Hồn Việt trong thôn Cổ Tích

Tùng Duy 29/04/2023 08:00

Nguyên vẹn những dấu son xưa, ngôi đình cổ gỗ lim hơn 300 năm tuổi ở thôn Cổ Tích bên chân núi Nghĩa Lĩnh (Đền Hùng, Phú Thọ) là một di sản Việt rất đặc biệt.

Đình thôn Cổ Tích.

Đình cổ nguyên trạng

Chút trầm mặc mà thoáng đãng ngự trên gò cao của làng cổ chân núi Nghĩa Lĩnh, đình thôn Cổ Tích hướng ra sân hành lễ Khu di tích lịch sử Đền Hùng như một điểm nhấn văn hóa đặc biệt của làng Việt xưa. Hai cây ngọc lan già, hoa ngát gió, một giếng cổ nẹp đá ong, hồ nước “tụ thủy” đẹp như tranh vẽ trước cửa đình.

Cụ từ thủ hương ngôi đình tên Triệu Khắc Vân (70 tuổi) nói với tôi rằng không ai biết chính xác đình dựng năm nào, cũng không có bia tự ghi chép điều này. Chỉ ước khoảng niên triều Cảnh Hưng thuở Hậu Lê, sau khi giặc Minh tàn phá Đền Hùng thì dân Hy Cương bỏ công sức xây lại các đền trên núi Nghĩa Lĩnh, rồi quay lại dựng đình Cổ Tích. Tức đã hơn 300 năm. Kiến trúc và điêu khắc cho thấy đình có thể được dựng khoảng giữa thế kỷ 17. Đình còn lưu giữ được cuốn ngọc phả viết năm Hồng Đức thứ nhất (1470) do Hàn lâm viện trực sỹ học Nguyễn Cố phụng soạn, ghi tóm tắt lịch sử hành trạng của các Vua Hùng và tướng lĩnh thời Hùng Vương. Còn gốc tích đình được truyền rằng có từ thời Hùng Vương, và đã được tôn tạo, sửa sang qua hàng chục thế kỷ.

Năm 1994 đình Cổ Tích được Bộ Văn hóa cấp Bằng văn hóa “Di tích lịch sử cấp Quốc gia”, được đánh giá là công trình kiến trúc cổ ở Việt Nam vẫn bảo tồn được những đặc điểm nghệ thuật độc đáo, trang trí tinh xảo, trạm trổ “tứ linh” và “tứ quý”, vừa có tính dân tộc, làng xã, nhưng lại tinh hoa đặc sắc nghệ thuật. Và giá trị hơn cả chính là nơi thờ cúng các Vua Hùng, thờ Thủy Tổ của người Việt.

Đình vững chãi với hơn bốn chục cột gỗ lim rắn chắc như thép. Xà ngang, xà dọc chạm trổ điêu khắc phức tạp bằng tuyệt kỹ mộc nghệ xa xưa, lại có bức “Cửu long tranh châu” (chín con rồng tranh giành một viên ngọc quý) cũng bằng gỗ lim được sơn son thiếp vàng, tất cả còn nguyên vẹn. Dấu ấn thời gian dường như chỉ tạc thêm sắc xám mặt gỗ trên những cột to, vì kèo, câu đầu, mộng ghép... Thêm một kiệu cổ đặt bên phải gian đình cũng ngần ấy năm tuổi, mà theo cụ Vân, là rất đặc biệt. Chiếc kiệu duy nhất được rước lên điện Kính Thiên trên Đền Thượng vào ngày chính giỗ mùng Mười tháng Ba.

Kiệu cổ thôn Cổ Tích trong đoàn hành lễ được rước lên Đền Hùng ngày chính Giỗ.

Coi sóc Giỗ Tổ, giữ lễ tri ân

Sau nén hương xin bề trên, cụ Vân khẽ khàng mở hé nắp một ống hộp gỗ lim sơn đỏ dựng trên bàn thờ, trông rất huyền bí linh thiêng. Động tác thành kính, thận trọng, cụ nói trong hộp đựng bảo vật quý báu của thôn Cổ Tích. Đó là sắc phong bằng lụa gấm vua Lê ban tặng, nội dung chính ghi rằng “giao Hy Cương đời đời con cháu kế tục nhau làm trưởng tạo lệ, kề trên tới dưới làng trung nghĩa kế tiếp nhau phụng sự việc hương hỏa tế lễ, coi sóc đền Tổ”, tức thay mặt con Lạc cháu Hồng cả nước trông nom, hương khói Tổ Tiên mãi về sau.

Đình Cổ Tích không chỉ thờ Thành hoàng làng, cao hơn và đặc biệt nhất chính là thờ Vua Hùng và các thần Cao Sơn. Trong đình có bốn bài vị của các thần núi và Nhị nương công chúa (Tiên Dung, Ngọc Hoa). Trọng trách quá lớn của tam họ (Triệu, Đào, Hoàng) từ thuở lập làng với những nghi lễ tôn kính, thiêng liêng trước mồ miếu Tổ Tiên và đình Cổ Tích, hẳn cũng là niềm kiêu hãnh và rất tự hào của người dân xã Hy Cương từ bao đời nay. Cụ Triệu Khắc Vân, người được tuyển chọn để coi sóc đình, cũng chính là cụ từ chăm lo hương khói trên điện Kính Thiên của Đền Hùng một năm sau đó. Lệ này cũng từ thuở vua ban sắc quý và lệnh chỉ cho đình Cổ Tích.

Cụ thủ từ và người thôn Cổ Tích rất tự hào kể về ngôi đình cổ.

Người ta vẫn bảo, đình làng Cổ Tích đặc biệt, không giống bất kỳ ngôi đình nào trong làng xã Việt Nam. Vào dịp rước kiệu đầu tháng Ba, kiệu của các xã vùng ven chân núi Nghĩa Lĩnh đều phải rước về cửa đình Cổ Tích để trình cáo, sau đó mới rước ra chân cổng Đền Hùng. Dân các xã hoan hỉ mà vô cùng thành kính, diễn xướng đâm đuống, hát xoan quanh kiệu, gõ chiêng trống theo nhịp và chờ đợi cho riêng kiệu Cổ Tích được rước lên tận Đền Thượng làm lễ.

Cụ Vân nói rằng, bài trí điện thờ Kính Thiên trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũng giống hệt như ở đình Cổ Tích. Ấy cũng là nét “con trưởng tạo lệ” chăm giữ hồn Việt mà thờ cúng ngôi đền phát tích cội nguồn dân tộc. Bài thờ cúng đọc ở điện Kính Thiên dịp Giỗ Tổ cũng giống như đọc ở đình Cổ Tích, đều toát lên ý tri ân Tổ Tiên đã gây dựng cơ nghiệp, nguyện thề coi sóc đền thờ chu đáo, biết đoàn kết tạo sức mạnh gìn giữ trường tồn nước non Việt...

Ngôi đình cổ hơn 300 tuổi.

Cổ Tích bây giờ...

Ông Triệu Văn Tiến - Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Hy Cương cũng là người thôn Cổ Tích, dẫn chúng tôi ra cái giếng cổ bên đình. “Người làng tôi giờ vẫn dùng nước giếng này sinh hoạt, nước vừa trong vừa mát, lại không bao giờ cạn”- ông nói rồi lật cái nắp che miệng giếng, chỉ tay vào những lớp đá ong viền chặt quanh thành. Dễ có đến hơn chục đường ống nhựa dân làng lắp xuống hút nước lên dẫn vào thôn.

Đất trời tự nhiên quanh núi Hùng trong quang mát mẻ. Mạch nước giếng cổ hàng trăm năm khơi chảy nuôi dưỡng thôn Cổ Tích, có lẽ trở thành hiếm hoi bây giờ ở khắp các làng Việt. Quần thể Khu di tích có được như ngày nay khá hoàn chỉnh nhờ công sức của cả nước và của biết bao thế hệ người Đất Tổ. Dân làng Cổ Tích bảo nhau quét ngõ, dọn rác sạch sẽ, cũng là lẽ giữ lấy vẻ đẹp và cái nết “con trưởng” cho du khách đến thăm đình.

Cả xã Hy Cương rộng hơn 700ha thì có tới 500ha thuộc Khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng, nhưng đất nông nghiệp không eo hẹp. Vùng đất đầu tiên mà Vua Hùng thuở xưa dạy dân cấy lúa, giờ vẫn còn hàng trăm hộ gắn với nghề Tổ Tiên truyền dạy, cấy đến cả 100ha. Rồi trồng chè, trồng bưởi, trồng khoai lệ phố, chăm rừng, chăn nuôi... Bây giờ thôn Cổ Tích khang trang, nhà tầng như phố.

Gần 300 hộ kinh doanh cá thể toàn xã thì phần lớn là người thôn Cổ Tích. Nhà hàng, quán bán đồ lưu niệm... khắp các ngõ, thôn Cổ Tích có đình cổ thờ cúng cội nguồn lại gắn kết cộng đồng, nay đang “bẻ nhánh” cho du khách trải nghiệm tham quan làng Việt sau buổi lên núi hành hương. Thu nhập bình quân đã gần đạt 45 triệu đồng/người/năm.

Những tháng đầu Xuân, nhất là dịp Giỗ Tổ, lượng du khách hành hương về Hy Cương lên đến cả 8 triệu người. Phó Chủ tịch xã Đào Hoàng Quang Tấn phấn khởi chia sẻ rằng sau khi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, xã đã quyết tâm hướng đến một mô hình du lịch làng Việt, lấy thôn Cổ Tích làm kiểu mẫu.

Diện mạo thôn Cổ Tích đổi thay hiện đại, sáng sủa. Người dân xã Hy Cương giữ lễ đèn hương cúng bái Tổ Tiên rất thành kính. Ông Tấn kể rằng người dân họp bàn kỹ lưỡng, phân công trách nhiệm từng người. Du khách đến Đền Hùng ngày chính Giỗ hẳn sẽ thấy đoàn rước kiệu Cổ Tích đi ngay sau đoàn kiêu binh, rất đẹp...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồn Việt trong thôn Cổ Tích