Một đề xuất rất mới vừa được đưa ra tại Hội nghị đánh giá chương trình phối hợp về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM, đó là việc nên có thêm nguyện vọng 4 vào trường nghề dành cho học sinh khi thi vào lớp 10 THPT công lập của thành phố.
Đề xuất nguyện vọng 4 vào khối trường nghề
TS Đặng Văn Đại - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đông Sài Gòn nhìn nhận, công tác hướng nghiệp học sinh THCS và THPT có vai trò quan trọng đối với công tác phân luồng. Nếu công tác hướng nghiệp làm tốt thì sẽ tác động mạnh đến công tác phân luồng, giúp các trường nghề có điều kiện để đẩy mạnh hoạt động đào tạo.
Đặc biệt, ông Đại đề xuất kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại TPHCM cần có thêm nguyện vọng dành cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), để nâng cao hơn nữa nhận thức vai trò của công tác phân luồng ở bậc THCS, giúp giáo viên có định hướng tư vấn và phụ huynh học sinh có định hướng để lựa chọn. Hiện nay, TPHCM có 3 nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 công lập cho học sinh THCS. Đề xuất nguyện vọng 4 là nguyện vọng dành cho các trường cao đẳng, trung cấp nghề, giáo dục thường xuyên…
Tương tự, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn đông TPHCM Trần Thanh Hải cho biết, hệ thống đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại TPHCM hàng năm không hề có tên các cơ sở GDNN. Ông Hải kiến nghị thành phố mạnh dạn nghiên cứu đưa hệ thống GDNN trở thành một nguyện vọng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập, nhằm tăng hiệu quả phân luồng. Đồng thời, thành phố mạnh dạn thực hiện Quyết định số 522 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018-2025”, tăng tỷ lệ học sinh sau THCS học nghề…
Tại hội nghị này, lãnh đạo TPHCM nhận định, theo kết quả báo cáo công tác tuyển sinh hàng năm của các cơ sở GDNN, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS nhập học các trình độ GDNN bình quân hàng năm của TPHCM đạt khoảng 26,19%. Như vậy, theo chỉ tiêu phấn đấu của đề án mà Thủ tướng phê duyệt thì TPHCM còn một khoảng cách rất xa.
Cần cách làm căn cơ
Trên thực tế, chủ trương phân luồng, hướng nghiệp học sinh ngay sau khi hết bậc THCS đã được triển khai nhiều năm qua, nhưng hiện các trường học vẫn loay hoay, khiến việc hướng nghiệp vẫn nặng về hình thức, chưa đạt hiệu quả.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ GDĐT, năm học 2023 - 2024, có khoảng 74,5% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT. Còn lại, khoảng 25,5% học sinh tốt nghiệp THCS theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và các cơ sở GDNN. Tỷ lệ này cơ bản ổn định so với năm học 2022 - 2023. Cụ thể, năm học 2022 - 2023, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT chiếm khoảng 74,4%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học giáo dục thường xuyên chiếm khoảng 7,9%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở GDNN chiếm khoảng 7%. Như vậy, trên thực tế tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS tham gia học nghề vẫn chưa đáng kể. Trong khi Đề án 552 (ngày 14/5/2018) về Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018 - 2025 của Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.
Trở lại với thực trạng các trường nghề, theo bà Trần Thị Diệu Thuý - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, một vấn đề đang tồn tại hiện nay là cơ sở vật chất trường nghề còn nhiều hạn chế. Các trường đào tạo nghề, nhưng máy móc trang bị từ cách đây 20 năm. Trường không hấp dẫn thì làm sao phụ huynh chọn. Cùng đó, việc trang bị kỹ năng nghề cần được coi trọng. Yêu cầu đặt ra là công tác phân luồng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của từng học sinh. Sở GDĐT phải tạo điều kiện cho các trường nghề được tiếp cận và tham gia bình đẳng trong các chương trình tuyển sinh.
Công tác phân luồng hướng nghiệp lâu nay chưa đạt được mục tiêu cũng như kỳ vọng đã đặt ra. Lãnh đạo các trường nghề cũng rất trăn trở với vấn đề này. Theo ông Trịnh Cao Khải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, một trong những lý do khiến công tác phân luồng học sinh từ bậc THCS chưa hiệu quả là học hết lớp 9, các em vẫn chưa đủ năng lực để phân định yêu thích ngành nghề gì, bản thân có phù hợp hay không. Do đó, việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh THCS vẫn chủ yếu do người lớn định hướng.
Cách định hướng nhìn rất rõ ở nhiều mùa tuyển sinh gần đây tại Hà Nội, là việc “ép” những học sinh có học lực trung bình trở xuống không nên thi vào các trường THPT công lập. Thay vào đó, giáo viên chủ nhiệm hướng các em là nên đi học nghề hoặc xét tuyển (học bạ THCS) vào trường THPT dân lập. Nếu xem xét một cách khách quan, đây chẳng phải là sự định hướng nguyện vọng 4 cho các em rồi sao? Chỉ có điều nội dung này chưa được quy định trong quy chế tuyển sinh. Tất nhiên, chưa có nhiều người ủng hộ cách định hướng nói trên, bởi cách làm hơi khiên cưỡng, gây áp lực với học trò.
TS Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ, tỷ lệ các em học sinh từ lớp 11, 12 hiểu và lựa chọn ngành nghề phù hợp với chính bản thân các em rất thấp, chứ chưa nói đến là học sinh lớp 9. Do vậy, để nghiên cứu và lựa chọn nghề, chúng ta cần có một hệ thống giáo dục nghiêm túc từ lớp một, nếu như chúng ta muốn phân hóa học sinh.
Do vậy cần hành động dài hơi chứ không phải là những lời tư vấn trong thời gian rất ngắn ngủi, cỡ khoảng một buổi, một tiếng đồng hồ.