Anh em song sinh Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải (Le Brothers) là cặp nghệ sĩ đương đại nổi tiếng ở Việt Nam. Tác phẩm của họ phần nhiều gắn liền với Huế, được thực hiện ở Huế và mang bản sắc Huế. Tác phẩm video art “Chạm tới biển” từng được trình chiếu nhiều nơi trên thế giới của Le Brothers đã được Bảo tàng Mỹ thuật Huế mua lại để phục vụ du khách đến với Huế.
Anh em song sinh Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải đã gắn bó với Huế từ hơn 30 năm qua. “Thời gian ấy chúng tôi luôn khám phá nơi mình đang sống, từ lịch sử văn hóa cuộc sống con người kèm theo những bữa ăn ẩm thực Huế... Trong tác phẩm ẩm thực Huế, chúng tôi nấu lại những món được ăn và được trải nghiệm, “nấu” lại kỉ niệm và quá khứ thành tác phẩm. Kí ức lớn nhất thời sinh viên gian khổ là được vào đại nội vẽ tranh bột màu. Giờ thì không tìm được cảm xúc như thời tuổi trẻ thơ ngây như thế, khi toàn bộ thời gian đều dành cho nghệ thuật”, nghệ sĩ Lê Ngọc Thanh chia sẻ.
Học trong môi trường Đại nội Huế, nên cuộc sống của 2 nghệ sĩ trẻ gắn liền với Đại nội Huế. Học được những thứ từ ông cha để lại. “Bật mí” về lý do ở lại Huế, nghệ sĩ Lê Đức Hải trải lòng: Chúng tôi chọn Huế dù có nhiều điều kiện chuyển đến những thành phố sôi động hơn. Nhưng Huế níu chân anh em tôi bởi bề dày lịch sử của thành phố, thời tiết êm đẹp, cuộc sống bình an nhẹ nhàng, môi trường con người ở Huế văn hoá học tập tốt, gia đình nề nếp và là nơi xứng đáng để sống…
Hai nghệ sĩ Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải sinh ra ở Quang Bình, học ở Huế, để trả ơn mảnh đất đã mang lại những cảm xúc nghệ thuật nên phần lớn các dự án nghệ thuật sau này của hai người đều liên quan tới Huế. Cụ thể, Dự án của hai nghệ sĩ có thể sử dụng cơ thể tương tác với những địa danh ở Huế. Qua mỗi dự án, họ khám phá nơi mình đang sống và muốn tìm hiểu, tôn vinh vẻ đẹp mỗi vùng đất Huế.
Bản sắc văn hóa của Huế được Lê Ngọc Thanh nhìn nhận, khi sống và học ở Huế, các thầy cô đưa ra nhiều tư liệu nghiên cứu, như để hiểu về triều Nguyễn ở Huế cũng như những tinh hoa kiến trúc nghệ thuật thời đó, đây cũng là nơi có bề dày văn hóa. Ngoài ra, Huế là thế giới ẩm thực. Đồ ăn ở Huế ít nhỏ nhưng nhiều món và ngon.
Người Huế ăn một ngày từ bốn đến sáu bữa. Bữa sáng, bữa lỡ, trưa ăn nhẹ nhàng, giữa chiều ăn bánh, đến chè, bữa chính tối, sau đó lại có bữa thưởng trà. Bữa ăn ở Huế rất sang trọng mà cũng cầu kì. Càng tìm hiểu thì chúng tôi càng thích thú và mong muốn khám phá nhiều hơn. Làng nghề Huế thì vô cùng phong phú, trong đó có tranh làng Sình.
Bên cạnh đó còn có làng làm nón, làng làm hương, làng làm gốm, làng làm hoa giấy... Người Huế đa năng, có lối sống kì thú và thâm trầm. Từ đó tạo nên một không gian tràn đầy và phong phú cho việc phát triển nghệ thuật. Nghệ thuật cần nền tảng rất sâu từ kiến thức, văn hóa, bản sắc mới sáng tạo được.
Còn Lê Đức Hải lại cho rằng, Huế là nơi nếu bạn đã sống thì sẽ thấy đầy sự trữ tình, từ khung cảnh thiên nhiên đến con người. Huế ngoài văn hóa thì cảnh quan ảnh hưởng nhiều đến cảm xúc con người. Từ chiều muộn sông Hương, phá Tam Giang, những di tích đền đài, khung cảnh làng xóm khi đi dạo sáng sớm. Chúng tôi đang ở làng Lại Thế. Xưa, vua nhà Nguyễn làm kinh thành, phải di dân đổi đất, nên người dân sang làng Lại Thế ở. Trong làng có một số phủ của quan đại thần. Đối diện cổng ngõ nhà chúng tôi là nhà bác sĩ Tôn Thất Tùng. Chỉ cách cầu Trường Tiền 2 km nhưng làng rất bình yên. Làng Lại Thế giờ vẫn trồng hoa bán Tết, có hộ làm thợ mộc, làm nông.
Thời gian gần đây, anh em họ Lê tập trung làm về ẩm thực và cuộc sống ở Huế. Sau covid -19, họ cảm thấy thiên nhiên quá cần thiết với đời sống của con người, nên đã quyết định tập trung vào hai dự án song song: “Thức ăn - cuộc sống của anh em nhà họ Lê” và “Trong khu rừng”.
“Với dự án về ẩm thực, chúng tôi đã nấu khoảng 30 món Huế: cơm hến, bún hến, thời sinh viên đã trải qua, nấu các loại bánh khoái, nậm…, nấu các món ăn dân dã của người Huế”, nghệ sĩ Lê Ngọc Thanh cho hay.
Trong những chuyến đi xa vào những khu rừng núi phía Tây ở Huế, họ đã có nhiều thời gian sống và suy nghĩ với thiên nhiên. “Đặt tay lên một cây cổ thụ ở thượng ngàn, chúng tôi hỏi “Cây ơi, mày bao nhiêu tuổi?”.
Câu hỏi bật ra từ cảm xúc ngay lúc đó, và cả từ tâm khảm của chúng tôi. Như mỗi người đều có bản thể, gốc gác, nhân thân, có lịch sử và có nơi chốn mình đến và đi, vậy tự nhiên đến từ đâu và đi về đâu? Tự nhiên là gì, là môi trường sống và dung dưỡng mọi cá thể hay chính nó là một thực thể sống khác mà mọi cá thể trong đó chỉ là những tế bào nuôi dưỡng nó?”, nghệ sĩ Lê Đức Hải băn khoăn.
“Trong khu rừng” là một dự án và tác phẩm như một hồi đáp của Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải với cây cối, tự nhiên, dùng sự hữu hạn của thân phận con người trong vật lí thời gian để đặt câu hỏi cho sự vô hạn.