‘Hồi sinh’ văn hóa phố cổ

Minh Quân 10/01/2023 07:21

Với lịch sử hình thành hơn 1000 năm, phố cổ Hà Nội là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa cốt lõi của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, với quá trình đô thị hóa, không gian phố cổ Hà Nội đang có nhiều biến đổi, nguy cơ mai một những bản sắc văn hóa vốn có.

Không gian phố cổ Hà Nội đang có nhiều biến đổi bởi quá trình đô thị hóa. Ảnh: Quang Vinh.

Mâu thuẫn trong phát triển

Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể bao gồm 121 di tích, trong đó có 83 di tích lịch sử văn hóa, 30 di tích lịch sử cách mạng và 8 di tích khác (hiện có 25 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia) với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng... Bên cạnh đó, các giá trị phi vật thể cũng khá đa dạng, hấp dẫn. Có thể kể đến ẩm thực; các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật dân gian ca trù, hát xẩm, múa rối nước...; những lễ hội truyền thống như Lễ hội đền Bạch Mã, đình Yên Thái, Lễ hội Kim hoàn... Hiện nay, người Hà Nội sinh sống trong không gian này vẫn duy trì nếp sống, tập tục làm ăn, tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng với cách ứng xử và các thói quen, lễ nghi, nề nếp tiêu biểu của “văn hóa Hà Nội”.

Nhiều con phố không còn bán những sản phẩm gắn với tên gọi. Ảnh: Quang Vinh.

Tuy nhiên, với quá trình đô thị hóa, không gian phố cổ Hà Nội đang dần mất đi những giá trị văn hóa, kiến trúc truyền thống. Đơn cử như sự biến mất của các nghề thủ công truyền thống, các sản phẩm, mặt hàng thủ công hầu như không còn, mà thay vào đó là các cửa hàng nhỏ, bày bán đồ mỹ nghệ cùng với hàng tạp phẩm, hàng ngoại nhập… Các tên phố không còn có ý nghĩa gắn với các mặt hàng sản xuất hay buôn bán tại phố đó nữa. Duy nhất chỉ còn một vài phố có những sản phẩm gắn với tên gọi như phố Hàng Bạc, phố hàng Mã... còn lại người ta thấy hàng hóa bán trên những con phố thuộc khu phố cổ đều không còn gắn với tên gọi như trước đây.

Hay lĩnh vực văn hóa, du lịch dù đã được khai thác từ lâu, song hoạt động du lịch hiện vẫn thiếu quy mô, chất lượng, hiệu quả chưa cao, chưa làm tốt chức năng, vai trò giới thiệu, quảng bá hình ảnh khu phố cổ Hà Nội một cách toàn diện tới du khách trong và ngoài nước. Nhiều ý kiến cho rằng, khu phố cổ Hà Nội có nhiều điểm di tích tham quan, hoạt động văn hóa nhưng vẫn chưa được kết nối thành tour chuyên nghiệp, do đó khả năng quảng bá thấp. Đặc biệt, công tác quản lý về trật tự đô thị dù có chuyển biến nhưng vẫn chưa triệt để, cho nên vẫn còn hiện tượng lừa đảo, chèo kéo, "chặt chém" du khách...

Nhìn nhận về vấn đề này, KTS Nguyễn Hoàng Phương - Trưởng phòng nghiên cứu khoa học và quản lý kiến trúc, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho hay, phố cổ Hà Nội nhiều năm qua đang đứng trước mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, truyền thống và hiện đại. Tuy nhiên, đây là những mâu thuẫn mà ở bất kỳ đất nước nào trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển cũng xảy ra. Nêu lên nguyên nhân, ông Phương cho rằng, do làn sóng đô thị hóa, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mạnh mẽ, có nhiều cách tiếp cận mới mà trong phát huy giá trị di sản đô thị, Thủ đô vẫn chưa cập nhật một cách đầy đủ, kịp thời.

Vai trò của văn nghệ sĩ

Việc bảo tồn và phát huy không gian phố cổ Hà Nội không chỉ làm sống động giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc, mà còn góp phần tạo đà để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, việc bảo tồn phố cổ Hà Nội đã và đang có sự góp, chung tay không nhỏ của các văn nghệ sĩ, những người làm nghệ thuật. Thực tế lâu nay, phố cổ Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ sáng tạo nên các tác phẩm văn học, nghệ thuật hấp dẫn, đặc sắc. Thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật và các hoạt động của văn nghệ sĩ, giá trị của những di sản phố cổ được bảo tồn và phát huy trong đời sống.

Đơn cử như việc, thời gian qua các họa sĩ, nhà điêu khắc Thủ đô đã tham gia vào các dự án nghệ thuật công cộng, các công viên, vườn hoa, như công trình “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”, phố bích họa Phùng Hưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội)… hoặc tham gia vào việc bảo tồn, trùng tu các di tích, chỉnh trang các con phố, đem lại một diện mạo mới cho phố cổ. Hay những năm gần đây, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Hội Múa Hà Nội đã dàn dựng, đưa chương trình Múa dân gian cổ truyền Hà Nội về trình diễn tại các địa điểm công cộng... trong những ngày lễ hội, kỷ niệm lớn của Thủ đô, của đất nước. Đó chính là những hoạt động tích cực góp phần bảo vệ di sản văn hóa cho khu phố cổ Hà Nội, tạo sức hút hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Theo nhà văn Nguyễn Thị Mai - Hội Nhà văn Việt Nam, để có thể bảo tồn và phát huy mạnh mẽ những di sản văn hóa của khu phố cổ Hà Nội, cơ quan quản lý văn học nghệ thuật cần tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh, ảnh về phố cổ; tổ chức các cuộc sáng tác văn học nghệ thuật về Hà Nội và phố cổ; khôi phục các nhà hát cổ trong lòng Hà Nội, kết hợp các tour du lịch với nghệ thuật biểu diễn tạo sức cuốn hút cho du khách trong và ngoài nước; hay những cuộc thi sưu tầm văn học dân gian về phố cổ... “Có như vậy thì giá trị lịch sử, văn hóa phố cổ Hà Nội mới được nâng tầm để tiếp tục được bảo tồn, tôn tạo và phát huy” - nhà văn Nguyễn Thị Mai nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Hồi sinh’ văn hóa phố cổ