Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc, ngày 26/9, Đoàn đại biểu cấp cao UBTƯ MTTQ Việt Nam do ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã đi thăm và làm việc với Trung ương Hội phong trào Làng mới Hàn Quốc nhằm trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), gắn với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn với Hội phong trào Làng mới Hàn Quốc.
Phong trào Làng mới Hàn Quốc (Saemaul) được ra đời khi Chính phủ Hàn Quốc quyết tâm cải thiện điều kiện sống và sản xuất vùng nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị. Tháng 4/1970, Phong trào Làng mới được triển khai trên phạm vi toàn quốc với ba nhiệm vụ chủ yếu là: Thay đổi nhận thức, nâng cao trình độ văn hóa cho người nông dân; phát triển xã hội và phát triển kinh tế, trải qua các giai đoạn khác nhau.
Đây được coi là chương trình phát triển toàn diện nông thôn, nhằm đưa đến sự thay đổi cho làng xóm, thông qua việc nâng cao tính trách nhiệm và lòng tự tôn của người dân. Chính việc định vị một cách hợp lý vai trò tổ chức, động viên của Nhà nước và phát huy đầy đủ sự tham gia của người dân là nhân tố chủ yếu bảo đảm cho sự thành công của phong trào này.
Được phát động cách đây hơn 40 năm nhưng những nét đặc trưng của Phong trào vẫn thôi thúc người dân Hàn Quốc đến tận hôm nay.
Trong bối cảnh có những nét tương đồng về văn hóa, hệ giá trị, lối sống và cách suy nghĩ giữa Việt Nam và Hàn Quốc và có những điểm tương đồng trong chương trình phát triển nông thôn giữa hai nước, tại Việt Nam, trong 7 năm (2014 - 2021), mô hình Saemaul được triển khai tại 8 làng dự án, chia làm 2 giai đoạn: 2014 - 2019 (đối với 3 làng đang triển khai) và 2017 - 2021 đối với 5 làng mới. 8 làng thí điểm tập trung ở 5 tỉnh gồm: 2 ở Ninh Thuận; 2 ở Thái Nguyên; 1 ở Bắc Ninh; 1 ở Thừa Thiên - Huế và 2 ở Hậu Giang.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đất nước Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, từ đó, bộ mặt nhiều vùng nông thôn ngày càng khang trang hơn, xanh, sạch, đẹp hơn; hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng đồng bộ; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao; số hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được cải thiện.
“Từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Việt Nam đã có 50,8% xã đạt chuẩn NTM; 4 tỉnh có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 13,1% đơn vị cấp huyện đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn NTM”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thông tin.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tham quan gian trưng bày các sản phẩm đặc sản NTM của Hội phong trào Làng mới Hàn Quốc.
Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, quá trình xây dựng NTM đã tập trung đầu tư, phát triển được trên 21.000 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa quy mô lớn, trong đó, đã có 1.096 chuỗi nông sản an toàn. Với 4.823 sản phẩm đặc sản, dịch vụ du lịch cấp xã, huyện có lợi thế, là tiềm năng lớn để phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, bảo tồn truyền thống văn hoá của từng vùng miền.
Bên cạnh đó, mục tiêu về tổng số sản phẩm OCOP được chuẩn hoá chất lượng đến năm 2020 phấn đấu đạt trên 2.030 sản phẩm, tổng nguồn lực dự kiến huy động đầu tư đạt gần 5.800 tỷ đồng; đồng thời, trên phạm vi cả nước có khoảng 39 liên hiệp HTX nông nghiệp và 13.893 HTX nông nghiệp, phát triển hệ thống chuỗi liên kết cung ứng nông sản từ theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu MTTQ Việt Nam, hiện nay, nguồn lực đầu tư vào NTM vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, còn trông chờ vào nguồn lực của Trung ương; kết quả đạt được trong xây dựng NTM chưa đồng đều, còn khoảng cách lớn giữa các địa phương, giữa các vùng, miền; tổ chức sản xuất trong nông nghiệp còn chưa liên kết bền vững, môi trường nông thôn vẫn tiếp tục bị đe dọa.
“Việc xây dựng NTM đối với các địa phương vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và một số vùng bãi ngang ven biển gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt và sống rải rác”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn bày tỏ.
Xuất phát từ thực tế quá trình xây dựng NTM ở Việt Nam, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, những kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc triển khai xây dựng NTM gắn với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhưng vẫn giữ được bản sắc của nông thôn truyền thống, tạo nên bước phát triển hài hòa, bền vững và đảm bảo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho người dân là những vấn đề lớn mà Việt Nam cần tiếp tục trao đổi và áp dụng vào thực tiễn.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng chia sẻ, ở Việt Nam, song song với quá trình xây dựng NTM, chính quyền và các tổ chức đoàn thể quan tâm tới việc giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường đặc biệt là việc thu gom, xử lý rác thải, nước thải. Cùng với đó, vấn đề tạo chuỗi sản phẩm hàng hóa từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ và những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất cũng đang là những vấn đề cấp bách mà các cấp, các ngành tại Việt Nam đang cần phải giải quyết.
* Cùng ngày, Đoàn đã đi thăm Trung tâm Energy Zero Nowon; thăm Làng truyền thống Nam-san; Viện kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Gyeonggi và làm việc với Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn thăm Trung tâm Energy Zero Nowon.
Tại buổi làm việc với Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn bày tỏ ấn tượng sâu sắc khi được chứng kiến những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Hàn Quốc khi thu nhập bình quân đầu người hơn 30.000 USD/năm; vị thế quốc tế không ngừng được nâng cao, và có nhiều đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, việc củng cố quan hệ hữu nghị, tăng cường hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực giữa 2 nước là phù hợp với lợi ích của hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược với Hàn Quốc và sẵn sàng cùng Hàn Quốc thúc đẩy mối quan hệ đó tiếp tục phát triển hơn nữa.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tặng quà lưu niệm cho đại diện Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc.
Trân trọng cảm ơn Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc trong thời gian qua đã triển khai “Chương trình nhà lãnh đạo tương lai” và nhiều chương trình giao lưu nhân dân giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng hơn nữa các chương trình nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm phát triển tại Hàn Quốc, cũng như tiếp tục có các biện pháp thiết thực khác để hỗ trợ Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực phù hợp với chức năng của Quỹ.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chụp ảnh lưu niệm với các thành viên Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn đại biểu thăm các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Hàn Quốc.