Sau thời gian dài dạy và học trực tuyến (online) do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thầy và trò ở nhiều địa phương đã được đến trường học trực tiếp. Đặc biệt, tại Hà Nội, sau khi học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở ngoại thành bắt đầu được học trực tiếp từ ngày 10/2 thì học sinh ở các quận nội thành cũng chuẩn bị tới trường. Trường học dần mở cửa trở lại, cùng với niềm vui lớn thì vẫn còn những nỗi lo khi đã xuất hiện tình huống có F0 sau vài ngày học sinh tới trường học trực tiếp. Kế đó, câu chuyện không kém phần quan trọng là ổn định tâm lý và giải phóng “sức ỳ” sau một thời gian dài nhiều em đã quen với việc học qua zoom.
Giải phóng tâm lý
Những ngày đầu được trở lại trường học, học sinh Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) được thầy cô tổ chức tham quan các phòng học, phòng chức năng của trường. Được xây mới và hoàn thiện từ cuối năm 2021 nhưng đến thời điểm này, thầy và trò Trường THCS Chu Văn An mới được đến trường học trực tiếp. Hân hoan, phấn khởi là tâm trạng chung của tất cả học sinh và giáo viên.
Em Lưu Mỹ Uyên, học sinh lớp 7A3, Trường THCS Chu Văn An chia sẻ: “Chúng em ở nhà đã quá lâu rồi. Giờ được đến trường học trực tiếp, lại trong ngôi trường mới xây khang trang, chúng em có cảm xúc thật khó diễn tả thành lời”.
Trở lại trường sau gần 10 tháng học trực tuyến qua màn hình vi tính, em Lại Khánh Vy, học sinh lớp 8A2, Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) ví von “em như được giải phóng”. Khánh Vy tâm sự: “Gặp lại bạn bè, em có chút ngạc nhiên khi các bạn cao lớn hơn năm học trước rất nhiều. Đứa này í ới đứa kia để so chiều cao với nhau. Em thấy rất vui và tinh thần phấn chấn hơn hẳn”.
Có lẽ, lần trở lại trường học này, đặc biệt nhất là các em học sinh lớp 1. Dù năm học mới đã bắt đầu được hơn một học kỳ nhưng phải đến thời điểm này, các em mới được đặt chân tới trường. Chuyển cấp từ bậc mầm non sang bậc tiểu học, với các em lớp 1, lần đầu tiên nghe thấy tiếng trống trường thật lạ lẫm và bỡ ngỡ.
Test Covid-19 cho học sinh khi trở lại trường: Tốn kém, không cần thiết
Trước việc mỗi địa phương, nhà trường đang đưa ra những quy định khác nhau về việc test nhanh Covid-19 cho tất cả học sinh khi trở lại trường, trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, việc yêu cầu test nhanh Covid-19 cho toàn bộ học sinh trước khi trở lại trường học là không cần thiết.
PGS.TS Trần Đắc Phu nêu quan điểm, việc test nhanh tràn lan không những tốn kém về kinh tế mà hiệu quả thu được không cao, tỉ lệ phát hiện F0 không lớn; sẽ gây nhiều bất tiện cho nhà trường, ảnh hưởng tâm lý học sinh và phụ huynh. Thay vì yêu cầu học sinh phải có test nhanh âm tính mới được đi học trở lại, các trường học nên tập trung test “trọng tâm, trọng điểm” vào đối tượng có nguy cơ và đặc biệt chú ý đến vấn đề phòng dịch. Trong trường hợp lớp học có F0, trường học không nên đóng cửa cả trường mà nên cho học sinh lớp đó tạm nghỉ học.
Theo ông Phu, học sinh trở lại trường sau dịp nghỉ Tết, nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn bởi các em di chuyển nhiều. Thế nên, việc phối hợp giữa nhà trường, cơ quan y tế và phụ huynh để cùng theo dõi sức khỏe của học sinh đóng vai trò rất quan trọng.
Về vấn đề này, lãnh đạo Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng khẳng định, Bộ này và Bộ Y tế không có quy định về việc bắt buộc học sinh phải xét nghiệm Covid-19 mới được đến trường mà chỉ có quy định bắt buộc xét nghiệm Covid-19 với trường hợp nghi nhiễm. Việc cần thiết hiện nay là mỗi nhà trường phải chuẩn bị đủ trang thiết bị y tế để phòng dịch, trong đó kit xét nghiệm, để sử dụng khi có giáo viên, học sinh có biểu hiện ho, sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ. Khi xây dựng phương án xử trí, cần phải tính toán cho cả trường hợp có nhiều học sinh bị lây nhiễm để không lúng túng, thụ động.
Đón học sinh từ cổng trường để dắt vào lớp, cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A3 Trường Tiểu học Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm, Hà Nội) ấn tượng nhất về một học sinh khá nhút nhát. Em tên Hoa. Lần đầu được gặp cô, Hoa cứ níu chặt tay mẹ, ánh mắt lo lắng, trực khóc. Cô Hương phải động viên, dỗ dành để con trấn tĩnh hơn. Sau khi vào lớp, được tiếp xúc các bạn, gần gũi cô giáo, Hoa dần hòa đồng và mạnh dạn, tự tin hơn.
“Cô ơi, con đi học về nói với mẹ rằng, con thích học trực tiếp lắm”, cô Hương vui mừng kể lại nội dung tin nhắn mà phụ huynh học sinh gửi cho cô sau ngày đầu tiên Hoa tới trường. Nhiều năm dạy học lớp 1, cô Hương tâm sự rằng, chưa năm nào cô mong ngày được đến trường đến thế! Đêm trước ngày trường học được mở cửa trở lại, cô đã thức trắng vì háo hức, mong chờ.
Với kinh nghiệm dày dặn, cô Hương cho hay, những ngày đầu các con tới trường, thay vì chú trọng dạy học, cô và trò dành nhiều thời gian hơn để làm quen với nhau. Dù đã hết Tết, nhưng cô Hương vẫn chuẩn bị những bao lì xì mừng tuổi học trò. Tiếp theo, cô dắt học sinh khám phá từng khu vực của trường học, nhất là khu vệ sinh cá nhân. Qua mỗi khu vực, cô Hương lại lồng ghép dạy học trò các quy tắc 5K, kỹ năng phòng, chống dịch cơ bản nhất.
“Thông qua các hoạt động tập thể, các em học sinh dần ổn định tâm lý, chịu khó tương tác hơn với cô giáo và các bạn. Đồng thời, các con cũng có thêm kiến thức để tự bảo vệ mình”, cô Hương cho biết.
Mừng - lo đan xen
Được trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài trường học phải tạm dừng đóng cửa do dịch bệnh là niềm vui lớn của học sinh, phụ huynh và giáo viên nhưng nỗi lo cũng không hề nhỏ khi những ngày qua khi nhiều địa phương mở cửa lại trường học đã xuất hiện tình huống có F0.
Bên cạnh nhiều ý kiến tích cực, một số phụ huynh lại băn khoăn rằng, việc cho học sinh tới trường thời điểm này liệu có liều lĩnh hay không.
Anh Nguyễn Trung Kiên (huyện Thanh Trì, Hà Nội) bày tỏ quan điểm, dịp nghỉ Tết Nguyên đán, người dân di chuyển nhiều, số ca F0 cũng vì thế mà tăng cao. Trong khi đó, các địa phương lại mở cửa trường học vào thời điểm này. Thực tế, đã có học sinh mắc Covid-19 ngay ngày đầu tiên đến trường. Thậm chí, có địa phương như Hà Tĩnh, sau kỳ nghỉ Tết, số ca mắc Covid-19 tăng đột biến, trong đó có gần 400 F0 là giáo viên và học sinh khiến địa phương này phải đổi phương án dạy học.
Tương tự, nhiều phụ huynh cũng chia sẻ rằng, dù mong con sớm được đến trường học trực tiếp để ổn định sức khỏe tâm sinh lý khi học trực tuyến quá lâu. Nhưng theo dõi tình hình dịch bệnh mấy ngày hôm nay, họ vẫn còn e ngại khi con đến trường học vào thời điểm này.
Nỗi lo không chỉ của riêng phụ huynh mà ngay cả những thầy cô giáo cũng có cảm xúc, mừng-lo đan xen. Tăng cường kiểm tra công tác dạy học ở các lớp, bà Đinh Thị Băng Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm) phấn khởi vì học sinh các khối lớp đã dần bắt nhịp với việc học trực tiếp trở lại; không còn tâm lý rụt rè, lo sợ mà rất thích tới trường. Sau bao ngày sân trường vắng bóng học sinh, giờ được gặp lại đồng nghiệp, học trò-những gương mặt thân quen, bà Tâm vô cùng xúc động.
Mừng vui đấy nhưng bà Tâm không giấu được nỗi lo. Theo bà Tâm, Trường Tiểu học Cao Bá Quát có số học sinh tương đối đông, với tổng gần 2.000 học sinh, trong đó có 370 học sinh lớp 1. Bên cạnh đó, trên địa bàn có khu đô thị đông dân cư. Sau dịp Tết, người dân tại đây di chuyển từ nhiều nơi về nên số ca mắc F0 tăng là điều có thể xảy ra.
“Nhà trường đã chuẩn bị kỹ càng các điều kiện về cơ sở vật chất; diễn tập xử lý, ứng phó các tình huống có thể xảy ra. Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các lớp tăng cường các hoạt động để học sinh được giải tỏa tâm lý, yên tâm khi tới trường học trực tiếp. Điều tôi mong muốn nhất thời điểm này là không xảy ra trường hợp F0 trong trường học”, bà Tâm bày tỏ.
Đồng hành cùng con
Đối với những trường ở vùng sâu, vùng xa, trường có nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn, việc học sinh được đi học trực tiếp là mong mỏi của học sinh, phụ huynh và giáo viên. Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có tổng số 266 học sinh, trong đó có tới 21 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Để duy trì việc học trực tuyến, 21 học sinh này đã được tặng máy vi tính, máy tính bảng từ chương trình “Máy tính cho em”.
Bà Kiều Thị Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường và phụ huynh đều chờ đợi ngày các con được đến trường học trực tiếp. Bởi theo bà Hoa, với đặc thù trường có nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn như Trường Nam Phương Tiến A, các con được học trực tiếp sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nhà trường cũng chuẩn bị sẵn sàng nhiều phương án nếu trường học xuất hiện tình huống F0. Về phương án dạy học, nhà trường duy trì dạy song hai hình thức: trực tiếp và trực tuyến. Đồng thời, trang bị đầy đủ thiết bị dạy học trực tuyến với phương châm “không kỳ thị học sinh F0, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”.
Đánh giá về việc cho học sinh trở lại trường học vào thời điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng nhìn nhận, đây là việc làm cần thiết và được toàn xã hội mong muốn nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam.
Theo TS Lâm, hiện nay người dân đã được tiêm phủ vaccine Covid-19, dịch bệnh cũng dần được kiểm soát. Nếu người dân vẫn cứ lo sợ mãi thì không biết đến bao giờ cuộc sống mới được trở lại trạng thái bình thường. Không phủ nhận những hiệu quả tích cực của việc học online nhưng TS Lâm phân tích, học online chỉ có hiệu quả đối với học sinh có ý thức tự giác, tiếp thu tốt.
Lâu nay, học sinh vẫn có thói quen bị động “thầy bảo gì, trò làm nấy”. Vì vậy, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, hệ lụy khi học sinh ở nhà quá lâu là rất lớn nên phụ huynh cần nhận thức đúng về việc cho học sinh trở lại trường học thời điểm này. Bên cạnh đó, để học sinh ổn định tâm lý và vượt qua sức ỳ trong thời gian dài ở nhà học online, nhà trường không nên tạo áp lực học tập cho học sinh trong thời gian đầu các con trở lại trường, điều chỉnh cách dạy học cho phù hợp, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, quan tâm hơn tới sức khỏe tâm thần của học sinh.
“Trong trường hợp không may học sinh bị F0, thầy cô không nên bỏ mặc học sinh, cha mẹ không nên quá lo lắng mà hãy đồng hành đối diện với con để con nhanh chóng vượt qua. Có thể nói, không cho học sinh tới trường thì hậu quả của việc này lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ trẻ mắc Covid-19”, ông Lâm nhấn mạnh.
Trong công điện tới giám đốc các sở giáo dục và đào tạo về một số việc cần lưu ý khi học sinh trở lại trường học trực tiếp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn yêu cầu, trong những ngày đầu học sinh quay lại học trực tiếp, nhà trường cần dành lượng thời gian phù hợp để học sinh làm quen trở lại với việc học trực tiếp.
Với học sinh lớp 1, nhà trường cần phổ biến các quy định về học tập và sinh hoạt tại trường; tổ chức các hoạt động để tạo hứng thú và trạng thái thoải mái cho học sinh; hướng dẫn học sinh kiến thức phòng, chống dịch, những việc cần làm và nguyên tắc cần tuân thủ; tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh; tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học; tuyệt đối không được để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp không may bị F0.
Tiếp tục tổ chức dạy học tại trường các nội dung cơ bản, cốt lõi, phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh; tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến khác nhau ngay trong nội dung dạy học chính khóa, nhất là đối với các học sinh không được học qua truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.