Hài hòa hóa Tư pháp trong các nước ASEAN có tầm quan trọng đặc biệt đối với mỗi quốc gia thành viên, giúp các quốc gia xây dựng và hoàn thiện nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, đồng thời cũng là cơ hội để ngành Tư pháp các nước hợp tác, hỗ trợ nhau trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế đang ngày một gia tăng trong quá trình hội nhập.
Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội thảo.
Đó là ý kiến của Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình tại Hội thảo Hội nhập ASEAN và hài hòa hóa Tư pháp trong các nước ASEAN do TAND tối cao tổ chức, sáng 17/3, tại Hà Nội.
Cần chủ động linh hoạt
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng, việc xảy ra các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại xuyên biên giới gia tăng nhanh và phức tạp hơn, từ đó phát sinh nhu cầu tương trợ tư pháp giữa các nước. Vì vậy, hệ thống tư pháp của mỗi nước thành viên ASEAN cần linh hoạt, chủ động để thích ứng với thực tế phức tạp.
PGS TS Hoàng Phước Hiệp phát biểu tại Hội thảo.
Trong lĩnh vực đầu tư, việc hài hòa hóa pháp luật đầu tư trong khuân khổ ASEAN là vấn đề cần phải được xem xét ngay và nghiêm túc trong một chỉnh thể với vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế của ASEAN. Trong đó, pháp luật tố tụng về đầu tư của các nước ASEAN có cách hiểu thống nhất, gần giống nhau hoặc tương đương cần được đưa ra xem xét trước, PGS TS Hoàng Phước Hiệp, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp nhận định.
GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ASEAN trình bày tham luận tại Hội thảo.
Đối với các tranh chấp kinh tế, để giải quyết các tranh chấp này, GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ASEAN kiến nghị nên tập trung vào xem xét giải quyết tranh chấp thông qua tòa trọng tài để đảm bảo tốt nhất cho quyền tự do kinh doanh và là một trong những đảm bảo không thể thiếu cho sự phát triển dân chủ của nền kinh tế Việt Nam.
Đồng tình với GS TS Lê Hồng Hạnh, luật sư Nguyễn Mạnh Dũng, Ủy ban Trọng tài Hiệp hội các đoàn luật sư quốc tế khẳng định, việc xem xét, công nhận và cho thi hành bản án của tòa án, phán quyết của trọng tài nước ngoài là xu hướng chung của khu vực và thế giới.
Toàn cảnh Hội thảo.
Tăng cường tương trợ Tư pháp bằng các hiệp định song phương, đa phương
Mỗi năm, Việt Nam gửi đi nước ngoài khoảng 2600 yêu cầu ủy thác tư pháp, nhận của nước ngoài khoảng 700 yêu cầu, trong đó, ủy thác tư pháp giữa Việt Nam và các nước ASEAN chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, với số lượng ủy thác có trả lời rất thấp, chưa tới 10% so với tỷ lệ chung là 50-60%.
Ông Trần Anh Tuấn, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp phát biểu ý kiến tại Hội thảo.
Hoạt động ủy thác tư pháp chủ yếu là tống đạt giấy tờ để hỗ trợ hoạt động xét xử của tòa án. Đối với vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp khuyến nghị, trước tiên phải chủ động thực hiện nghiêm túc Công ước mà Việt Nam đã tham gia về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp ra nước ngoài, đẩy mạnh nghiên cứu, để xem xét việc tham gia các công ước quốc tế song phương, đa phương về tống đạt giấy tờ vì đây là biện pháp hữu hiệu nhất để việc thực thi các bản án có yếu tố nước ngoài được xử lý nhanh hơn, giảm chi phí, qua đó hỗ trợ tích cực cho hoạt động xét xử của các cơ quan tố tụng trong nước.
Chính phủ đang nghiên cứu việc tham gia Công ước tống đạt để trình Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Dự kiến sau 6 tháng tính từ khi Việt Nam nộp đơn gia nhập (16/3/2016) thì Công ước sẽ có hiệu lực với Việt Nam (16/9/2016). |
Về vấn đề tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước ASEAN, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình khẳng định, TAND tối cao sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ nghành liên quan nghiên cứu, xem xét các vấn đề mà các đại biểu đã nêu. Đồng thời, vấn đề tống đạt giấy tờ, thẩm quyền xét xử, pháp luật áp dụng và thi hành bản án, quyết định của Tòa án, trọng tài nước ngoài... sẽ tiếp tục được đem ra thảo luận tại Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần thứ 4 tới đây tại TP HCM ( Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần thứ 4 sẽ diễn ra trong 2 ngày 31/3 và 1/4/2016 tại TP HCM do TAND tối cao Việt Nam đăng cai tổ chức).
Thành Trung