Đó là chủ đề của hội thảo về áo dài được tổ chức tại Huế với sự tham dự của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ cùng với đoàn đại biểu Đình Làng Việt.
Từ 7h30, ngày 9/7, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ cùng đoàn đại biểu dự hội thảo “Huế - kinh đô áo dài Việt Nam” (từ ngày 8/7) đã tới lễ lăng chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714 - 1765). Điều trùng hợp, hôm nay cũng chính là ngày giỗ của chúa Nguyễn Phúc Khoát.
Sau đó, vào lúc 8h30, đoàn làm lễ ở Triệu tổ miếu trong kinh thành Huế.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế mặc trang phục áo dài. Đó là mẫu áo dài đã định hình thời Nguyễn. Trang phục áo dài này do nghệ nhân Trần Nguyễn Trung Hiếu ở TP Hồ Chí Minh may. Chất liệu có nguồn từ làng La Khê, Hà Đông, Hà Nội.
Còn ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên-Huế thì mặc bộ áo dài do nghệ nhân Đỗ Minh Tám ở Trạch Xá, Ứng Hòa, Hà Nội may.
Đoàn đại biểu Đình Làng Việt do ông Nguyễn Đức Bình dẫn đầu dự hội thảo “Huế - kinh đô áo dài Việt Nam” từ ngày 8/7 cũng mặc áo dài nam, nữ thời Nguyễn.
Theo ông Nguyễn Đức Bình: Hội thảo ngày 8/7 hôm qua đã làm rõ nguồn gốc của áo dài Việt Nam. Xuất hiện từ thời Nguyễn mà chúa Nguyễn Phúc Khoát là người có công gây dựng. Từ kinh đô Huế, áo dài lan rộng đi các nơi khác. Ở Hà Nội xuất hiện và phát triển nhanh khi nhà may Cát Tường và họa sĩ Lê Phổ sáng tạo, cổ vũ.
Theo ông Đinh Hồng Cường, Thành viên nhóm Đình Làng Việt: Tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ ra quân đồng loạt khích lệ toàn dân Huế mặc áo dài trong 4 ngày Festival vào cuối tháng 8 này.
Ông Nguyễn Đức Bình cho biết thêm: Ở Huế đã có nhiều nhà sưu tập được những áo dài thời Nguyễn. Nhóm Đình Làng Việt cũng đã may những trang phục theo phom dáng này để mặc…