc biệt với học sinh khối lớp 1, 2 vì các em chưa biết cách sử dụng các thiết bị kết nối mạng, cũng như cách tương tác, sử dụng bài giảng hay liên hệ trực tiếp với giáo viên.
Nhiều phụ huynh cũng không muốn con mình sử dụng điện thoại, máy tính nhiều vì sợ con xem phim, chơi game… Do vậy những lúc học nhiều phụ huynh nên ngồi với con vừa để hướng dẫn con thực hiện các thao tác vừa giảng giải thêm bài học cho con.
Với những khối lớn lớp 3, 4, 5 nếu có ý thức tự giác với việc học thì phụ huynh chỉ cần hướng dẫn con trong thời gian đầu, sau đó các em có thể thao tác được.
Tuy nhiên trên thực tế cũng có một vài phụ huynh ít sử dụng thiết bị công nghệ, thậm chí họ không có các thiết bị có thể kết nối mạng nên việc học của học sinh sẽ bị gián đoạn.
Theo cô, phụ huynh không cần phải ngồi với con liên tục ở tất cả các giờ học, vì thực tế rất nhiều người còn bận công việc. Chỉ cần thời gian đầu, khi con tham gia học trực tuyến, thay vì làm thay phụ huynh hãy hướng dẫn con cách sử dụng máy, cách mở bài giảng, tải bài học về. Chỉ cần 2 - 3 tuần đầu là các em hoàn toàn có thể chủ động được việc học của mình.
Ngoài ra, với những phần học bé chưa hiểu, những bài tập khó nếu không thể hỗ trợ được con phụ huynh có thể liên lạc trực tiếp với giáo viên để được hỗ trợ.
Tiến sĩ Linda Carling tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đề xuất một số mẹo để giúp trẻ tập trung chú ý khi học trực tuyến phòng, chống dịch Covid-19:
Xác định cách học thích hợp: Mỗi trẻ có một cá tính, sở thích riêng. Có em thích ngồi học ở phòng khách, có bé thích nằm trên sàn nhà học bài, có bạn lại muốn học ở phòng riêng. Cha mẹ có thể tham khảo ý kiến của trẻ để xác định nơi học và phương thức phù hợp. Nếu trẻ muốn có người ngồi cạnh, cha mẹ nên dành thời gian học cùng con trong những buổi đầu. Sau đó, bạn hãy lập kế hoạch và hướng dẫn trẻ tự học một mình.
Khuyến khích vận động: Các nghiên cứu chỉ ra vận động có lợi cho sự tập trung và khả năng tư duy. Trẻ nên dành thời gian tập thể dục trước khi vào lớp học online, hoặc vận động giữa giờ. Một số trẻ tập trung tốt hơn khi học đứng. Cha mẹ có thể cân nhắc đặt máy tính ở vị trí cao để trẻ có thể vừa đứng vừa học.
Hạn chế những thứ gây mất tập trung: Tiếng ồn, đồ chơi, tivi là những thứ có thể khiến trẻ xao nhãng khi học. Để tạo môi trường học tập nghiêm túc cho trẻ, cha mẹ không nên để những món đồ gây mất tập trung xung quanh, đồng thời hạn chế tiếng ồn từ các thiết bị trong nhà.
Thay đổi lịch học: Nếu trẻ chán nản, không muốn học, cha mẹ có thể điều chỉnh lịch để trẻ có thời gian cân bằng và lấy lại tinh thần học. Ngoài ra, bạn có thể thay đổi tài liệu học, bằng cách tạo ra những bộ dụng cụ học mới, nhiều màu sắc, kèm thêm những mẩu giấy note ngắn gọn để trẻ dễ tiếp thu và ghi nhớ. Cha mẹ cũng có thể trao đổi với giáo viên để có cách điều chỉnh thích hợp.
Lên danh sách những nhiệm vụ cần làm: Đối với những trẻ khó tập trung, việc lên danh sách nhiệm vụ là điều cần thiết. Ví dụ, nếu con được yêu cầu đọc bài, làm toán và vẽ tranh, cha mẹ có thể viết nhiệm vụ ra giấy và hướng dẫn trẻ làm theo. Khi các em hoàn thành từng nhiệm vụ, cha mẹ có thể dành lời khen hoặc thưởng một món quà nhỏ.
Nghỉ ngơi: Giáo viên luôn cố gắng biến các bài học trở nên thú vị để thu hút học sinh. Tuy nhiên, học online khiến trẻ cảm thấy cô đơn và dễ kiệt sức. Cha mẹ có thể cho con nghỉ giữa giờ hoặc giảm tốc độ học. Ngoài ra, sau giờ học, bạn hãy cho trẻ liên lạc với bạn bè, học online trong thời gian dài có thể khiến trẻ nhớ trường, nhớ lớp.
Dành lời khen: Khi trẻ hoàn thành nhiệm vụ học tập, cha mẹ có thể nói "Con làm tốt lắm", "Hôm nay con học có vui không" để động viên con. Những lời khen và hành động ấm áp sẽ tạo động lực để trẻ cố gắng hơn trong buổi học tiếp theo.