Triển lãm “Hồn xưa bến lạ” mới đây tại TP Hồ Chí Minh được xem là triển lãm tranh Đông Dương lớn nhất tại Việt Nam cả về giá trị lẫn số lượng. Triển lãm quy tụ 56 tác phẩm của danh họa Lê Phổ (1907-2001), Mai Trung Thứ (1906-1980), Lê Thị Lựu (1911-1988), Vũ Cao Đàm (1908-2000); thường được gọi là “Bộ tứ Paris”.
Thời gian qua, dòng tranh Đông Dương của các tác giả Việt Nam được chú ý trên các sàn đấu giá quốc tế với những cú gõ búa nâng tầm giá tranh. Bức "Chân dung cô Phương" của Mai Trung Thứ đạt 3,1 triệu USD trong đợt đấu giá tháng 4/2021. Lê Phổ cũng có 4 tranh cán mốc triệu đô gồm "Thiếu nữ choàng khăn" (1,1 triệu USD), "Khỏa thân" (1,4 triệu USD), "Đời sống gia đình" (1,1 triệu USD) và "Dáng hình trong vườn" (2,28 triệu USD)…
Tại "Hồn xưa bến lạ", tuy rằng đó là những tác phẩm được các danh họa vẽ ở nước ngoài, đã về tay một số nhà sưu tầm trước khi "hồi hương", một số ít nằm yên trong bộ sưu tập của các nhà sưu tầm Việt; nhưng giới hội họa cho rằng xét cả về mặt lịch sử mỹ thuật Việt Nam thì hành trình các tác phẩm của “bộ tứ” này xứng đáng mang tính đại diện cho quá trình trở về nguồn cội của dòng tranh Đông Dương nói chung. Mặc dù các tác giả sử dụng nhiều kỹ thuật sáng tác Tây phương nhưng chất cá nhân và bản sắc Việt vẫn được biểu đạt mạnh mẽ.
Nhiều năm qua, thị trường hội họa của Việt Nam lúc thăng lúc trầm, tuy nhiên những năm gần đây việc một số tranh của họa sĩ trường phái Mỹ thuật Đông Dương được bán giá cao tại nước ngoài đã đem tới niềm hứng khởi mới. Nhưng, câu chuyện mua bán tranh ra sao, tranh thật tranh giả thế nào thì vẫn như một thách thức.
Ngoài hai tác giả Mai Trung Thứ và Lê Phổ như đã nói ở trên thì các tác giả khác trường phái Mỹ thuật Đông Dương cũng gây tiếng vang lớn, trong đó có họa sĩ Lê Quốc Lộc (1918-1987), khi bức “Phong cảnh Phnom Penh” của ông được bán giá 1,36 triệu USD) trong phiên đấu của Millon-Asium. Tranh của ông mang vẻ đẹp tinh xảo với chất liệu tự nhiên như gỗ, nhựa cây sơn, vàng lá và vỏ trứng...
Điểm qua một số thành tựu cho thấy, những tác gia danh giá đều bước ra từ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Nói như bà Bernadette Rankine - Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Bonhams trên Straitstimes thì hầu hết tranh của họ được người nước ngoài mua từ cách đây chừng 80 năm, nay lại đang “tìm đường hồi hương”. Một điểm đáng chú ý nữa là đến nay cũng đã có khá nhiều họa sĩ đương đại Việt Nam trưng bày tranh ở nước ngoài, nhưng việc bán tranh không dễ dàng gì và giá cũng tương đối thấp, nếu so với các bậc tiền bối trường phái mỹ thuật Đông Dương.
Vì sao vậy? Một số ý kiến cho rằng do ở trong nước hoạt động trưng bày triển lãm, mua bán tranh chưa chuyên nghiệp, nên ít gây được sự chú ý với bên ngoài, từ đó khó thành công. Dù đã qua nhiều nỗ lực nhưng tới nay cũng chưa thể nói là đã có thị trường tranh đúng nghĩa. Mối liên kết giữa họa sĩ với chủ phòng tranh còn lỏng lẻo trong khi chính các phòng tranh là cầu nối đầu tiên đóng vai trò rất quan trọng trong việc giới thiệu họ đến với công chúng, khách hàng trong và ngoài nước.
Người ta có thể bất ngờ trước thông tin tranh của ai đó bán được vài triệu USD, nhưng để bước tới được thì cũng là việc “khó như lên trời”. Nói như họa sĩ Uyên Huy (Hội Mỹ thuật TP HCM) thì phần nhiều các họa sĩ tham gia triển lãm, giao lưu ở nước ngoài là do tự thân vận động nhờ các mối quan hệ cá nhân, trong khi các hội ngành nghề không đủ điều kiện tài chính để tổ chức, nên cũng không giúp gì được nhiều.
Trong một góc nhìn khác, bà Mã Thanh Cao (nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM) lại cho rằng, các nhà sưu tập thế giới ưa chuộng những nét đặc trưng văn hóa - lịch sử, bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt. Tiếc là một số họa sĩ trẻ vì quá mải mê tìm tòi những cái mới mà vô tình quên đi điều này. Nhận xét tinh tường của bà Cao là hết sức đáng lưu ý.
Trở lại với việc tranh Việt được bán đấu giá tại nước ngoài. Do uy tín nâng lên nên đã xuất hiện việc tranh giả trà trộn. Còn nhớ họa sĩ Lê Huy Tiếp từng đưa lên Facebook cá nhân những hình ảnh về nhiều bức tranh ông cho là giả. Đó là những bức tranh “được cho là” của hai danh họa Bùi Xuân Phái (1920-1988) và Lê Phổ, dự kiến được nhà đấu giá Drouot đưa ra. Ông Tiếp không giấu nổi bất bình: “Không biết nói gì hơn với nhà đấu giá và những kẻ làm hàng giả”.
Bức tranh “Nhà tranh gốc mít” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ (1917-1992) từng được nhà Sotheby’s Hongkong đưa ra đấu giá nhưng rồi lại phát hiện ra có một bức treo tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ Nguyễn Bình Minh, con gái họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ lúc ấy khẳng định bức bình phong sắp được đấu giá là tranh giả.
Cũng có thể kể đến một nghi án khác, đó là vào năm 2019, nhà Sotheby’s đưa ra đấu giá bức “Hai cô gái trước bình phong”, trong khi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng có tác phẩm cùng tên. Lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (khi đó) cho rằng chỉ có thể khẳng định tranh ở bảo tàng là thật. Nhưng cũng không lên tiếng về bức tranh kia.
Từ câu chuyện đó, thật giả lẫn lộn cũng thật khó lường. Và thị trường mỹ thuật Việt Nam vẫn còn phải đối diện với những khó khăn; hay có thể nói là vẫn đi tìm chính mình.