“1 tô đầy đủ nhé”. Người ta chỉ cần nói với nhau gắn gọn vậy thôi, hoặc ra ký hiệu bằng ngón tay, là ít phút sau tô hủ tiếu thơm nức mũi được bưng vào tận nơi, kèm theo miếng chanh, lát ớt và ít cọng thơm.
Hằng thân,
Cả nhà xót lắm khi nghe em kể, những ngày dịch Covid-19 không thể ra ngoài kiếm việc làm thêm sinh viên bọn em chủ yếu ăn mỳ tôm để tiết kiệm tiền. Hôm trước, dì Út sang chơi có bảo, giờ này mà cái Hằng được tô hủ tiếu Mỹ Tho mà xì xụp chắc nó sướng phải biết.
Cũng chẳng biết từ bao giờ Hằng ạ, nhắc tới hủ tiếu là người ta nhớ ngay đến Mỹ Tho quê mình. Ngày chị lên Sài Gòn học, ra cổng là có hàng hủ tiếu. Các dì, các chị từ quê lên Sài Gòn mưu sinh bằng gánh hủ tiếu. Người có vốn nhiều thì thuê hẳn mặt bằng mở cửa hàng. Người ít thì đặt gánh hàng trong ngõ hoặc làm hủ tiếu gõ. Chiều đến, trong những con hẻm Sài Gòn vẫn nghe tiếng gõ cốc cốc quen thuộc. Khách hàng đều là dân lao động nghèo, trong đó có cả những sinh viên trọ học như bọn chị.
“1 tô đầy đủ nhé”. Người ta chỉ cần nói với nhau gắn gọn vậy thôi, hoặc ra ký hiệu bằng ngón tay, là ít phút sau tô hủ tiếu thơm nức mũi được bưng vào tận nơi, kèm theo miếng chanh, lát ớt và ít cọng thơm.
Thường thì hương vị hủ tiếu giống nhau. Thế nhưng, những người rành ẩm thực cho rằng, hủ tiếu Mỹ Tho khác hẳn vị của hủ tiếu Sa Đéc hay Nam Vang. Bưng bát hủ tiếu lên, nhìn sợi bánh và ngửi mùi nước dùng là nhận ra ngay. Sợi hủ tiếu Mỹ Tho cọng nhỏ dai, giòn nhưng lại mềm hòa quyện trong vị thanh ngọt của nước hầm xương, một chút mằn mặn của tôm, thịt, thêm vị ngọt nhẹ từ củ cải - đem đến cho người ăn vị ngọt thanh, dìu dịu rất đã.
Lâu nay dì Út nhà mình vẫn là người nấu hủ tiếu ngon hết nấc, cũng là người cầu kỳ trong việc chọn nguyên liệu. Sợi bánh phải là loại cọng nhỏ, khô, dai và giòn, làm từ gạo Gò Cát. Nước lèo phải nấu từ xương ống ninh nhừ. Rồi thịt, tôm, gan heo, trứng cút, lá hẹ…đến cả chục không thiếu vị nào. Chị thích nhất là được ngồi nhìn dì Út sắp hủ tiếu ra bát. Một nhúm bánh, sau đó là miếng thịt viên, vài lát thăn, miếng gan, trứng cút, tôm, thêm một nhúm lá hẹ và cần đã sắt nhỏ. Cuối cùng là chan nước lèo vào tô, rắc thêm ít hành khô và tiêu sọ. Bát hủ tiếu bưng ra, người khó tính nhất cũng phải xuýt xoa.
Chị nhắc thế chắc làm em nhớ lắm nhỉ? Nhưng quả thật có đi đâu, có ăn gì chị cũng không thể quên món hủ tiếu dì Út. Nếu miền Bắc có phở, miền Trung có bún bò Huế thì thật tự hào hủ tiếu Mỹ Tho quê mình bao năm nay vẫn nức tiếng đất Nam Bộ. Nếu có dịp, hãy giới thiệu cùng bạn bè bên đó, để họ hiểu hơn về ẩm thực, về nét vặp hóa đẹp của Tiền Giang quê mình, Hằng nhé!