Thay bằng việc phát động thi mẫu thiết kế thì Bộ VHTTDL lấy áo ngũ thân tay chẽn là trang phục truyền thống của bộ Lễ phục Nhà nước.
Những năm gần đây, cộng đồng mạng và giới truyền thông thường xuyên nhắc đến vấn đề áo dài, Quốc phục. Đã có nhiều nhà nghiên cứu áo dài, nhà thiết kế kiến nghị tới nhà quản lý văn hóa về việc công nhận áo dài là quốc phục Việt Nam.
Tuy nhiên, đến nay việc làm này vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Ngoài việc băn khoăn Quốc phục của Việt Nam là gì thì bộ lễ phục cho nam giới cũng được giới chuyên môn đặt ra.
Dưới đây là chia sẻ của Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt.
Di sản bị bỏ quên
Cho đến thời điểm hiện nay, rất nhiều người, kể cả nhà thiết kế, lịch sử văn hóa, nghệ sỹ, nhà quản lý… phần lớn không thiệt cảm với áo dài nam truyền thống. Sự phản ứng này còn xuất hiện trong các nhà thiết kế và cả công chúng. Tại sao lại có những phản ứng dữ dội như vậy với bộ trang phục dân tộc, di sản của cha ông để lại. Trong khi đó áo dài nữ đã tiến xa và được thịnh hành không những với phụ nữ Việt Nam mà cả phụ nữ thế giới.
Bao nhiêu lời lẽ hay đẹp, lãng mạn người ta dành cho áo dài nữ thì bấy nhiêu lời lẽ chê bai, cay độc dành cho áo dài nam như: Nhếch nhác, hèn, phong kiến, cổ hủ, đồng bóng… Để tìm hiểu đúng với bản chất của áo dài nam, chúng tôi phải lội ngược dòng tìm hiểu để làm rõ vấn đề về áo dài nam.
Chúng tôi đã về làng nghề may Trạch Xá, Ứng Hòa, Hà Nội. Đây là làng nghề nổi tiếng lâu đời với nghề may, các cửa hàng áo dài nổi tiếng ở HN và các tỉnh phần lớn là thợ làng Trạch Xá. Chúng tôi tìm đến một nghệ nhân cao tuổi của làng, người được coi là giữ được nghề may áo dài. Khi tận mắt xem chiếc áo chính tay cụ may và cụ cho rằng theo lối cổ thì chúng tôi nhận thấy kiểu dáng đã bị đã biến đổi nhiều. Đến Huế, chúng tôi cũng không tìm được nghệ nhân may áo dài ngũ thân nam.
Trên cả nước hiện nay phổ biến kiểu áo dài nam tiện dụng, rẻ tiền, nhìn na ná giống trên sâu khấu. Áo có đặc điểm chung là vạt dài quá bụng chân, chân vạt thẳng, ống tay rộng, cổ áo thấp, hoa văn trên áo là những hình hình tròn nổi hoặc chìm.
Có loại áo nữa là may bằng vải voan mỏng (gọi là áo the). Khăn đóng sẵn to nhiều vòng, mầu khăn thường đồng mầu với áo, có loại khăn bọc bằng vải gấm có hình tròn phía trước. Loại áo này thường được người cao tuổi mặc trong các dịp lễ hội, thượng thọ…
Một loại áo đang có trào lưu rất phổ biến lấy danh nghĩa áo dài cách tân. Loại áo có tà dài này đa dạng, phong phú khó tả kể hết. Có một đặc điểm chung của loại áo này là không may theo truyền thống, hoàn toàn khác xa với áo dài ngũ thân truyền thống. Chính vì lẽ đó chúng tôi không coi loại áo này là Áo dài hoặc Áo dài cách tân.
Đi tìm Quốc phục
Đến thời điểm hiện nay, khi Việt Nam đang hội nhập mạnh với thế giới, giao lưu văn hóa giữa các quốc gia ngày càng gia tăng, nhu cầu khẳng định nét riêng biệt, độc đáo của một quốc gia có nền văn hiến lâu đời là rất hiện hữu.
Đã hơn 30 qua, chúng ta loay hoay với việc tìm bộ Lễ phục để thống nhất mặc trong các nghi lễ trang trong của quốc gia. Không dừng lại chỉ là bộ lễ phục của quốc gia, nếu trang phục đẹp, bộc lộ bản sắc văn hóa, phù hợp với bối cảnh xã hội và khí hậu thì bộ lễ phục nhà nước sẽ trở thành bộ trang phục định hướng mọi người sử dụng.
Cho nên, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc xem xét sử dụng áo dài ngũ thân cho cả nam và nữ làm Lễ phục Nhà nước. Bởi Áo dài nam ngũ thân có nguồn gốc lịch, đặc biệt, trang phục này đã được triều đình nhà Nguyễn ra thống nhất mặc trên toàn cõi Việt Nam, đó là chứng minh áo dài ngũ thân đã được triểu đình nhà Nguyễn công nhận là Quốc phục của Việt Nam.
Qua những vấn đề lịch sử, đặc điểm của áo dài ngũ thân dành cho đàn ông Việt, tôi xin để xuất một số vấn đề liên quan tới việc xây dựng mẫu Lễ phục Nhà nước. Thay bằng việc phát động thi mẫu thiết kế thì Bộ VHTTDL lấy áo ngũ thân tay chẽn là trang phục truyền thống của bộ Lễ phục Nhà nước. Mẫu loại áo ngũ thân tay chẽn lấy từ mẫu áo thường phục mà vua, quan triều đình Nhà Nguyễn mặc (theo tư liệu ảnh và thư tịch).
Về chất liệu, cách mặc trang phục cần nghiên cứu, đưa ra quy định cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Quy định sử dụng cho từng loại trang phục theo hoàn cảnh, bối cảnh. Quy định mầu sắc, chất liệu theo phẩm hàm, cấp bậc, địa vị, chức danh và hoàn cảnh của người mặc.
Trong quá trình xây dựng quy định sử dụng áo dài ngũ thân làm Lễ phục Nhà nước, áo dài ngũ thân cần khẳng định giá trị văn hóa, biểu tượng văn hóa của trang phục này. Ở đó cần công nhận Áo dài ngũ thân là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.
Do đó việc công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể cần xét đến trang phục áo dài ngũ thân đã được triều đình nhà Nguyễn quy định mặc.
Xây dựng đề án áo dài là thương hiệu Quốc gia của Việt Nam, lấy áo ngũ thân là chuẩn mực, bên cạnh là các loại áo dài cách tân luôn phát triển và sáng tạo. Vận động công chức, viên chức, tổ chức, doanh nghiệp may và mặc áo dài ngũ thân.
Vận động học sinh, sinh viên nam mặc áo dài ngũ thân. Tăng cường vận động, tuyên truyền về giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hóa của áo dài ngũ thân. Có chế độ, chính sách với nghệ nhân may áo dài ngũ thân truyền thống. Đặc biệt, có chế độ đãi ngộ cho những nghệ nhân truyền dạy cách may áo dài ngũ thân.
Trong thời gian quảng bá, vận động mặc áo dài nam, chúng tôi nhận thấy rằng, đàn ông Việt Nam hiện nay thích mặc áo dài ngũ thân truyền thống tăng theo độ tuổi: thế hệ 8x, 9x, 00 là thế hệ đam mê may trở về truyền thống, đam mê mặc áo dài ngũ thân nam.
Có thể thế hệ này bị đứt đoạn với những sự kiện lịch sử cận hiện đại, họ không biết đến những nhân vật lý trưởng, cường hào, ác bá.., họ lại tiếp cận nhiều với thế giới, do vậy họ vô cùng khao khát sự khẳng định bản sắc với thế giới xung quanh, chính vì lẽ đó khi mặc áo dài ngũ thân họ rất thích và đam mê.
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm từng nói: Đi đến tận cùng truyền thống sẽ gặp hiện đại, đi đến tận cùng dân tộc sẽ gặp nhân loại. Với áo dài của Việt Nam chúng tôi nhận thấy rằng câu nói đó vô cùng phù hợp.