Sau niềm vui đỗ đại học (ĐH), nhiều tân sinh viên nhận ra mình đã lựa chọn không đúng ngành học yêu thích và có nguyện vọng chuyển đổi ngành học. Dù được các trường tạo điều kiện song đây cũng là bài học để những sinh viên này cũng như những học sinh đứng trước ngưỡng cửa vào ĐH cân nhắc cẩn trọng trước khi đăng ký.
Nhiều trường tạo điều kiện
Em Nguyễn Như Quỳnh, sinh viên năm nhất Học viện Hàng không Việt Nam cho biết, ban đầu em đăng ký xét tuyển vào khoa Ngôn ngữ Anh của trường. Tuy nhiên, sau khi nhập học, em nhận thấy khoa Kinh tế vận tải phù hợp hơn với mình nên trong đợt xét tuyển bổ sung của trường, em đã làm đơn xin chuyển khoa và được sự đồng ý của nhà trường.
Đây là câu chuyện không mới đã và đang xảy ra ở nhiều trường trong những năm qua. Đại diện các trường thông tin, mỗi năm có từ 10 - 20% sinh viên xin chuyển ngành, thậm chí xin chuyển trường ngay trong năm học đầu tiên. Nguyên nhân có nhiều như khi theo học thực tế, các em thấy không phù hợp hoặc có những em trúng tuyển theo nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 nên sau đó muốn thay đổi.
Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 16 Quy chế đào tạo trình độ ĐH ban hành kèm theo Thông tư 08/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sinh viên được xem xét chuyển sang học một chương trình, một ngành đào tạo khác, hoặc một phân hiệu khác của cơ sở đào tạo, hoặc từ phân hiệu về trụ sở chính khi có đủ các điều kiện gồm: Đã học xong năm thứ nhất; đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo, của trụ sở chính (hoặc phân hiệu) trong cùng khóa tuyển sinh; ngành xin chuyển còn chỉ tiêu tuyển sinh và được sự đồng ý của thủ trưởng các đơn vị chuyên môn phụ trách chương trình, ngành đào tạo, người phụ trách phân hiệu (nơi chuyển đi và chuyến đến) và của hiệu trưởng cơ sở đào tạo.
TS Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM)cho biết, hàng năm trường đều có những sinh viên xin chuyển ngành học với lý do là chọn sai ngành. Sau khi xem xét các điều kiện đảm bảo là phù hợp, nhà trường sẽ tạo điều kiện để các em chuyển ngành.
Tương tự, thông tin từ Trường ĐH Công thương TPHCM, hàng năm trường cũng có vài chục trường hợp có nguyện vọng xin chuyển đổi ngành học. Nguyên nhân là do trúng tuyển sai ngành, sơ suất trong quá trình làm hồ sơ xét tuyển hoặc phát hiện chọn ngành chưa phù hợp… Nhà trường luôn linh động giải quyết cho sinh viên theo đúng quy định để các em được học tập đúng với mong muốn của bản thân, từ đó tạo hiệu quả học tập cao nhất.
Từ năm học 2022 - 2023, ĐHQG Hà Nội đã ban hành Quy chế đào tạo bậc ĐH mới, áp dụng với sinh viên khóa tuyển sinh từ năm 2022 trở đi, cho phép sinh viên có thể được chuyển ngành học. Theo đó, sinh viên hoàn thành năm học thứ nhất được xem xét chuyển sang học một ngành học khác nếu đáp ứng điều kiện trúng tuyển của ngành muốn chuyển sang học, tích lũy tối thiểu 35 - 45 tín chỉ tùy chương trình đào tạo, điểm trung bình các học phần (GPA) tính đến thời điểm xét đạt từ 2.5/4 trở lên, không bị cảnh báo học tập hoặc bị xét kỷ luật.
Trong khi đó, từ tháng 10/2022, 10 trường kinh tế đã ký thỏa thuận trao đổi sinh viên và công nhận tín chỉ của nhau. Sinh viên các trường này được đăng ký học tập 1 - 2 học kỳ ở các trường trong nhóm, mỗi kỳ từ 12 - 25 tín chỉ và được chuyển đổi kết quả học tập. Các trường này gồm: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Thương mại, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Học viện Chính sách và Phát triển, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội.
GS.TS Trần Thị Vân Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đánh giá, thỏa thuận này tạo cơ hội cho sinh viên học tập, trải nghiệm trong các môi trường đào tạo khác nhau, tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Các trường cũng có thể chia sẻ nguồn lực, cùng phát triển năng lực và chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc tế.
Hướng nghiệp sớm để lựa chọn đúng
Hiện nay, theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển nguyện vọng thi đại học với số lượng không giới hạn. Trong đó, các lựa chọn phải được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên giảm dần. Điều này giúp thí sinh trúng tuyển theo đúng nguyện vọng và năng lực của bản thân.
Trong số đó, vẫn có những thí sinh sau khi trúng tuyển ĐH mới nhận ra mình chưa phù hợp với ngành học nên có nguyện vọng xin chuyển đổi không phải là trường hợp hiếm gặp. Điều này, theo các chuyên gia là do công tác hướng nghiệp ở bậc phổ thông chưa thực sự hiệu quả khiến các em chưa nhận ra đúng hướng đi mình yêu thích, thậm chí có những lựa chọn sai lầm. Có những em nhận ra ngay khi bắt đầu vào học và được tạo điều kiện chuyển ngành học song cũng có những em có tâm lý đã “đâm lao thì phải theo lao” nên dù không hứng thú vẫn tiếp tục học, dẫn đến kết quả học tập không tốt, thậm chí lãng phí trong đào tạo do sau khi ra trường không muốn theo đuổi công việc này. Từ đây, tình trạng làm trái ngành, trái nghề xảy ra chính là lời cảnh báo đối với công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông hiện nay.
ThS Phạm Văn Minh - Phó Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (Trường ĐH Nguyễn Trãi) cho rằng, để hạn chế việc chọn nhầm ngành, cần quan tâm tới việc hướng nghiệp cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ. “Hướng nghiệp không chỉ dành cho học sinh lớp 12 khi chuẩn bị đăng ký xét tuyển đại học. Ở nhiều nước trên thế giới, công tác hướng nghiệp bắt đầu ngay từ bậc mẫu giáo. Thông qua các hành vi thường ngày của trẻ, giáo viên sẽ nhận ra học sinh thích gì và có năng khiếu trong lĩnh vực nào. Tất cả những kiến thức này được hình thành từ sớm và tạo thành kiến thức nghề nghiệp” - ông Minh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, quá trình định hướng nghề nghiệp cũng cần giúp thí sinh nhận định đúng năng lực của bản thân, hiểu được sở trường, sở đoản của bản thân thay vì chọn theo xu hướng đám đông hay chọn vì cha mẹ… Khi hội tụ đủ các yếu tố yêu thích, phù hợp năng lực, xã hội cần, thì khả năng gắn bó và phát triển nghề nghiệp mới bền vững.