Không hiểu rõ về pháp luật, phần lớn người lao động không biết đến quyền và trách nhiệm của mình. Có không ít người bị mất quyền lợi nhưng cũng chỉ biết ngậm ngùi nhẫn nhịn. Đáng buồn có không ít trường hợp mất tiền tỉ, trở thành lao động bất hợp pháp khi đi làm việc ở nước ngoài cũng chỉ vì “hổng” kiến thức pháp luật.
Ảnh minh họa.
Phó mặc số phận cho doanh nghiệp
Đi làm nơi đất khách quê người, lạ nước, lạ ngôn ngữ, thế nhưng phần lớn người lao động phó mặc số phận mình cho doanh nghiệp đưa mình đi làm việc ở nước ngoài. Doanh nghiệp bảo làm gì thì làm nấy, thậm chí bảo kí gì cũng kí mà không đọc hay tìm hiểu những quy định pháp luật. Cũng vì sự vô tư này, có không ít lao động trở thành lao động bất hợp pháp bị trục xuất về nước khi mà số nợ ngân hàng vẫn còn chưa trả hết.
Nói về những trường hợp người lao động chịu thiệt khi không nắm vững về pháp luật, đại diện Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, đã có rất nhiều trường hợp khóc dở, mếu dở vì thiếu hiểu biết. Đơn cử như trường hợp anh N.V. An sau khi nhập cảnh Hàn Quốc, được Cơ quan Xuất nhập cảnh cấp thẻ cư trú thời hạn 3 năm từ ngày 08/4/2014 đến ngày 08/4/2017.
Khi làm thủ tục về nước nhân dịp Tết Bính Thân 2016, anh An bị cơ quan xuất nhập cảnh sân bay thông báo là lao động bất hợp pháp. Anh An phải khai báo tự nguyện về nước tại Phòng Xuất nhập cảnh trước khi làm thủ tục checkin.
Tương tự chị N.T. B. nhập cảnh Hàn Quốc vào tháng 7/2013 làm việc tại thành phố Incheon. Chị B. được chủ sử dụng ký hợp đồng 3 năm và được Cơ quan xuất nhập cảnh cấp thẻ cư trú thời hạn 3 năm. Sau đó, công ty nơi chị B làm việc chuyển đến địa điểm mới và thay đổi tên công ty (thay đổi pháp nhân mới).
Khi sắp hết thời hạn 3 năm, Giám đốc công ty và chị B đi gia hạn hợp đồng lao động thêm 1 năm 10 tháng thì được thông báo rằng chị B thuộc diện lao động bất hợp pháp nên không thể gia hạn được.
Theo Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cả hai trường hợp trên đều do người lao động thiếu hiểu biết về pháp luật, bỏ qua việc doanh nghiệp thay đổi tư cách pháp nhân, không đăng ký lại với Trung tâm Việc làm. Hậu quả khiến người lao động trở thành cư trú bất hợp pháp.
Phổ biến pháp luật cho người lao động
Thực tế cho thấy, không chỉ người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà ngay cả lao động trong nước cũng bị “hổng” kiến thức pháp luật trầm trọng.
Không hiểu biết pháp luật nên dẫn đến các tình trạng như: công nhân bị ép ký hợp đồng lao động không đúng quy định; không hiểu rõ về thỏa ước lao động tập thể, bảng lương, quy chế nâng lương, thưởng; họ cũng ít hiểu về việc tăng ca quá giờ quy định cũng như quyền lợi về BHXH, BHYT; không nắm hết chế độ dành cho nữ công nhân... Đáng lo ngại với tâm lý còn e dè, lo sợ nếu có ý kiến sẽ bị trù dập, nhiều công nhân vẫn còn ngại đấu tranh cho quyền lợi bản thân.
Hiểu rõ hơn về luật, người lao động sẽ chủ động để bảo vệ lợi ích của bản thân mình và đồng nghiệp, từ đó cũng tránh được các vụ việc đình công, lãn công như thời gian qua. Có nhiều năm tư vấn pháp luật cho người lao động, luật gia Nguyễn Mạnh Thắng, Hội Luật gia Hà Nội cho biết, nhiều trường hợp NLĐ thiếu hiểu biết pháp luật dẫn đến thiệt thòi quyền lợi hay cố chấp gây ra những cuộc tranh chấp kéo dài và bao giờ phần thua thiệt cũng ở phía người lao động. Nhiều trường hợp chỉ cần NLĐ có hiểu biết pháp luật chút ít thì đã không để mất quyền lợi một cách đáng tiếc.
Đơn cử như trường hợp của anh Nguyễn Văn Nhất, nhân viên bảo vệ của công TNHH Hoàng Minh, Hà Nội. Anh Nhất được nhận vào thử việc từ ngày 9/11/2014 đến 8/1/2015. Hết thời gian thử việc, anh vẫn đi làm bình thường nhưng công ty không ký HĐLĐ. Đột nhiên, ngày 25/1/2015, Công ty thông báo “chấm dứt thử việc” và không ký HĐLĐ với anh.
Vì không hiểu biết pháp luật nên anh Nhất ngậm ngùi nghỉ việc mà không biết công ty làm như thế là trái luật. Nếu am hiểu pháp luật anh Nhất có thể kiện công ty bồi thường và sẽ không bị mất việc oan.
Từ thực tế trên cho thấy, việc đưa kiến thức pháp luật vào phổ biến cho người lao động cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong đó để việc phổ biến giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cần đa dạng và linh hoạt về hình thức như sân khấu hóa việc tuyên truyền bằng các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, lồng ghép với vui chơi, sao cho phù hợp với điều kiện sống và làm việc của từng NLĐ, giúp họ dễ nắm bắt, dễ hiểu, dễ nhớ và áp dụng trong thực tiễn.