Cuối tuần qua, 195 quốc gia thành viên của Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu đã nhất trí thông qua Thỏa thuận Paris. Một thỏa thuận mà giới quan sát cho rằng là thỏa thuận lịch sử vì lẽ, thế giới đã mất 20 năm thương lượng để đi đến được ngày hôm nay. Và cũng vì lẽ, thỏa thuận này thể hiện sự nhất trí cùng nhau cứu lấy thế giới chúng ta đang sống- cái thế giới đã bị chính con người tàn phá.
Cùng chung sức gìn giữ ngôi nhà chung và gìn giữ môi trường sống.
Ngay tại Paris, trong phát biểu cuối cùng, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói: “Không có ý kiến phản đối nào. Tôi xin tuyên bố Thỏa thuận Paris về khí hậu đã được thông qua”. Tuyên bố ấy đã giải tỏa gần như cùng lúc bao nhiêu vất vả, dồn nén trong suốt gần 2 tuần của các thành viên các đoàn đàm phán tại Paris.
Một phóng viên có dịp theo dõi trực tiếp các phiên đàm phán tại Paris đã cho biết, để có được quyết định mang tính then chốt này, trong những ngày cuối cùng gần như các bên tham gia đàm phán đã phải thức trắng. Nói thế để thấy, không có thắng lợi nào là dễ dàng cả. Thậm chí, ngay trước thềm của Thỏa thuận Paris đạt được giữa các bên, cũng từng có ý kiến hoài nghi rằng, kéo dài thêm một ngày liệu có đạt được Thỏa thuận hay Thỏa thuận đạt được liệu có bị cắt xén quá nhiều những điểm cốt lõi không? Và rồi, hình hài của Thỏa thuận Paris khi được công bố tới báo giới chính là một bản Thỏa thuận 31 trang, 29 điều khoản và sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto từ năm 2020.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là thắng lợi bước đầu của những nhà đàm phán đang đấu tranh với hiện tượng biến đổi khí hậu vẫn ngày một trầm trọng hơn. Thắng lợi ấy, theo như ông Fabius là đúng đắn, bền vững, năng động, công bằng và có tính ràng buộc pháp lý.
Về điều này, ngay trong phát biểu tại Phiên họp toàn thể hôm khai mạc COP 21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhấn mạnh: “Nội dung Thỏa thuận cần bảo đảm sự đóng góp công bằng giữa các quốc gia và có sự cân bằng trong các nội dung về giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ...Các nước phát triển cần đi đầu trong thực hiện cam kết của mình, đồng thời hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để cùng nhau thực hiện thành công Thỏa thuận này”.
Cũng tại Hội nghị, Tổng thống Mỹ Barack Obama dù cho rằng, không có thỏa thuận nào là hoàn hảo cả nhưng cũng thừa nhận, đây là cơ hội tốt nhất mà chúng ta có thể cứu Trái Đất khỏi nguy cơ biến đổi khí hậu. Có thể với nhiều người,biến đổi khí hậu đơn giản chỉ là chuyện nóng lên của Trái Đất; hay là chuyện mưa nắng thất thường, lụt lội và sóng thần- như thế đã là khủng khiếp lắm rồi. Băng tan khiến 2,3 tỷ người chủ yếu ở châu Á lâm vào cảnh chạy lũ nhiều năm qua là một ví dụ cụ thể. Nhưng, tác hại của biến đổi khí hậu còn khôn lường hơn thế. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) còn đưa ra thống kê cho thấy, biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra cái chết cho 141.000 người mỗi năm và con số này có thể còn tăng lên tới 250.000 người vào trước năm 2050.
Không chỉ vậy, 100 triệu người có nguy cơ lâm vào cảnh thiếu đói trước năm 2030. Người ta còn dự báo trong vài thập kỷ tới có đến gần 300 triệu người phải di cư, tìm nơi ở mới do sự khắc nghiệt của thời tiết. Một phóng viên Việt đến tận Paris để đưa tin về COP 21 đã chụp ảnh những tảng băng hình thành từ hàng triệu năm trước được đem về từ Bắc Cực, để nếu ai muốn thì có thể “sờ” thử mà cảm nhận biến đổi khí hậu đang gõ cửa ngôi nhà chung của chúng ta.
Viêc hỗ trợ cho các nước nghèo hoặc các nước đang phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu đã được các nước phát triển cam kết thế nào? Mục tiêu quan trọng nhất là giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ XXI ở dưới 20C và các nước phát triển sẽ giúp các nước đang phát triển 100 tỷ USD/ năm để chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Để những cam kết này thành hiện thực, đương nhiên, còn cần khoảng 55 quốc gia chiếm ít nhất 55% lượng phát thải các-bon ký vào bản cam kết. Nhưng, chí ít thì cũng đã có cái để cam kết, còn hơn không!
Theo đánh giá của đoàn Việt Nam- một trong những quốc gia bị tổn thương nhiều nhất do biến đổi khí hậu thì Thoả thuận này đã đề cập đến các vấn đề mà Việt Nam đang quan tâm trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Hy vọng, Thỏa thuận sẽ giúp các giới ở Việt Nam thay đổi căn bản nhận thức, hành vi, đạo đức và lối sống phù hợp với yêu cầu về kỷ nguyên xã hội các-bon thấp trong khi nguồn lực và khoa học công nghệ, thể chế chính sách còn rất nhiều hạn chế và giúp chúng ta chủ động hội nhập và tận dụng tốt các cơ hội hợp tác với các đối tác thực hiện Thoả thuận lịch sử này và tạo ra một xã hội các-bon thấp tốt nhất trong điều kiện của Việt Nam. Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Trưởng Ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu.
Cũng vì lý do này, đoàn Việt Nam được đánh giá là tích cực trong đàm phán tại COP 21. Nó cho thấy, chúng ta đã cam kết với thế giới để cùng chung sức gìn giữ ngôi nhà chung và gìn giữ môi trường sống cho các thế hệ người dân Việt Nam hôm nay và ngày mai. Nhưng, chỉ một Việt Nam thôi sẽ không đủ để cho một hành động - một vấn đề mang tính toàn cầu hay mang tính khu vực. Chỉ nói riêng ở trong Đông Nam Á, câu chuyện bảo vệ nguồn nước, bảo vệ nguồn lợi cho hàng chục hàng trăm triệu cư dân - trong đó có người dân Việt Nam - cũng là một chuyện không dễ gì. Cần những sự góp sức có trách nhiệm.