Yêu làng cổ Đường Lâm quê mình, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát quyết định sống và làm việc tại quê. Mấy năm nay, anh miệt mài thực hiện nhiều ý tưởng để kết nối du khách gần xa đến với làng cổ, trong đó có nhiều du khách quốc tế. Có thể nói, anh đang cố gắng để hội nhập ngay trên “sân nhà”.
Tung “chiêu” hút khách
Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) là địa chỉ đã quen thuộc của nhiều du khách, cũng nằm trong tour tuyến của một số công ty lữ hành. Nhưng điểm đến quen thuộc này cần có sự làm mới để hấp dẫn hơn, đó cũng chính là mong muốn của nhiều du khách, để họ có thể trở lại thăm thú chứ không chỉ đi một lần cho biết.
Dường như thấu hiểu điều đó nên nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát luôn làm mới với những dự án cá nhân và kết nối cộng đồng. Mùa nào dường như anh cũng nghĩ ra nhiều “chiêu” để “dụ khách” gần xa. Như mùa hè vừa rồi, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát bắt đầu triển khai hoạt động làm tranh in khắc gỗ miễn phí. Đây không chỉ là một trải nghiệm thú vị mà còn giúp tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ và mang lại niềm vui cho khách du lịch.
“Khi tham gia hoạt động làm tranh in khắc gỗ, khách du lịch sẽ được hướng dẫn và trải nghiệm các kỹ thuật và kỹ năng cần thiết để hoàn thành tác phẩm của mình. Đồng thời, hoạt động này còn giúp phát triển tư duy sáng tạo của khách du lịch. Bên cạnh đó, khi tham gia hoạt động làm tranh in khắc gỗ, khách du lịch có cơ hội giao lưu và kết nối với người địa phương, chia sẻ kinh nghiệm và tạo ra những mối quan hệ mới", nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ, đồng thời cho biết, nội dung trên tranh được các bạn nhỏ hướng đến là hình tượng làng cổ Đường Lâm.
Sau mấy tháng triển khai, những đoàn khách đến trải nghiệm hoạt động này càng đông hơn, trong đó có rất nhiều em nhỏ đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Chia sẻ về điều này, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết, anh rất hạnh phúc khi thấy các em nhỏ ở nhiều nơi trên thế giới bước vào studio của mình. Anh nhận thấy sự hào hứng, thích thú của các em khi tìm hiểu kỹ thuật làm tranh in khắc gỗ. Bên cạnh đó, du khách khi đến đây cũng cảm thấy hấp dẫn, mới mẻ. “Qua đó tôi có thêm nhiều động lực để tiếp tục thực hiện các hoạt động có ý nghĩa với cộng đồng hơn nữa", anh Phát bày tỏ.
“Gã khờ” kể chuyện làng quê
Yêu xứ Đoài, tự hào về văn hóa xứ Đoài, Nguyễn Tấn Phát có lần tự nhận mình là “gã khờ” khi chỉ loanh quanh luẩn quẩn ở làng. Thế nhưng, không chỉ “neo đậu bến quê” mà nhiều năm qua, anh vừa sáng tác vừa nỗ lực tạo sinh kế cho người dân để giữ sức sống nghệ thuật sơn mài truyền thống, phát triển các sản phẩm mang dấu ấn văn hóa địa phương ngay tại “sân nhà”.
Quan sát những hoạt động của nghệ nhân 8X Nguyễn Tấn Phát, thấy anh biết cách phát huy những thế mạnh của quê hương để thu hút du khách. Anh chia sẻ: “Là một nghệ sĩ, nghệ nhân sống trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, tôi hiểu được giá trị đặc biệt của vùng đất này. Sau quá trình học tập tại môi trường chuyên nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, được giao lưu, tham gia nhiều hiệp hội làng nghề, bạn bè trong nhiều lĩnh vực, tôi học hỏi được nhiều và hiểu rằng văn hóa của mỗi miền là một nét riêng, có những câu chuyện riêng. Văn hóa được hình thành từ nếp sống, địa lý, địa chất, thổ nhưỡng mỗi vùng đất. Vì thế, không thể có vùng đất nào giống hệt vùng đất nào. Chúng ta ở mỗi nơi hoàn toàn có thể phát huy hết năng lực và những giá trị riêng bởi thực sự chỉ có những con người sinh ra, lớn lên, dành trọn cuộc đời cho nơi ấy thì mới có thể thấu hiểu, phát huy hết những giá trị đó”.
Cái “lãi” mà Nguyễn Tấn Phát thu được là từ những ý tưởng của mình, suốt chục năm qua, mấy trăm học viên là trẻ nhỏ, người lớn tại Đường Lâm hoặc đến từ khắp nơi trên đất nước mình và cả du khách nước ngoài, mỗi người sẽ mang theo về nụ cười hiền lành của người nghệ sĩ tâm huyết với nghề; mang theo trong mình những dấu ấn khó phai với Đường Lâm và nhen nhóm những ký ức về sơn mài, tranh khắc gỗ…
Cũng như nhiều nơi, Đường Lâm đang thiếu những sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn địa phương đặc trưng để quảng bá hình ảnh của mình sâu rộng hơn nữa. Nghệ sĩ Nguyễn Tấn Phát đang từng ngày nâng tầm du lịch Đường Lâm, Sơn Tây xứ Đoài bằng chính sự sáng tạo và tâm huyết của mình.
Theo nghệ nhân trẻ này, hội nhập không nhất thiết phải đưa sản phẩm đi khắp năm châu. Muốn như thế thì ngay tại “sân nhà”, các sản phẩm ấy trước hết phải được hiểu, được yêu chuộng và người làm nghề, người làng nghề phải sống được, sống khỏe đã.
Anh cũng không giấu tham vọng làm ra những tác phẩm nghệ thuật, có thể đặt trong không gian nghệ thuật và cũng có khi là những sản phẩm mini, hộp đựng đồ, là những thứ ai cũng có thể sử dụng trong cuộc sống thường ngày.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát là chủ nhân của nhiều công trình thiết kế sản phẩm du lịch của các tỉnh thành trên cả nước và đạt nhiều giải thưởng. Năm 2017, anh được UBND thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”.
Anh cũng 2 lần đạt: “Giải Nhất thiết kế mẫu thủ công mỹ nghệ Hà Nội” các năm 2014, 2019; “Giải Khuyến khích Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc” năm 2019. Tác phẩm “Cổng di sản Thăng Long” đạt giải “Thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội năm 2022” là một bộ sản phẩm quà tặng riêng của Hà Nội mang nét vàng son di sản của mảnh đất ngàn năm văn hiến.