Ngày 4/4, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng đã làm việc với Chính phủ.
Chủ động, kịp thời chống dịch
Dự thảo báo cáo kết quả thực hiện giám sát chuyên đề của Quốc hội “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” cho thấy: Dịch Covid-19 là đại dịch có quy mô toàn cầu, chưa từng có, với diễn biến phức tạp, không dự báo, đánh giá được các tác động. Tại Việt Nam, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, khó lường, trước yêu cầu cấp bách bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời công tác phòng, chống dịch với sự chủ động, linh hoạt trong mọi quyết sách, chuyển hướng chiến lược phù hợp với từng thời kỳ của dịch bệnh, “nguy cơ đến đâu, đáp ứng đến đó”. Đây là các bước chuyển hướng đúng đắn, kịp thời góp phần quan trọng vào công tác kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Qua giám sát nhận thấy, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và UBTƯ MTTQ Việt Nam, cả nước đã huy động được sức mạnh, nguồn lực của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đã có hàng triệu tình nguyện viên tham gia tuyến đầu, chung sức, đồng lòng cùng chính quyền các cấp chiến đấu và đẩy lùi dịch bệnh. Nguồn lực huy động từ đóng góp của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế bằng tiền, hiện vật với nhiều hình thức khác nhau là hết sức to lớn, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền. Việc thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 Việt Nam và thành công trong ngoại giao vaccine thể hiện sự quyết liệt, sáng tạo, quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Trình bày dự thảo báo cáo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh - Tổ trưởng Tổ giúp việc của Đoàn giám sát cũng khẳng định: Quốc hội ghi nhận và vinh danh những cá nhân, tập thể đã đóng góp sức người và của cải, vật chất cũng như trí lực cho công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19. Những đóng góp này là vô cùng to lớn và không thể thống kê, báo cáo hết được bằng các báo cáo hành chính; thể hiện truyền thống và đạo lý nhân văn, tốt đẹp ngàn đời nay của dân tộc và con người Việt Nam. Đây chính là thông điệp lớn lao và đầy ý nghĩa về tình yêu thương, lòng nhân ái, tương thân tương ái và là nguồn cổ vũ, động viên to lớn giúp mỗi người dân vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng nhau đoàn kết vượt qua những thời khắc khó khăn nhất của đại dịch Covid-19.
Từ năm 2020 đến nay, đã có 134 văn bản của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo thẩm quyền về các cơ chế, chính sách phục vụ công tác phòng, chống dịch, tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đã huy động nguồn lực phòng, chống dịch trong 3 năm 2020-2022 là 230.055,5 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước 186.434,5 tỷ đồng, từ các nguồn khác 43.621 tỷ đồng.
Dự phòng khi tình huống cấp bách, khẩn cấp xảy ra
Tuy nhiên dự thảo báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, việc ban hành, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc. Việc ban hành một số chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch trong một số trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu đồng bộ, chưa kịp thời, chưa bảo đảm tính bao quát dẫn đến lúng túng trong tổ chức thực hiện. Phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc và thậm chí cả sai phạm trong quản lý, sử dụng nguồn lực từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực huy động khác dành cho phòng, chống Covid-19.
Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng thì bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn còn những hạn chế nhất định. Tổ chức hệ thống y tế cơ sở chưa thực sự ổn định. Nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng tuy đã được củng cố song vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, năng lực chuyên môn. Điều kiện về thuốc, thiết bị, cơ sở vật chất còn chưa bảo đảm. Khả năng cung ứng dịch vụ y tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở, sử dụng dịch vụ dự phòng còn chưa cao, tình trạng vượt tuyến vẫn chưa được khắc phục triệt để. Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế nói chung chưa đồng bộ, hiệu quả.
Qua giám sát, đoàn cũng nhận thấy: Cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, chưa kịp thời dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai trong mua sắm, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Việc phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch trong nhiều trường hợp chưa đúng đối tượng, chưa kịp thời, để tình trạng trục lợi, gây thất thoát nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng Đoàn giám sát cho rằng, qua giám sát đã phát hiện những điểm sáng cần biểu dương, tôn vinh; đồng thời nêu những vấn đề tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ, xây dựng chính sách lâu dài dự phòng khi tình huống cấp bách, khẩn cấp xảy ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, diễn biến phức tạp, không dự báo, đánh giá được nên vừa phòng, chống dịch vừa rút kinh nghiệm, vừa tuyên truyền vừa thực hiện chính sách nên không tránh khỏi thiếu sót. Vì vậy, hoạt động giám sát cần đánh giá khách quan, vi phạm do tư lợi cần được xử lý nghiêm nhưng vi phạm trong điều kiện chống dịch vì sức khỏe nhân dân mà thiếu sót về trình tự, thủ tục cần được cơ quan có thẩm quyền cần tháo gỡ cho địa phương.