Giáo dục

Phân luồng hướng nghiệp sau trung học cơ sở: Vai trò gia đình là chủ yếu

Hàn Minh 14/05/2024 07:13

Một trường học ở huyện Hóc Môn (TPHCM) bị tố làm đơn mẫu cho phụ huynh ký, có nội dung xin cho học sinh "không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10". Tình trạng này không phải mới mà mùa tuyển sinh nào cũng xảy ra.

anh-cover1.jpg
Đối với mỗi học sinh, hướng nghiệp là một chặng đường dài bền bỉ. Ảnh: Quang Vinh.

Không được ép học sinh bỏ thi

Học sinh (HS) TPHCM vừa kết thúc việc đăng ký thi vào lớp 10 năm học 2024 - 2025. Bên cạnh những em không có nguyện vọng tham dự kỳ thi cũng ghi nhận một số trường hợp HS có học lực không tốt được giáo viên chủ nhiệm phát cho tờ đơn tự nguyện không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, ký tên và cam kết không khiếu nại về sau. Vụ việc sau đó đã được xác minh xảy ra tại Trường THCS Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn, TPHCM). Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM yêu cầu Phòng GDĐT Hóc Môn và trường thu hồi gấp những đơn cam kết đã phát cho HS và trao đổi, tư vấn lại với phụ huynh. Đồng thời rà soát, không để sự việc tương tự xảy ra tại các trường THCS trên địa bàn.

Trước đó, trên các diễn đàn mạng xôn xao một đoạn clip dài hơn 5 phút với ý kiến của 1 phụ huynh ở Bắc Giang phát biểu trong buổi họp phụ huynh về định hướng vào cấp 3 hay học trường nghề của các con. Ông bố này có con học lớp 9 đang chuẩn bị thi vào lớp 10 cho rằng, việc nhà trường thường xuyên khuyến khích HS theo học trường nghề dù chưa thi cấp 3 khiến nhiều HS "bỏ cuộc" trong cuộc đua vào 10. Phụ huynh này nhấn mạnh mình cũng đóng học phí như các gia đình khác và mong muốn các con cố gắng hết sức để thi vào cấp 3. Còn nếu con không thi được thì lúc đó chuyển sang trường nghề cũng không muộn.

Trên thực tế, năm học nào cũng xảy ra việc giáo viên chủ nhiệm tư vấn HS không tham gia thi vào lớp 10 THPT công lập đến mức gây bức xúc cho phụ huynh. Nhiều cha mẹ có tâm lý học tài thi phận nên muốn con tham gia thi dù con học tốt hay chưa tốt, bởi thi cử là quyền lợi của HS sau 9 năm cắp sách tới trường.

Khi bị phụ huynh phản ánh, ngành giáo dục luôn khẳng định, không yêu cầu các trường vận động, ép HS không thi vào lớp 10 công lập. Các phòng giáo dục cũng thông báo không lấy kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 để đánh giá thi đua các trường. Dẫu vậy, đến hẹn lại lên, câu chuyện thi hay không thi vào lớp 10 năm nào cũng trở thành vấn đề nóng bỏng đầy bức xúc với một số phụ huynh được gợi ý liên tục về việc bỏ thi của con em mình.

anhbaitren.png
Học sinh Trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Tôn trọng quyết địnhcủa học sinh và gia đình

Hiện nay trong các nhà trường phổ thông, việc tư vấn hướng nghiệp luôn được quan tâm triển khai từ sớm, thậm chí là từ cấp tiểu học. Điều này có vai trò quan trọng giúp HS lựa chọn hướng đi phù hợp trong tương lai. Đặc biệt, Chương trình GDPT 2018 xác định, giáo dục hướng nghiệp bao gồm toàn bộ các hoạt động của nhà trường phối hợp với gia đình và xã hội nhằm trang bị kiến thức, hình thành năng lực định hướng nghề nghiệp cho HS. Từ đó giúp HS lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, tính cách, sở thích, quan niệm về giá trị của bản thân, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình và phù hợp với nhu cầu của xã hội. Vì vậy, việc các nhà trường THCS phối hợp với các trường THPT tư thục, trường nghề trên địa bàn đến trường tham gia tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho HS không phải là chuyện hiếm.

Ông Phan Dân - Hiệu trưởng Trường THCS Thăng Long (Hà Nội) cho biết, hiện nay nhiều phụ huynh chỉ quan tâm đến các trường THPT công lập mà quên mất HS có thể rẽ sang các trường nghề hoặc các trường THPT dân lập phù hợp. Điều này đã là tư duy cũ, góp phần tạo áp lực không đáng có lên thầy cô, phụ huynh và các em nên nhà trường mong muốn và sẽ cố gắng đem đến những góc nhìn đa chiều nhất để HS, phụ huynh có thể trải nghiệm và tìm thấy những lựa chọn phù hợp. Nhà trường tổ chức các chương trình hướng nghiệp, tư vấn cho HS, phụ huynh với sự tham gia của cả trường nghề, trường dân lập uy tín để đưa đến những cách tiếp cận khác, giúp HS, phụ huynh chủ động hơn trong lựa chọn của mình.

Nếu như để HS thi không đỗ mới tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp thì theo ông Đặng Thiều Quang - Trưởng phòng GDĐT huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, các em sẽ không có đủ thời gian để suy nghĩ, lựa chọn hướng đi chính xác. Nhà trường, giáo viên cần căn cứ kết quả học tập rèn luyện của HS, xu hướng nghề nghiệp và nguyện vọng của HS, gia đình để có những tư vấn hợp lý nhất. Còn quyết định cuối cùng vẫn phải tôn trọng ý kiến của phụ huynh và HS.

Theo PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - Tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm Chương trình GDPT 2018, hiện nay nhà trường có thể tổ chức nhiều hình thức tư vấn hướng nghiệp cho HS tùy vào điều kiện kinh phí. Các hoạt động được triển khai theo nhiều phương thức đa dạng như: các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ; tham quan, trải nghiệm thực tế ở trường đại học, các công ty, tổ chức; hoạt động nhập vai…

Tuy nhiên, hướng nghiệp là một chặng đường dài bền bỉ, các bậc phụ huynh là những người đồng hành cùng con qua nhiều giai đoạn, vì vậy sự có mặt của cha mẹ trong hành trình định hướng nghề nghiệp là rất quan trọng. Hãy quan sát kỹ những sở thích, sở trường, sở đoản được trẻ bộc lộ qua những hoạt động, hành vi hàng ngày.

Ngoài ra, nhà trường, giáo viên có vai trò trong việc tổ chức các hoạt động định hướng nghề nghiệp cho HS, các bài phân tích, đánh giá giúp các em hiểu rõ năng lực của mình. Tuy nhiên, mỗi giáo viên chỉ đồng hành cùng phụ huynh trong một thời gian nhất định, do đó gia đình vẫn đóng vai trò chủ yếu.

May mắn khi có nhiều học sinh muốn học THPT

Đó là chia sẻ của TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.

ts-hoang-ngoc-vinh.jpg

PV: Mùa tuyển sinh nào cũng ghi nhận xảy ra tình trạng nhà trường, giáo viên ép HS không được đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT công lập. Vấn đề phân luồng HS sau THCS chưa bao giờ hết nóng, thưa ông?

TS Hoàng Ngọc Vinh: Trước khi nói về quy mô trường lớp thì cần tính toán lại để đáp ứng đủ chỗ học cho tất cả HS có nguyện vọng được học tiếp lên THPT, tôi cho rằng đầu tiên cần quán triệt rõ câu chuyện của xã hội hóa và nền giáo dục mở. Đừng ép HS không được thi vào lớp 10 mà giáo viên, nhà trường chỉ nên đóng vai trò tư vấn, định hướng, chỉ ra ưu nhược điểm với từng phương án để phụ huynh, HS tự quyết định. Phải thấy rằng đang có một điều may mắn đó là nhiều HS muốn được đi học lớp 10, muốn được học chương trình THPT.

Nền giáo dục mở là nền giáo dục dành cho tất cả mọi người. Những em có cơ hội được đi học và có mong muốn được đi học thì phải tạo điều kiện để các em đi học. Trừ khi các em không có khả năng hoặc không có mong muốn, gia đình không có điều kiện theo học mô hình này mà muốn đi học nghề sớm.

Tất nhiên nếu chỉ trông chờ vào Nhà nước thì sẽ không thể đủ chỗ học mà phải đẩy mạnh xã hội hóa trường lớp. Phải thay đổi, khai thác, tận dụng hết các nguồn lực xã hội hóa. Doanh nghiệp nào muốn tham gia vào lĩnh vực này đều nên khuyến khích, tạo điều kiện cho họ từ việc thuê đất đai, các chính sách thuế… Ngoài hệ thống trường tư thục, có thể xem xét, tạo điều kiện để các trường cao đẳng, đại học mở ra các cơ sở thực hành, vừa có sẵn trường lớp, đội ngũ giáo viên, cũng tạo cơ hội cho sinh viên sư phạm thực tập trong quá trình học. Hiện một số trường đại học đã và đang làm rất tốt việc này, tạo thành thương hiệu với các trường chất lượng cao, trường chuyên rất được phụ huynh, HS săn đón.

Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta nhưng cũng đồng thời đặt ra vấn đề giám sát có theo kịp hay không. Vừa qua, ở Ninh Bình xảy ra trường hợp một trường tuyển sinh lớp 6 khi chưa được cấp phép. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Trong câu chuyện cụ thể này, một trường học có động thái tuyển sinh công khai như vậy, thậm chí đã dạy học một thời gian mới bị phát hiện là chưa được cấp phép, vai trò của cơ quan chức năng ở đâu?

Chúng ta đã có những quy định cụ thể về điều kiện mở trường lớp, quy định thanh kiểm tra từng thời điểm… Vấn đề là khi triển khai trong thực tế cần có đủ người có năng lực để thực hiện thường xuyên, liên tục. Phải có bộ phận giám sát và huy động việc giám sát của nhân dân cùng với cơ quan chức năng. Đặc biệt, nếu phát hiện sai phạm phải ngay lập tức xử lý, chấn chỉnh. Trong đó, không chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở đào tạo mà còn phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu ngành giáo dục trên địa bàn thì mới ngăn chặn được tình trạng tuyển sinh trái phép, không đúng yêu cầu.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hương (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phân luồng hướng nghiệp sau trung học cơ sở: Vai trò gia đình là chủ yếu