Vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng trăm học sinh phải nhập viện cấp cứu, 1 học sinh tử vong tại Trường Tiểu học và THCS iSchool Nha Trang khiến dư luận không khỏi lo lắng về tình trạng an toàn của những bếp ăn bán trú.
Thực phẩm nhiễm vi khuẩn Salmonella
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có thông cáo báo chí về vụ việc ngộ độc tập thể tại Trường Tiểu học và THCS iSchool Nha Trang. Theo đó, Viện Pasteur Nha Trang phát hiện nhiều vi khuẩn trong mẫu cánh gà chiên.
Cụ thể, phát hiện vi khuẩn Samonella spp trong mẫu cánh gà chiên, bacillus cereus trong mẫu cánh gà chiên và mẫu nước mắm. Chủng Bacillus cereus trong 2 mẫu trên là chủng sinh độc tố ly giải hồng cầu và độc tố ruột không lý giải hồng cầu. Ngoài ra còn phát hiện vi khuẩn Escherichia coli trong mẫu cánh gà chiên.
Kết quả ghi nhận tác nhân khiến hàng trăm học sinh bị ngộ độc, một trẻ tử vong là do vi khuẩn Salmonella.
Vụ việc trên đang khiến dư luận không khỏi lo lắng về tình trạng an toàn của những bếp ăn bán trú. Bởi đây không phải là lần đầu xảy ra vụ ngộ độc tập thể mà đối tượng là các bé đang trong độ tuổi đến trường. Nguyên nhân thường là do thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn Salmonella.
Năm 2018, tại Hà Nội đã có vụ gần 200 học sinh và giáo viên trường mầm non tại Đông Anh nhập viện sau khi ăn trưa tại trường do ngộ độc thực phẩm và có kết quả dương tính với vi khuẩn Salmonella.
Khuẩn Salmonella không nhìn được bằng mắt thường
Các chuyên gia nhấn mạnh, khuẩn Salmonella có thể xâm nhập rất nhanh qua thành ruột non vào máu và gây tác động toàn thân suy kiệt rất nhanh. Nhất là với trẻ em có sức đề kháng kém khi nhiễm độc sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều…
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm cho biết, bất kỳ thực phẩm nào cũng có nguy cơ gây ngộ độc vì thực phẩm cũng là món ăn của vi sinh vật. Thế nên, con người muốn tránh ngộ độc thì phải phòng ngừa, hạn chế không để vi sinh vật nhiễm vào.
Theo chuyên gia này, thực phẩm giàu protein sẽ có nguy cơ gây ngộ độc nhiều hơn và nguy hiểm hơn. Thịt các loại kể cả thịt sống lẫn thịt chín đều rất dễ bị nhiễm vi khuẩn. Thịt đông lạnh và thịt tươi về nguyên tắc nhiễm khuẩn như nhau.
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cũng nhấn mạnh: “Thịt nhiễm khuẩn Salmonella nếu để ngăn mát tủ lạnh thì phát triển chậm hơn so với bên ngoài nhưng nhanh hơn để trên ngăn đá. Còn để ở ngoài thì phát triển nhanh hơn trong ngăn mát. Đáng ngại là, loại khuẩn Salmonella không nhìn được bằng mắt thường”.
Theo ông Thịnh, nếu như một số loại thực phẩm nhiễm vi khuẩn Ecoli, Coliform gây mùi hôi, thối thì thực phẩm nhiễm vi khuẩn Salmonella không như vậy. Do đó, vi khuẩn này chủ yếu là phòng tránh bằng cách chọn thịt tươi, thịt mới được mổ làm sạch gói lại cất tủ đá nếu để lâu, ăn ngay cũng để trong tủ mát thì sẽ hạn chế rất nhiều bị nhiễm Salmonella .
Kiểm soát chặt nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến
Trở lại với vụ việc hàng trăm học sinh ngộ độc tại Trường iSchool Nha Trang, một chuyên gia dinh dưỡng nhận định trách nhiệm do tổ chức bếp ăn của nhà trường.
Chuyên gia này đặt câu hỏi: Liệu công ty cung cấp suất ăn có tuân thủ các điều kiện, quy định về vấn đề an toàn thực phẩm hay chưa: Từ việc tập huấn an toàn thực phẩm cho nhân viên, khám bệnh định kỳ theo quy định; có lưu mẫu thức ăn hằng ngày hay không; thực phẩm chế biến các món ăn có nguồn gốc xuất xứ như thế nào?
Theo chuyên gia, vệ sinh an toàn thực phẩm cần lưu ý 3 vấn đề quan trọng: Sức khỏe người nấu - đây là vấn đề ít được quan tâm, để ý; kiểm soát thực phẩm của nhà cung cấp cho bếp ăn; khâu vệ sinh lô hộp đựng thức ăn.
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt ở các bếp ăn tập thể, chuyên gia này nhấn mạnh, việc đầu tiên phải kiểm soát được đầu vào từ khâu thu mua thực phẩm cho đến quá trình lưu trữ (tủ mát, tủ đông).
Đối với rau cỏ cũng phải được rửa sạch, tối thiểu 3 lần dưới nước sạch. Ông cũng lưu ý, mùa nào ăn thức ấy đỡ bị thuốc hoá học nhiều nhất. Theo đó, nên sử dụng rau củ, quả (củ cải, mướp đắng, cà rốt, su hào..) đỡ nhiễm hơn những loại rau có lá.
Về vấn đề này, Bộ GDĐT cho biết, thời gian vừa qua, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục đã được các địa phương quan tâm và kịp thời chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, tại một số cơ sở giáo dục vẫn xảy ra tình trạng không bảo đảm an toàn thực phẩm khi tổ chức bữa ăn học đường cho trẻ em và học sinh, sinh viên gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người học khi tổ chức bữa ăn học đường, Bộ GDĐT vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các sở GDĐT, sở y tế…, các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định.
Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành Giáo dục - Y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, ăn toàn thực phẩm vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục; phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh.