Từ khi nghỉ học do dịch Covid-19, hình thức học online, học qua truyền hình… được nhiều trường học tận dụng nhằm giúp học sinh (HS) không xa rời kiến thức. Đây cũng là thời điểm các trang học trực tuyến bùng nổ với lợi thế về nền tảng và kho học liệu phong phú đã được xây dựng từ nhiều năm nay, giúp HS có thêm một kênh ôn tập kiến thức hiệu quả.
Học sinh có thể học miễn phí nhiều môn từ mẫu giáo đến lớp 12 qua mạng.
Phong phú kho học liệu
Mới đây nhất, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội công bố trang web https://olm.vn dạy và học trực tuyến cho HS từ mẫu giáo đến lớp 12. Với 500 video bài giảng và 10.000 bài tập tương tác, giáo viên và HS ở mọi cấp học đều có thể dễ dàng sử dụng kho học liệu miễn phí do nhà trường xây dựng chỉ với một thiết bị có kết nối internet.
PGS. TS Phạm Thọ Hoàn- Giám đốc Trung tâm Khoa học tính toán của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, kho học liệu về giáo dục số do Trung tâm Khoa học tính toán-Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bắt đầu được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2011. Đến nay, kho học liệu bao phủ nội dung môn Toán, môn Tiếng Việt - Ngữ văn ở bậc phổ thông và đang tiếp tục mở rộng ra các môn khác.
Điểm nổi bật của kho học liệu là toàn bộ hệ thống video bài giảng và bài tập tương tác đều bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng, do các giảng viên/ giáo viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thẩm định. Mỗi bài học đều có hệ thống các câu hỏi ở 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Đơn cử, với học liệu ở phần bài tập, olm.vn được thiết kế đến 16 loại câu hỏi. Trong trường hợp HS trả lời sai, hệ thống bài tập cũng được tự động lặp lại để HS ghi nhớ hơn và khắc phục ngay lập tức. Đây chính là ưu điểm của trang web ở thời điểm hiện tại so với nhiều trang giảng dạy trực tuyến khác hiện nay.
Tính đến nay, hệ thống học liệu đã thu hút gần 3 triệu thành viên. Hiện nhiều trường đang tổ chức cho HS học trực tuyến trên trang web này dưới sự quản lý và giám sát của giáo viên, ban giám hiệu và phụ huynh như Trường PTLC Vinschool (khối THCS); Trường Tiểu học, THCS và THPT Victory (Buôn Ma Thuật); Trường THPT Lương Văn Can (Hà Nội); Trường Australian International School; Trường UNIS Hanoi...
Cần hành lang pháp lý
Mặc dù có những ưu điểm rõ rệt song về căn cứ pháp lý đối với loại hình đào tạo trực tuyến hoặc học qua truyền hình vẫn chưa được Bộ GDĐT chính thức thông qua. Cụ thể, đối với giáo dục phổ thông, các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT khuyến khích đưa công nghệ mới vào trong giáo dục, dạy học, quản lý. Ví dụ, trong một lớp học, giáo viên thấy một số học sinh yếu, có thể dùng công nghệ lập nhóm để tăng cường trao đổi, giao bài tập hoặc bồi dưỡng thêm nhằm cải thiện tình hình.
Tuy vậy, để thúc đẩy các cơ sở giáo dục phát triển đào tạo trực tuyến thì tính pháp lý là điều kiện cần. Trong đó, đối với giáo dục ĐH, từ năm 2017, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 10/2017/BGDĐT về Quy chế đào tạo từ xa trình độ ĐH, cho phép đào tạo bằng hình thức trực tuyến, tạo điều kiện cho các trường triển khai. Nhiều trường như ĐH Mở Hà Nội cũng đang triển khai hiệu quả hình thức học này với gần 20.000 sinh viên theo học trực tuyến của 10 ngành học…
Hiện nay, Bộ GDĐT đang xây dựng dự thảo thông tư dành cho các trường ĐH đào tạo theo phương thức truyền thống, trong đó kết hợp với trực tuyến và ghi nhận kết quả học tập. Điều này đồng nghĩa, Bộ GDĐT đang tạo ra những hành lang pháp lý cho giáo dục ĐH, đưa những thế mạnh của công nghệ vào (hoàn toàn hoặc một phần) để sẵn sàng cho các trường ĐH vào cuộc.
Đối với giáo dục phổ thông, các chuyên gia đề xuất Bộ GDĐT cũng cần nghiên cứu đưa ra văn bản pháp lý hoàn chỉnh như giáo dục ĐH để các trường phổ thông có căn cứ triển khai dạy học trực tuyến.
Gần đây nhất, trong đơn cầu cứu tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19)… cùng các Bộ, ban ngành của 150 trường tư thục mới đây, các trường có 5 kiến nghị cơ bản.
Trong đó, các trường kiến nghị được công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả các chương trình học trực tuyến (online), đồng thời tạo điều kiện tối đa để các trường ngoài công lập có thể linh hoạt, chủ động học bù, đảm bảo thời lượng và chất lượng giảng dạy. Đồng thời đây chính là cách để số hóa nền giáo dục cũng như giảm chi phí không cần thiết và tăng sự đồng đều của chất lượng, cũng là cách góp phần chống các dịch bệnh khi phát tác.
Tuy nhiên, trên thực tế khi một trường tư thục tại Hà Nội có thông báo đề nghị thu thêm phí học trực tuyến 2,5 triệu đồng mỗi tháng/HS trong đợt dịch Covid-19 đã vấp phải sự phản ứng của phụ huynh. Sau đó, nhà trường đã phải tổ chức họp để đưa đến quyết định vẫn dạy trực tuyến cho HS mà phụ huynh không phải đóng bất kỳ khoản phí nào.
Việc này cho thấy, để học trực tuyến được công nhận thì không chỉ là câu chuyện về hành lang pháp lý mà còn là nhận thức và quan điểm của các bậc phụ huynh đối với phương pháp học tập này.