Tinh hoa Việt

Hướng đi nào cho công nghiệp biểu diễn?

PHẠM HÀ 06/04/2024 05:32

Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp biểu diễn của Việt Nam cần được nhìn nhận và quản lý chuyên nghiệp như một ngành kinh tế.

anh4.jpg
Tái hiện hình ảnh thôn nữ gánh nước trong show thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”.

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp biểu diễn. Tuy nhiên, chúng ta chưa khai thác được bao nhiêu.

Thấy gì từ những show diễn thế giới?

Những ngày đầu tháng 3/2024, Đông Nam Á hướng về Singapore với sức nóng từ 6 đêm diễn của Taylor Swift trong khuôn khổ The Eras Tour. Chuyến lưu diễn này được đoán sẽ giúp Singapore thu về khoảng 500 triệu USD từ khách du lịch, gấp nhiều lần con số 3 triệu USD mà nước này chi trả để mời Taylor Swift về diễn độc quyền tại Đông Nam Á.

Theo dữ liệu của Công ty thanh toán điện tử Visa, người Việt Nam xếp thứ 2 khu vực châu Á - Thái Bình Dương (41%) về tần suất tham dự hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở cả trong và ngoài nước, trong đó dẫn đầu là Ấn Độ (45%) và thứ 3 là Indonesia (40%). Đáng chú ý, có tới 40% người Việt du lịch nước ngoài cho mục đích tham dự các buổi biểu diễn, với Thái Lan và Hàn Quốc là 2 điểm đến hàng đầu.

Việc chi mạnh tay để mời được Taylor Swift biểu diễn thể hiện tầm nhìn của Singapore. Khi nữ nghệ sĩ đang được coi là người sở hữu “quyền lực mềm” nhờ sức ảnh hưởng sâu rộng, vượt xa khuôn khổ lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Theo Washington Post, Taylor Swift giúp những nơi cô đến hút khách du lịch, riêng ở Mỹ đã góp phần tạo ra khoảng 5,7 tỉ USD cho nền kinh tế. Mỗi thành phố cô biểu diễn, kinh tế và du lịch lập tức tăng trưởng; khách sạn, nhà hàng và các địa điểm du lịch hút khách. Điều đó cho thấy nguồn lợi béo bở mà ngành công nghiệp nghệ thuật biểu diễn mang lại cho kinh tế và du lịch địa phương.

Những sự kiện âm nhạc hoành tráng, quy mô được tổ chức thường niên tại một thành phố cố định, trong khoảng thời gian cố định sẽ khiến người hâm mộ trong và ngoài nước hình thành thói quen du lịch âm nhạc và là điểm đến không thể bỏ qua của các ngôi sao quốc tế.

Nhưng từ đây cũng đặt ra câu hỏi là nền công nghiệp văn hóa tại Việt Nam có cơ hội để tổ chức độc quyền những đêm diễn hoành tráng như của nữ ca sĩ Taylor Swift, hay những ngôi sao giải trí hạng A khác của thế giới hay không? Trong khi hai "hàng xóm" là Singapore và Thái Lan đang quyết tâm thực hiện?

Để giải bài toán này, cần đến những chiến lược kinh doanh, kế hoạch tiếp cận những ngôi sao hạng A thế giới thật bài bản, tích cực, có tâm và có tầm. Trong quá khứ, Việt Nam chưa có tiền lệ bỏ ngân sách tài trợ cho các ngôi sao ca nhạc thế giới đến biểu diễn như một số nước. Trong khi đó, nếu nhìn sang Singapore về thương vụ độc quyền Taylor Swift vừa qua, nhà chức trách nước này đã nắm bắt được thời cơ, thời điểm, có thể coi như một thương vụ làm ăn độc đáo, hiệu quả rất đáng để cho chúng ta học hỏi.

Nhìn lại năm 2023 tại Việt Nam, khi hàng loạt tên tuổi “khủng” liên tiếp “đổ bộ” với những show diễn đỉnh cao, cho thấy chúng ta đang rất có tiềm năng để đón chào những nghệ sĩ lớn của quốc tế. Charlie Puth, BlackPink, Maroon 5... lưu diễn tại Việt Nam khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, chứng tỏ rằng Việt Nam đang dần trở thành điểm đến yêu thích của các ngôi sao quốc tế.

Ông Hoàng Linh - Tổng đạo diễn HAY Fest khẳng định, Việt Nam đang là một điểm đến sáng của khu vực châu Á. Một trong những yếu tố giúp thị trường Việt Nam "ghi điểm" là sự lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội. Ông Linh dẫn ra một số trường hợp các nghệ sĩ quốc tế sang Việt Nam diễn thời gian qua như 911, The Moffatts, BlackPink, Charlie Puth… khi đăng tải các bài viết về show diễn tại Việt Nam trên mạng xã hội thì đều nhận về lượng tương tác cực “khủng” từ người hâm mộ Việt Nam.

Hạ tầng tổ chức ngày càng hiện đại cùng sự cuồng nhiệt của fan Việt đã khiến các nghệ sĩ quốc tế bắt đầu nghiêm túc coi Việt Nam là một thị trường tiềm năng. Nhưng làm thế nào để thu hút thêm nhiều nghệ sĩ quốc tế, để công nghiệp văn hóa tạo ra sự đột phá cho kinh tế Việt Nam thì đây là câu hỏi lớn.

Ông Phạm Xuân Quý - chuyên gia tổ chức sự kiện, cho hay các công ty tổ chức sự kiện tại Việt Nam cho rằng, chúng ta có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các show diễn nước ngoài. Chẳng hạn, khi thưởng thức The Eras Tour tại Singapore, ông Quý nhận thấy có sự khác biệt rất lớn về cơ sở hạ tầng của sân vận động, từ cách thiết kế bố trí sân vận động với khoảng khuôn viên khá lớn, có trung tâm thương mại ngay gần địa điểm biểu diễn để khán giả có thể “giết thời gian” trước khi vào show.

Theo ông Quý, ngành công nghiệp biểu diễn không thể phát triển riêng biệt mà cần liên kết mạnh mẽ với các ngành dịch vụ khác để thu hút khán giả, đặc biệt là khán giả nước ngoài. Do đó, cơ quan quản lý du lịch và đơn vị tổ chức sự kiện cũng như doanh nghiệp địa phương cần “bắt tay” hợp tác lâu dài để tạo ra các gói dịch vụ.

anh2.2.jpg
Các chuyến lưu diễn của Taylor Swift không chỉ mang lại lợi nhuận cho quốc gia tổ chức mà còn đem về lợi ích kinh tế cho Mỹ.

Để đưa văn hóa Việt đi xa

Trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua việc tổ chức các sự kiện văn hóa, sản xuất các sản phẩm văn hóa; xây dựng các cơ sở, công trình văn hóa, lịch sử. Nhưng chúng ta vẫn đang gặp khó để mạnh dạn đi đúng hướng và thúc đẩy nguồn nhân lực trong nước hay mời chào những ngôi sao quốc tế về biểu diễn để tăng doanh thu cho du lịch.

Có thể nhìn thấy ngay những bất cập từ 2 đêm diễn của BlackPink. Theo số liệu báo cáo từ Sở Du lịch Hà Nội, tổng thu từ du khách trong 2 đêm diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc đạt khoảng 630 tỉ đồng. Gần 70.000 khán giả đã đổ về Hà Nội, lấp đầy sân vận động Mỹ Đình trong 2 đêm diễn bùng nổ, thu về 13,7 triệu USD (hơn 331 tỉ đồng) từ tiền bán vé.

Tuy nhiên, để điều trên trở thành hiện thực thì trước đó, concert Born Pink cũng gặp nhiều rào cản với cơ chế cấp phép biểu diễn, bản quyền âm nhạc, hạ tầng đặt vé, địa điểm tổ chức...

Còn đối với những sự kiện âm nhạc trong nước, sau 5 lần tổ chức Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa, nhưng khi trở lại vào năm 2023, nhạc sĩ Quốc Trung vẫn phải dành rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để chuẩn bị từ quy trình sản xuất cho đến nội dung cho sự kiện này.

Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, lễ hội âm nhạc gắn liền với công nghiệp âm nhạc, công nghiệp văn hóa. Một lễ hội âm nhạc muốn tồn tại và phát triển, phải trở thành biểu tượng của địa phương, phải được người dân quan tâm và tự hào và thấy mình trong đó. “Ở nhiều nơi trên thế giới, sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền luôn là điều kiện tối thiểu cần thiết để xây dựng và phát triển. Chỉ khi chúng ta ý thức được về lợi ích của nó thì mới có thể xây dựng và phát triển", nhạc sĩ khẳng định.

Ở phương diện khác, các show diễn của các nghệ sĩ tên tuổi như ca sĩ Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn, Sơn Tùng MTP… đã thu hút lượng lớn người hôm mộ ở các độ tuổi khác nhau. Nhưng để vươn ra tầm quốc tế, tạo thành hiện tượng âm nhạc, có thể đưa văn hóa Việt Nam đến gần hơn với thế giới thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Theo nhạc sĩ Quốc Trung, hiện nay, việc “xuất khẩu” nghệ thuật biểu diễn của nước ta ra thế giới, đặc biệt là âm nhạc hầu như không có, dẫn tới thực trạng năng lực sáng tạo và sự đánh giá về năng lực sáng tạo của chúng ta còn khá chủ quan.

Bên cạnh đó, việc đầu tư về nguồn lực, thời gian cũng như sự tập trung cho sáng tạo văn hóa nghệ thuật của nước ta còn tương đối thấp so với các nước khác trên thế giới, khiến năng lực cạnh tranh của nền âm nhạc nói riêng, ngành công nghiệp văn hóa nói chung còn hạn chế.

Mặt khác, cần đặc biệt chú trọng vào phát triển công nghiệp biểu diễn gắn với những loại hình nghệ thuật truyền thống. Thời gian qua, theo các chuyên gia, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc trở nên gần gũi hơn đối với người dân trên thế giới. Tuy nhiên, đến nay việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mới chiếm 3,61%, nghĩa là mới chỉ mức trung bình của thế giới.

Thực tế, việc kết hợp nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống trong quảng bá văn hóa, phục vụ du lịch không mới, mặc dù đã có được những kết quả khả quan nhưng vẫn còn đó những rào cản.

anh1.1.jpg
Các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống luôn là kho tàng để phát triển công nghiệp biểu diễn của Việt Nam. Ảnh: Ngọc Hà.

Cũng như các quốc gia châu Á, việc khai thác nghệ thuật truyền thống đã và đang được các tỉnh, thành của Việt Nam đầu tư thực hiện.

Chẳng hạn, thời gian qua, bên cạnh hoạt động biểu diễn của các nhà hát, đã có những chương trình đưa nghệ thuật truyền thống ra đường phố phục vụ du khách như biểu diễn Tuồng, Hát văn, Chèo, Xẩm… tại Hà Nội; đưa Tuồng xuống phố tại Đà Nẵng; biểu diễn Múa lân, Hát bội, Đờn ca tài tử... tại TPHCM.

Nhiều chương trình trên nền di sản dân gian đã được đưa tới công chúng trong thời gian gần đây như: Teh Dar - khai thác văn hóa Tây Nguyên, thu hút người xem với kỹ thuật xiếc tre và nhào lộn mạo hiểm, cùng âm sắc nhạc cụ dân tộc đầy mê hoặc; Show thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” tái hiện những giá trị văn hóa Đồng bằng sông Hồng cổ xưa một cách sinh động, chân thực và thêm hấp dẫn với âm nhạc truyền thống và những màn đối đáp hát Quan họ, biểu diễn Múa rối…

Thế nhưng, lĩnh vực này cũng đang đối mặt với không ít khó khăn khi phải cạnh tranh với các hình thức giải trí hiện đại, chưa kịp thích ứng với sự thay đổi của thị trường và thị hiếu khán giả. Bên cạnh đó, sự thiếu đầu tư trong giáo dục và đào tạo nghệ sĩ truyền thống có thể tạo ra khoảng trống trong việc duy trì và phát triển các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Việc thiếu nguồn lực tài chính, hỗ trợ và quảng bá cũng đang là một bài toán chưa có lời giải thỏa đáng…

Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể (VICH) cho biết: Trung tâm đã có nhiều chương trình đưa Xẩm, Chèo, Tuồng… tới công chúng trong nước và khách du lịch. Tuy nhiên, hành trình này cũng gặp không ít hạn chế phải đối diện như bài toán vòng đời sản phẩm; thị hiếu khách hàng; nguồn nhân lực không đủ đáp ứng cho các đơn vị; sự bồi đắp tri thức, kiến thức văn hóa nghệ thuật và sân khấu cho đội ngũ nghệ sĩ trẻ còn thiếu hụt...

Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Chính phủ đã xác định nghệ thuật biểu diễn là một trong 12 lĩnh vực trọng yếu, đặt mục tiêu đạt doanh thu khoảng 31 triệu USD vào năm 2030. Sự phát triển của công nghiệp văn hóa nói chung và lĩnh vực biểu diễn nói riêng không chỉ trông chờ vào tài năng của các nghệ sĩ, cùng việc mở rộng hầu bao của khán giả mà quan trọng hơn, ngành công nghiệp biểu diễn cần được nhìn nhận và quản lý chuyên nghiệp như một ngành kinh tế.

Khi đó, nó sẽ mang về giá trị không thể đong đếm trong quảng bá hình ảnh và văn hóa quốc gia.

Vì vậy, để có những bước tiến đột phá trong việc phát triển công nghiệp biểu diễn, chúng ta cần tận dụng những lợi thế sẵn có, chắt lọc tinh hoa, mạnh dạn đầu tư vào đào tạo con người, khơi thông chính sách để thu hút nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam... Không thể chỉ đứng nhìn thành công của thế giới mà mơ về một ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam rực rỡ.

GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Nghệ thuật biểu diễn thiếu nhiều thứ tạo nên sức hút đối với khán giả
Hiện nay, nghệ thuật biểu diễn Việt Nam vẫn thiếu nhiều kịch bản tầm vóc, thiếu tác giả, đạo diễn chuyên nghiệp, thiếu ngôi sao, thiếu diễn viên tài năng - những thứ tạo nên sức hút đối với khán giả. Không ít chương trình, vở diễn, sản phẩm nghệ thuật chưa đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công chúng.
Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, Nhà nước phải có chính sách bảo hộ phù hợp các loại hình nghệ thuật truyền thống, giống như Nhật Bản bảo trợ cho kịch Nô, hay Trung Quốc bảo trợ cho Kinh kịch. Đối với các loại sân khấu kịch hát dân tộc như: Tuồng, Chèo, Cải lương hay một số loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ đặc biệt.
Bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của các tổ chức, đơn vị nghệ thuật và giới nghệ sĩ cũng rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, huy động các nguồn lực xã hội, làm sao để đảm bảo nền nghệ thuật biểu diễn Việt Nam cân bằng được các yếu tố: truyền thống và hiện đại, giữ gìn bản sắc và hội nhập quốc tế, mục tiêu kinh tế và văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Ngoài ra cũng cần nhắc đến yếu tố trang bị kiến thức phông nền về nghệ thuật cho công chúng. Rất đông khán giả Việt Nam chưa được “đào tạo” để thưởng thức văn hóa, nghệ thuật một cách đúng nghĩa. Cùng với đó là những khác biệt về thị hiếu thẩm mỹ, về gu thưởng thức của người Việt cũng tạo những khó khăn nhất định trong việc hòa vào dòng chảy chung của nghệ thuật thế giới. Vì vậy, trước hết cần phải cải tiến việc trang bị kiến thức về âm nhạc, sân khấu, nghệ thuật cho công chúng trong xã hội, khiến họ hiểu biết, yêu mến và trân trọng các loại hình nghệ thuật, nhất là nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Sau đó là đa dạng hóa các hình thức phát triển khán giả, đầu tư cho hoạt động quảng bá, PR, marketing, đưa các sản phẩm văn hóa nghệ thuật biểu diễn để tiếp cận với đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

TS Nguyễn Thu Thủy - giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (ĐHQG Hà Nội): Công nghiệp biểu diễn cần sự phối hợp giữa các ngành
Muốn đưa nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn truyền thống đến gần hơn với công chúng trong nước và du khách quốc tế thì các đơn vị tổ chức cần tăng cường kết nối với du lịch. Nghệ thuật biểu diễn truyền thống kết nối với du lịch sẽ vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa góp phần quảng bá rộng rãi tới đông đảo công chúng.
Nhưng để làm được điều đó, các ngành cần ngồi lại với nhau để tạo ra sự kết nối không chỉ hướng tới du khách quốc tế mà cả khán giả trong nước. Bởi, nếu chỉ có ngành Văn hóa, thì việc phát triển này sẽ rất khó khăn. Ví như việc tổ chức các sự kiện âm nhạc quốc tế quy mô lớn đã đòi hỏi sự hỗ trợ và hợp tác từ nhiều ngành công nghiệp khác nhau như giải trí, truyền thông, quảng cáo, nhà sản xuất và quản lý sự kiện. Như vậy, chúng ta cần có sự kết nối giữa văn hóa - du lịch để tạo dựng các sản phẩm có thể “đóng gói” các loại hình, không chỉ là nghệ thuật truyền thống mà cả các loại hình khác cũng như các ngành dịch vụ để tăng khả năng tiếp cận của du khách. Chẳng hạn, tour Hà Nội Hop on Hop off có thể kết nối xây dựng tour thăm làng cổ Đường Lâm và xem vở thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" gói trọn trong một ngày. Nếu các bên phối kết hợp khai thác thì du khách có nhiều hơn cơ hội trải nghiệm các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống và sản phẩm nghệ thuật biểu diễn sẽ được đưa vào tour phục vụ khách.
Bên cạnh sự kết nối giữa ngành văn hóa và du lịch, cần cả sự kết nối giữa ngành văn hóa và giáo dục, để có thể có những hoạt động nuôi dưỡng lòng yêu nghệ thuật truyền thống của thế hệ trẻ… Các đơn vị nghệ thuật có thể kết nối với các trường học tổ chức cho học sinh xem các chương trình biểu diễn, tương tác với nghệ sĩ, trải nghiệm làm các vật dụng. Việc kết nối với các trường học là một hướng đi hữu hiệu để thế hệ sau tìm hiểu nghệ thuật truyền thống, nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật và sau này các em học sinh có những hoạt động sáng tạo về nghệ thuật trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng đi nào cho công nghiệp biểu diễn?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO