Chỉ còn 1 tháng nữa là năm học 2021-2022 kết thúc với thầy và trò ở nhiều địa phương trong cả nước. Trong khi phần lớn thời gian của năm học, thầy trò gặp nhau qua màn hình máy tính, điện thoại thì chất lượng dạy và học, vấn đề rèn kỹ năng, nền nếp… đang được đặt ra với ngành Giáo dục.
Vai trò không thể thiếu của trường học
Năm học 2020-2021 phải khép lại với kịch bản đặc biệt chưa từng có tiền lệ là học sinh (HS) nghỉ hè trước khi thi cuối năm, một số nơi HS sinh lớp 5 làm thủ tục đăng ký nhập học trường THCS dù chưa tổ chức thi, tổng kết học kỳ II…
Tới năm nay, khi dịch bệnh Covid-19 đã lắng xuống, trường học đã mở cửa trở lại thì câu chuyện đánh giá HS thế nào vẫn chưa hết nóng.
Tâm tư của hầu hết các bậc phụ huynh đều rất lo lắng cho con em mình khi sắp trải qua những kỳ thi quan trọng như thi vào lớp 10 THPT công lập, thi tốt nghiệp THPT… Chị Bàn Thu Thủy (khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) cho rằng dù rất sốt ruột nhưng bản thân chị cũng hiểu con phải học trực tuyến thì khó khăn hơn rất nhiều nên cố gắng không tạo thêm áp lực cho con.
Tuy vậy, không phải phụ huynh nào cũng đủ bình tĩnh, sáng suốt và tâm lý để thấu hiểu con em mình đang phải chịu những áp lực gì khi phải học trực tuyến, quẩn quanh trong 4 bức tường. Một số vụ việc đau lòng đã xảy ra mà nguyên nhân có một phần bắt nguồn từ những vấn đề tâm lý nảy sinh do học trực tuyến, HS không có cơ hội giao lưu với bạn bè, thầy cô cũng như thiếu vắng hẳn những hoạt động tập thể khác để giải tỏa tâm lý.
Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) tâm tư: Dịch Covid-19 hơn 2 năm nay, trẻ con phải ở nhà, không được đến trường khoảng thời gian rất dài. Gia đình có thể giàu có, đầy đủ tiện nghi, bố mẹ có thể rất giỏi giang cũng không thể thay thế cho trường học. Hơn bất cứ lúc nào, thời điểm này, người ta mới thật sự nhìn nhận vai trò không thể thiếu của trường học. Vì sao? Trẻ con chỉ có thể phát triển bình thường khi được giao tiếp với bạn bè, thầy cô giáo… một cộng đồng thích hợp - đó là nhà trường.
Dịch Covid-19 xảy ra đã khiến cả xã hội nhìn nhận đúng vai trò quan trọng không thể thay thế của trường học. Khát khao, mong mỏi được đi học đã khiến nhiều cô bé, cậu bé háo hức đến vỡ òa trong ngày trở lại trường 18/4/2022 - ngày nhiều phụ huynh ở Hà Nội sung sướng thốt lên rằng cuối cùng cũng được “giải phóng phụ huynh Thủ đô”.
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trong đó không thể thiếu quá trình chuyển đổi số nhưng rõ ràng, học trực tiếp vẫn là một hình thức học tập không thể thay thế trong thời đại hiện nay.
Ưu tiên chất lượng dạy học
Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 do Bộ GDĐT ban hành đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, sẽ hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2022 và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2022.
Đến thời điểm này, nhiều địa phương cũng khẳng định sẽ không kéo dài thời gian kết thúc năm học. Tại Hà Nội, lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội khẳng định HS các trường học trên địa bàn thành phố sẽ kết thúc năm học chậm nhất trước ngày 31/5/2022. Do HS phải học trực tuyến khoảng 7 tháng trong năm học này nên Sở GDĐT Hà Nội đã chỉ đạo các nhà trường tận dụng thời gian 2 tuần dự trữ để hỗ trợ, giúp HS củng cố kiến thức, kỹ năng, bảo đảm kết thúc chương trình học hiệu quả và chất lượng.
Nhiều trường học ở Hà Nội cũng cho biết do rút kinh nghiệm từ năm học trước nên các trường đã chủ động với việc dạy học trực tuyến ngay từ khi bắt đầu khai giảng năm học. Vì vậy, tiến độ chương trình vẫn được đảm bảo. Thầy trò sẽ tận dụng thời gian đi học trực tiếp từ nay đến hết năm để xen kẽ củng cố, ôn tập lại các kiến thức cũ, trong đó đặc biệt lưu tâm, có phương án tăng cường kèm riêng đối với các HS yếu hơn nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học.
Ông Nguyễn Hữu Đồng - Hiệu trưởng Trường THPT Thạch Bàn, Hà Nội khẳng định dù học trực tuyến hay học trực tiếp, nhà trường vẫn luôn tìm mọi cách để “không HS nào bị bỏ lại phía sau”.
Tại TP HCM, thời gian kết thúc năm học đối với từng khối lớp là khác nhau. Theo đó, đối với lớp 6 đến lớp 12 các trường chủ động kiểm tra học kỳ II và hoàn thành chương trình trước ngày 15/5. HS lớp 5 thực hiện kiểm tra định kỳ cuối học kỳ II và kết thúc năm học trước ngày 10/6. Đối với HS các lớp 1, 2, 3, 4, các trường chủ động xây dựng kế hoạch kết thúc năm học tuỳ theo tình hình thực tế, năng lực của HS mỗi trường, kế hoạch được Phòng GDĐT phê duyệt trước khi tổ chức thực hiện. HS lớp 1, 2, 3, 4 TP HCM kết thúc năm học trước ngày 30/6.
Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT cho biết, các trường vẫn còn quỹ thời gian hai tuần dự phòng để thực hiện kế hoạch năm học. Nếu thực sự cần thiết, địa phương có thể nới khung thời gian năm học rộng hơn so với quy định để HS có thêm thời gian bù đắp khoảng trống về kiến thức, kỹ năng.
Học trực tuyến, kiểm tra trực tiếp
Đây là một thực tế đã diễn ra trong năm học qua khi nhiều địa phương, có tới 7/9 tháng HS học online. Như tại TP HCM, sau gần hết một học kỳ học online, HS đến trường ôn tập và kiểm tra học kỳ I trực tiếp. Nhiều HS đã gọi đây là “kỳ kiểm tra lịch sử”. Lý do là vì hầu hết các trường khi đó xếp lịch thi chỉ trong vòng 1 tuần, trung bình các em thi 2 môn/ngày.
Bỡ ngỡ trở lại trường học, chưa kịp thích ứng sau mấy tháng bị “nhốt” trong nhà, các em vừa trở lại trường đã đối mặt với kỳ thi, kiểm tra đánh giá. Khi đó, nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao học trực tuyến nhưng lại kiểm tra trực tiếp, có áp lực quá cho HS hay không?
Vẫn biết thi trực tiếp sẽ có những chênh lệch điểm số so với thi trực tuyến nhưng việc thi dồn dập khi vừa trở lại trường khiến nhiều HS khi đó xoay xở không kịp, bơ phờ.
May mắn đến thời điểm này, khi các trường chuẩn bị kết thúc học kỳ II thì tất cả các địa phương trên cả nước đều đã mở cửa trường học trở lại nên thầy trò có thời gian ôn tập, bình tĩnh đối mặt với kỳ kiểm tra.
Từ đây cũng đặt ra vấn đề đổi mới, kiểm tra đánh giá trong giáo dục. PGS.TS Mai Sỹ Tuấn - Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên 2018 cho biết trong chương trình mới, sách mới sẽ chú trọng đánh giá năng lực của HS, điều này được tích luỹ qua cả quá trình học tập dài, có kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, khơi gợi khả năng liên hệ kiến thức của HS hơn là việc phải học thuộc, học ghi nhớ. Kết thúc mỗi phần học, đều có đánh giá định kỳ năng lực của HS.
Điều này cũng đặt ra cho giáo viên yêu cầu tự học hỏi, trau dồi thêm kỹ năng, kiến thức để có những cách kiểm tra đánh giá phù hợp, sao cho phát triển được năng lực toàn diện của HS.
Giáo viên là người “tiên phong”
Theo PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên thứ trưởng Bộ GDĐT, trong bất kỳ sự đổi mới nào của ngành Giáo dục thì giáo viên cũng là những người “tiên phong”. Vì vậy, việc đầu tư thời gian, tâm sức, kiến thức, kinh nghiệm... là điều tất yếu để giáo viên thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ của mình.
Điều này vất vả hơn cho giáo viên nhưng sẽ giúp cho HS và phụ huynh thấy được rõ hơn năng lực và toàn bộ quá trình học tập của HS. Người học sẽ nhận thấy được những khả năng, điểm mạnh của bản thân một cách cụ thể để phát huy và những điểm yếu để khắc phục. Từ những lời đánh giá đi kèm điểm số, HS và cha mẹ HS có thể định hướng nghề nghiệp cho các em một cách phù hợp dựa vào kết quả đánh giá của giáo viên.
Tuy nhiên, tất cả vì sự tiến bộ của HS, mỗi thầy cô đều cần cố gắng để thay đổi.
Lam Nhi(ghi)