Kỳ thi lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội và một số địa phương khác luôn khốc liệt vì tỷ lệ học sinh trượt đã được dự báo trước khi kỳ thi diễn ra. Vấn đề đặt ra là đối với những em thi trượt, hướng nghiệp sao cho đúng và trúng.
Không chờ đến lớp 9 mới hướng nghiệp
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, không chờ đến lớp 9, trường lồng ghép hướng nghiệp cho học sinh trong các chương trình dạy học chính khóa và ngoại khóa ở tất cả các khối.
Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên giữ liên lạc, trao đổi với gia đình để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, phối hợp tìm hướng đi phù hợp với học sinh sau THCS. Tuy nhiên, định hướng của giáo viên, nhà trường đều trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt của mỗi học sinh, không có chuyện ép buộc các em phải làm thế này hay thế kia. Các thầy cô phân tích, kể những câu chuyện gợi mở còn quyền quyết định vẫn nằm ở học sinh và gia đình.
Nhiều năm qua, trước khi kỳ thi vào lớp 10 diễn ra lại có thông tin nơi này, nơi kia “ép” phụ huynh phải ký cam kết không được tham gia thi lớp 10 do lo ngại ảnh hưởng đến thành tích chung của nhà trường. Dù rằng, nhiều phân tích đã chỉ ra, không thể yêu cầu mọi đứa trẻ đều phải học giỏi văn, giỏi toán giống nhau, nhưng không nhiều phụ huynh chấp nhận việc con mình rơi vào nhóm có nguy cơ trượt lớp 10 THPT để sẵn sàng định hướng học nghề sớm.
Nhiều lựa chọn
Theo ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH), mô hình đào tạo 9+ hiện nay đang thu hút sự quan tâm của phụ huynh, học sinh, thể hiện ở thực tế công tác tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp gần đây có xu hướng tăng so với trước. Năm học 2022-2023, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chiếm khoảng 7%.
Năm học 2023-2024, Trường CĐ Cơ điện Hà Nội tuyển 160 học sinh tốt nghiệp THCS và 240 học sinh tốt nghiệp THPT vào học hệ trung cấp. Trường CĐ nghề Hải Dương tuyển trên 600 học sinh tốt nghiệp THCS. Trường CĐ Cơ giới Thủy lợi Đồng Nai tuyển hơn 400 học sinh tốt nghiệp THCS... Ghi nhận tại nhiều trường cho thấy, các ngành/nghề chính các em đăng ký học nhiều là: công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, du lịch, logistics, quản trị kinh doanh...
Về phía các trường THCS, để giải tỏa áp lực cho thí sinh đang đối mặt với kỳ thi vào lớp 10 và triển khai chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, nhiều chương trình tìm hiểu về lối đi sau tốt nghiệp THCS đã được tổ chức. Tại trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội) vừa diễn ra chương trình mang tên Bí kíp luyện rồng 2023. Những cựu học sinh vừa trải qua kỳ thi vào lớp 10 đã đứng ra tổ chức chương trình, đem đến không chỉ thông tin về các ngôi trường học sinh hướng tới trong kỳ thi vào lớp 10 như lịch sử trường, điểm tuyển sinh, các hoạt động câu lạc bộ mà cả những câu chuyện từ trải nghiệm của các em.
Ông Phan Dân - Hiệu trưởng Trường THCS Thăng Long cho biết, chương trình "Bí kíp luyện rồng" đã trở thành sự kiện thường niên của trường trong 6 năm qua. Thời gian tới đây, sau khi kết thúc học kỳ 1, nhà trường dự kiến mời thêm trường nghề, trường dân lập uy tín gặp gỡ, chia sẻ cùng phụ huynh, học sinh ngay tại khuôn viên nhà trường.
Theo ông Dân, hiện nay nhiều phụ huynh chỉ quan tâm đến các trường THPT công lập mà quên mất học sinh có thể rẽ sang các trường nghề hoặc các trường THPT dân lập phù hợp. Điều này, theo ông Dân là “tư duy cũ”, góp phần tạo áp lực không đáng có lên thầy cô, phụ huynh và các em nên nhà trường mong muốn và sẽ cố gắng đem đến những góc nhìn đa chiều nhất để học sinh, phụ huynh có thể trải nghiệm và tìm thấy những lựa chọn phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Hà Nội) cho rằng, chọn lối đi nào sau tốt nghiệp THCS, THPT luôn là bài toán cân não với tất cả phụ huynh, học sinh. Vì vậy, lời khuyên là phụ huynh cần thường xuyên quan tâm đến việc học tập của con, giữ kết nối với thầy cô để có được đánh giá đúng năng lực, trình độ của con em mình, từ đó chọn trường phù hợp. Trong trường hợp không có khả năng vào một trường công lập, có thể cân nhắc các phương án học tập tại các trường khác, bao gồm trường dân lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, trường nghề... nhưng cần chú ý điều kiện tài chính của gia đình, đặc biệt là có được đồng thuận của con bởi các em mới là chủ thể thực hiện.