Năm học 2018, tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn áp dụng cộng điểm thi đối với học sinh (HS) có chứng chỉ nghề phổ thông. Mức điểm ưu tiên chênh lệch giữa các đối tượng liên tiếp nhau là 0,5 điểm. Giải pháp này đang được kỳ vọng là gỡ khó cho công tác hướng nghiệp phân luồng sau bậc THCS.
Học nghề may trong trường phổ thông.
Giảm gánh nặng
Thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT mà Bộ GD&ĐT ban hành năm 2018 đã bỏ quy định Sở GD&ĐT cộng điểm khuyến khích cho thí sinh (TS) thi vào lớp 10, tuy nhiên chưa áp dụng ngay ở kỳ tuyển sinh năm học 2018-2019.
Cụ thể, Thông tư mới này đã bỏ đi Khoản 3 Điều 7 của Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT ban hành ngày 18/4 -2014 về quy chế tuyển sinh THCS và THPT: “Sở GD&ĐT quy định đối tượng và điểm cộng thêm cho từng loại đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích”.
Như vậy, đồng nghĩa với việc Bộ GD&ĐT không giao cho cho các Sở quy định đối tượng và mức cộng điểm khuyến khích nữa. Do đó, trong kỳ thi vào lớp 10 từ năm học 2019, TS sẽ không được cộng điểm khuyến khích bao gồm cả điểm thi nghề phổ thông ở cấp THCS hay cuộc thi HS giỏi lớp 9 các môn văn hóa do các Sở GD&ĐT tổ chức.
Ông Nguyễn Xuân Thành- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho hay, Bộ bỏ quy định này bởi những lý do thực tế. Nhiều nơi phản ánh vì có việc cộng điểm mà việc thi nghề phổ thông bỗng thành mục tiêu phấn đấu chỉ để cộng điểm, trong khi ý nghĩa của việc học và thi nghề là làm cho công tác hướng nghiệp HS tốt hơn, hướng đến thích hợp điều kiện địa phương.
Phản ánh từ các giáo viên ở nhiều địa phương cho thấy, thực chất việc dạy và học nghề lâu nay ở các trường THCS, THPT vẫn nặng về thành tích. Các trường không ngần ngại ép buộc HS học nghề, không cần biết các em có nhu cầu hay không. Thậm chí, có trường, có giáo viên còn “dọa” hạ hạnh kiểm HS nào không tham gia học nghề. Kết quả dạy và học nghề nhiều năm qua cũng không thấy có HS nào đạt kết quả trung bình, ít nhất cũng là khá trở lên. N
ếu cứ theo kết quả này, lẽ ra kỹ năng thực hành các nghề phổ thông mà các em đang được học như nghề làm vườn, tin học văn phòng, điện dân dụng, trồng rừng, nấu ăn, thêu tay, cắt may... phải rất tốt. Song trên thực tế khi kiểm tra bất chợt, rất ít HS thao tác thành thạo nghề mà các em đã học, kể cả thao tác trên máy tính với nghề Tin học văn phòng - vốn rất phổ biến được các trường triển khai.
Để dạy nghề đi vào thực chất
Trước quy chế tuyển sinh THCS và THPT mới ban hành năm 2018, nhiều cán bộ quản lý và nhà giáo cho rằng, việc không cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là phù hợp. Từ đó góp phần làm cho công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS được thuận lợi hơn. Bên cạnh đó còn đưa dạy nghề về đúng với cái đích đã từng đề ra, giảm tiêu cực thi cử…
Mục đích của việc giáo dục nghề phổ thông trước đây vốn có nhiều ưu điểm đáng ghi nhận. Đó là hướng cho HS tiếp cận một số nghề nghiệp để định hướng cho tương lai. Đó còn là mục tiêu quan trọng để phân luồng, hướng nghiệp cho HS sau THCS. Tuy nhiên, chính điểm cộng của việc học nghề đã khiến cho HS học nghề chỉ qua loa, không chú trọng vào nghề nghiệp, không chú trọng vào kiến thức mà học chủ yếu để được cộng điểm. Âu cũng bởi tâm lý của phụ huynh, HS vẫn còn chuộng bằng cấp nên việc học nghề vẫn chưa thu hút người học. Với điểm cộng của việc học nghề, các em HS cho dù học lực trung bình, học yếu cũng mong muốn được vào học lớp 10 THPT chứ không muốn học GDTX hoặc học nghề.
Việc Bộ GD&ĐT bỏ quy định cộng điểm nghề đang được kỳ vọng sẽ hướng các HS khá, giỏi sẽ tiếp tục học THPT. Còn các em học trung bình, yếu sẽ có con đường rộng mở để học hệ GDTX, học nghề. Ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định, từ năm 2019 dù không còn điểm cộng thi nghề trong tuyển sinh vào lớp 10, nhưng kết quả thi nghề của học sinh THCS vẫn được sử dụng để khuyến khích trong việc xét tốt nghiệp THCS theo Quy chế hiện hành tại Quyết định số 11/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/4/2006.
Song nhiều câu hỏi đang được đặt ra: Vậy từ năm 2019 công tác hướng nghiệp trong các nhà trường phổ thông sẽ ra sao? Việc không được cộng điểm thi vào 10 có còn khiến HS mặn mà với nghề “hướng nghiệp” nữa hay không? Các trường có đầu tư nhiều cho hoạt động dạy nghề nữa hay không? Nếu dạy và học nghề vẫn tồn tại- với mục đích hướng nghiệp mà kết quả không thực chất, rất cần xem xét lại một cách nghiêm túc việc dạy nghề trong nhà trường phổ thông để tránh lãng phí.