Sáng 19/7, Trung tâm giao dịch việc làm Hà Nội tổ chức Hội chợ việc làm dành cho lao động làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan về nước. 128 doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia tuyển dụng hơn 2.500 chỉ tiêu việc làm tại phiên giao dịch này.
Các ứng cử viên tìm việc làm tại hội chợ việc làm.
Hội chợ việc làm còn kết nối online với doanh nghiệp, người lao động của các Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Hòa Bình và Bình Dương. Nhiều vị trí việc làm tốt cho người lao động như phiên dịch, quản lý sản xuất, nhân viên IT, nhân viên kỹ thuật, nhân viên quản lý chất lượng, quản lý CNC, công nhân sản xuất, điện-điện tử….với mức lương hấp dẫn.
Theo ông Vũ Quang Thành Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, trong tổng số 128 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng có 17 doanh nghiệp Hàn Quốc và 9 doanh nghiệp Nhật Bản. Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật chiếm tỷ lệ cao nhất (gần 40%); nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng, đại học là gần 30%. Lao động phổ thông chiếm hơn 31%. Trong số hơn 2.500 chỉ tiêu tuyển dụng có 54% vị trí yêu cầu trong nhóm tuổi 26-35. Mức lương trung bình từ 7 triệu đến 20 triệu đồng/tháng.
Cũng theo ông Thành hiện nay việc khan hiếm lao động đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực. Điều này tạo điều kiện cho người lao động đặc biệt là lao động trở về từ Hàn Quốc, Nhật Bản có tay nghề sản xuất, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và có tính kỷ luật trong công việc cao, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH cho biết, hiện nay, lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc đang có dấu hiệu gia tăng trở lại với tỷ lệ 40%. Còn tại Nhật Bản, tỷ lệ lao động bỏ trốn là 4%. Hội chợ việc làm được tổ chức góp phần động viên khuyến khích người lao động yên tâm về nước đúng quy định khi hết hạn hợp đồng lao động, góp phần giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và Nhật Bản:
“Trước mắt chúng tôi thực hiện công tác tuyên truyền vận động, ở ngoài nước thì trực tiếp với người đang làm việc, trong nước sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương để tuyên truyền tới thân nhân người lao động, động viên người lao động tuân thủ hợp đồng. Ngoài ra, trong thời gian tới sẽ tăng cường thực hiện các giải pháp đã đưa ra như ký quỹ, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính. Cùng với đó, báo cáo Bộ, báo cáo Chính phủ để có giải pháp đồng bộ nâng cao hiệu quả xử phạt hành chính”- bà Lan nhấn mạnh.