“Sao chép, làm giả hay trục lợi qua tranh, ảnh ở Việt Nam hiện nay đang làm tổn hại đến thanh danh của những người làm nghệ thuật. Tuy nhiên, thực trạng này dù đã diễn ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết tận gốc”.
Đó là khẳng định của nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng tại buổi trò chuyện với chủ đề “Thái độ của nghệ sĩ với vấn đề vi phạm bản quyền nghệ thuật trong đời sống xã hội – Thực trạng nhận thức về bản quyền” vừa diễn ra trong khuôn khổ Việt Nam Photo Fair 2016 (Hội chợ nhiếp ảnh Việt Nam).
Hội chợ nhiếp ảnh Việt Nam 2016.
Họa sĩ “xịn” cũng chép tranh
Sau những năm 1990 (đặc biệt là giai đoạn 1988 – 1990) là thời kỳ thị trường tranh của Việt Nam phát triển vô cùng lớn mạnh. Ở giai đoạn này các họa sĩ, nhà sưu tập đều chỉ sống nhờ vào việc buôn bán những bức tranh của các họa sĩ lớn. Thế nhưng, dần dần chính những lợi nhuận của những bức tranh danh tiếng đã đặt ra câu hỏi là tại sao không chép thành nhiều bản khác nhau để sinh lời. Vì lợi nhuận nhiều người thuê các họa sĩ chép lại những bức tranh lớn để đem bán sinh lời. Thậm chí, họa sĩ thời bấy giờ hoàn toàn chưa từng có khái niệm gì về bản quyền tranh. Họ không có khái niệm gì là tranh đấy là duy nhất, mà chỉ quan tâm tới chuyện bán được nhiều, bán được thì lại chép tiếp.
Cách thức chép tranh của các họa sĩ cũng rất dễ, ai giỏi phần nào vẽ phần đấy. Ví dụ, như tranh của Bùi Xuân Phái, các họa sĩ chia ra mỗi người một mảng, người vẽ nền trời, người vẽ phố cổ, người vẽ mái nhà cây cối… Vẽ xong đoạn của mình thì cất đi rồi đến đoạn của người khác thì lại mang ra vẽ tiếp. Có thể khẳng định đây là giai đoạn thị trường tranh giả hoạt động vô cùng “sôi động”. Đến mức độ mà có một nhà phê bình nghệ thuật phương Tây có nói lên rằng: “Khi còn sống ông Phái vẽ nhiều bao nhiêu, thì khi mất đi ông ấy còn vẽ nhiều hơn thế”. Tất nhiên đó cũng chỉ là một câu nói vui thôi, nhưng chúng ta cũng có thể nhìn vào đấy mà thấy rằng việc sao chép hay làm giả tranh của các họa sĩ lớn từ đó đến nay đáng báo động.
Hiện tượng chép tranh không chỉ xảy ra ở nước ta, mà con ở nhiều nước Đông Dương ngày xưa. Một bức tranh định giá hiện nay có thể vài trăm nghìn “đô”, nếu làm giả có thể ăn không của chính những họa sĩ không biết bao nhiêu tiền. Đơn cử như việc của ông Xuân Chung ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM thì nhìn bằng mắt thường có thể nhận ra ngay. Nhưng chúng tôi lại “vấp” phải sự khó khăn khi bắt gặp bức tranh của ông Lê Phổ vì bức tranh từ những năm 1935. Muốn nhận biết tranh thật tranh giả chỉ phân biệt được khi cảm nhận được thần thái của bức tranh, “hồn” của bức tranh phải do chính tác giả cảm nhận và tạo nên “đứa con” tinh thần. Còn người chép lại tranh đó thì không thể có được cái hồn như vậy, tình cảm của người họa sĩ chân chính dành cho bức tranh là rất lớn không thể làm giả được.
Có thể nói, trên cơ sở một bức tranh có thể chép ra nhiều bức tranh khác. Nhưng có một số người chép dưới hình thức là chép xong đề tên đúng tác giả, nhưng có những người “trơ tráo” hơn, chép nhưng lại ghi tên chính mình rồi nói thản nhiên rằng đó là tranh “tôi vẽ đấy”. Tất nhiên là không thể bắt tất cả không được vẽ theo phong cách ấy, hay không có lý do nào mà tác giả có thể cấm người khác vẽ theo chủ đề đó, duy có thể nó chỉ biến tấu đi một chút so với tranh thật cũng là khác rồi. Khó khăn nhất là tranh giả cũng có nhiều tầng khác nhau: tầng thấp nhất là tầng tranh giả được chép theo hình thức bình thường nhất rồi rao bán với giá rẻ khoảng vài trăm nghìn đồng; cách thứ hai là do các họa sĩ giỏi chép tất nhiên là chép vẫn nguyên như bản gốc; cách thứ ba là các họa sĩ lớn chép tranh của người khác hoặc chép lại chính tranh của mình.
Khó quản lý ảnh trên mạng
Ảnh tư liệu xã hội hiện nay “lang thang” ở mạng xã hội rất nhiều, không thể kiểm soát được, và cũng không biết được là ai đăng và từ đâu. Bên cạnh đó, ảnh nghệ thuật và ảnh sáng tác cũng đang rơi vào thực trạng bị lấy và sao chép thành nhiều ảnh khác nhau vi phạm nghiêm trọng về bản quyền. Thậm chí, nhiều họa sĩ lại lấy chính nội dung hình ảnh của bức ảnh đó để vẽ lên thành tranh. Nhưng vấn đề này vẫn chưa thể khẳng định là có vi phạm bản quyền hay không?
Thêm nữa, ảnh chụp lại các tác phẩm nghệ thuật ở các triển lãm thì không ai có thể cấm, nhưng nhiều khi lại lấy chính những bức ảnh chụp lại đấy để sử dụng với nhiều mục đích khác nhau vậy điều đó thì tính bản quyền sẽ được quyết định như thế nào? Nhiều ý kiến cho rằng, nếu như một họa sĩ hay một nhiếp ảnh gia khi sáng tác hay sử dụng tác phẩm của mình với hình thức thương mại thì nên có hình thức đóng thuế, vì dù ít hay nhiều đó cũng là cách để đảm bảo về nguồn gốc cho tác phẩm của mình. Nghệ thuật của Việt Nam hiện nay vẫn chưa có sự hình thành về luật một cách có hệ thống. Có thể thêm vấn đề đăng ký hành nghề chuyên nghiệp, tức là người đăng ký đó sẽ sử dụng việc hành nghề về hội họa hay nhiếp ảnh để “sống”. Từ đó, khi các nghệ sĩ sáng tác ra các tác phẩm thì tự khắc sản phẩm đó sẽ được bảo hộ về mặt bản quyền. Hình thức này đóng góp cho đất nước giá trị về cả vật chất và tinh thần, mà cao nhất là giá trị về mặt nghệ thuật.
Ngoài ra, bản thân nhiều nhiếp ảnh gia khi đăng ảnh lên cũng thấy tác phẩm của chính mình được sử dụng với mục đích rất bừa bãi. Nhưng nếu muốn kêu, thì chẳng biết ý kiến vấn đề này với ai? Không hiểu chế tài xử lý về những vấn đề này như thế nào?...
Hiện nay thế giới vẫn còn đang tranh cãi về vấn đề bản quyền mỹ thuật. Vì có khi những bức tranh đó người ta chụp để viết thành sách, hay nhiều khi chụp để in lên áo hoặc một nơi nào đó, thì đó có thể được coi là vi phạm bản quyền hay không, hay chỉ là một hình thức quảng bá nghệ thuật? Chỉ biết rằng ngay cả trong giới nghệ thuật, cho dù là tranh hay ảnh vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề phức tạp khó giải quyết.