Ngày 25/7, tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) Quy Nhơn - Bình Định, Trung tâm Gặp gỡ Việt Nam, Bộ KH&CN và UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức hội nghị khoa học quốc tế với chủ đề “Sự hình thành ngôi sao trong các môi trường khác nhau”. Đây là hoạt động quan trọng trong chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” năm 2016.
Các nhà khoa học và các nghiên cứu viên trẻ tham dự hội nghị.
Diễn ra đến 29/7, hội nghị có trên 150 GS, nhà khoa học đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự hội nghị. Trong đó, PGS. TS Nguyễn Lương Quang và GS Fumitaka Nakamaru (cùng công tác tại Đài quan sát thiên văn quốc gia Nhật Bản) là người chịu trách nhiệm tổ chức về mặt khoa học.
GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam cho biết, tại hội nghị có trên 120 báo cáo nghiên cứu khoa học của các GS, nhà nghiên cứu có uy tín trên thế giới trình bày về kết quả và nhận định nghiên cứu mới về sự hình thành ngôi sao trong các môi trường khác nhau… Hội nghị nhằm đưa các nhà lý thuyết và các nhà quan sát thiên văn về sự hình thành các ngôi sao đến bên nhau.
Họ chính là những người tạo ra các bước tiến mới, làm giàu thêm sự hiểu biết của chúng ta về các ngôi sao, về cấu trúc dạng sợi, lõi của ngôi sao, sự tiến hoá của đám mây xung quanh ngôi sao cũng như sự kết nối giữa các ngôi sao, bao gồm cả sự hình thành những ngôi sao khối lượng nhỏ, ngôi sao có khối lượng rất lớn, cấu trúc dạng sợi, những đám mây phân tử khổng lồ và cả sự hình thành các ngôi sao cỡ thiên hà…
Là hội nghị đầu tiên ở Việt Nam về sự hình thành các ngôi sao, hội nghị còn nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác chặt chẽ thông qua nhiều nhóm nghiên cứu nhỏ.
Được biết, trước đó, ngày 23 và 24/7, tại Trường ĐH Quy Nhơn, BTC đã tổ chức một lớp đào tạo ngắn về sự hình thành ngôi sao làm kiến thức nền tảng cho các học viên là sinh viên, nghiên cứu viên trẻ mới tiếp cận lĩnh vực này. Có 23 người tham gia lớp đào tạo; trong đó có 12 học viên Việt Nam, 3 học viên đến từ Trường ĐH Quốc gia Lào…