Theo báo cáo của Bộ Công Thương, vẫn còn khoảng hơn 5.000 tỷ đồng chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017.
Quang cảnh buổi họp báo.
Chiều nay 30/11, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Théo đó, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, vẫn còn khoảng hơn 5.000 tỷ đồng chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017.
Theo đó, vẫn còn các khoản chi phí chưa được tính vào giá thành như số dư chênh lệch tỷ giá chưa được hạch toán vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia là 1.940,29 tỷ đồng; khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2017 khoảng 3.071,14 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn các khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện các năm trước cũng chưa được tính vào giá điện.
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, năm 2017, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 174,65 tỷ kWh; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN là 7,24% (thấp hơn 0,36% so với kế hoạch và thấp hơn 0,33% vo với tỷ lệ tổn thất điện năng thực tế của EVN năm 2016). Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 là 219.278 tỷ 460 triệu đồng.
Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 là 1.667,77 đồng/kWh, tăng 0,15% so với năm 2016. Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2017 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2017 EVN có lãi 2.792,08 tỷ đồng.
Đại diện EVN cho biết, năm 2017, có nhiều yếu tố làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh điện, bao gồm: giá han tăng bình quân 5,7% so với năm 2016 và do giá dầu DO, FO bình quân tăng lần lượt 21,95% và 32,84% so với năm 2016. Giá dầu HSFO thế giới cũng tăng 39,2% so với năm 2016 dẫn đến giá khí thị trường tăng cao.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, người đã nhiều năm liên tham gia đoàn công tác kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN nhận xét, cứ mỗi một năm, ngành điện có nhiều tiến bộ hơn. Việc áp dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý của ngành điện tốt hơn, góp phần vào việc giảm các nhân viên, cũng đồng nghĩa góp phần giảm các chi phí, qua đó giúp giá thành giảm.
Một điểm nữa là chỉ tiêu tiết kiệm điện của ngành điện hàng năm đều có giảm đi. Đây là nỗ lực phấn đấu để góp phần làm cho giá thành giảm đi.