Ngày trước, bánh trôi nước chỉ làm đúng dịp mùng 3 tháng 3 âm lịch, ấy là tết Hàn thực. Mà để làm được mấy đĩa bánh cúng ông bà cũng cầu kì vất vả lắm, nào thì chọn gạo nếp ngon từ trước nửa tháng, rồi tìm nhà xay bột nước, xay xong còn phải cho vào tấm vải, treo lên để qua đêm cho róc bớt nước mới làm được bánh...- Mẹ chồng tương lai vừa nặn bánh cùng con dâu vừa kể.
“Giờ chỉ đầu tháng Hai, các chợ ở Hà Nội đều bán bột làm bánh trôi rồi bác ạ. Bột bán sẵn, có pha nhiều gạo tẻ, cứng và không được ngon lắm, nhưng tìm hàng xay bột nước khó quá nên ăn tạm bác nhé” - Cô con dâu tương lai phân trần.
Đấy là lúc các món ăn đã xong, đặt lên bàn thờ cúng ông bà, báo cáo với các cụ là cháu đích tôn đưa bạn gái về ra mắt, sắp chuẩn bị bàn đến chuyện cưới xin.
Cô gái cứ vừa làm vừa hỏi, vừa mồm miệng lại vừa chân tay, khéo nhưng cứ ra vẻ chưa biết, hỏi ý kiến bề trên chỉ đạo xem nấu thế nào, làm bà mẹ chồng vừa mát ruột lại vừa được thể hiện. Giờ thêm "màn" nặn bánh trôi, thấy hai bàn tay nhỏ nhắn thoăn thoắt của cô vê bột, bỏ đường, nặn bánh, luộc và vớt bánh nhanh nhẹn quá, thốt nhiên bà thấy mừng.
Nhất là khi ngồi bên mâm cơm, thân mật gắp cho nhau ăn uống thoải mái vui vẻ, cái màu áo trắng của cô con dâu tương lai điệp với màu bình hoa loa kèn trắng tinh khôi. Trên mặt bàn nước, cạnh bình hoa là những đĩa bánh trôi cũng trắng tinh, thêm vài chùm hoa bưởi cô gái mua được ở đâu cũng mang đến bày cùng bánh, tỏa hương dịu nhẹ. Món bánh ấy là đồ ăn nguội, ngọt nhưng không ngấy, ăn tráng miệng sau bữa cơm cũng ngon, mà nửa buổi ngồi nhâm nhi với chén trà nóng cũng hợp.
Bà mẹ chồng đâu biết, trước ngày "trọng đại", cô gái đã phải hỏi han, tham khảo ý kiến khắp nơi mới dám "xuất hiện" một cách giản dị và gây ấn tượng đến thế. Hà Nội bắt đầu vào mùa hoa loa kèn. Người Hà Nội nào chả chờ đến mùa này, cắm vài bình hoa trong nhà, xuýt xoa ngắm nghía.
Lạ lắm, cái loài hoa ấy, chả biết xuất xứ từ đâu, nhưng từ lâu dường như đã gắn với tiết cuối xuân, đầu hạ của Hà Nội. Mà còn kì lạ nữa, nếu cắm trong bình thủy tinh, đặt trong nhà hàng, khách sạn, trong biệt thự, nó toát lên vẻ đẹp kiêu sa lộng lẫy. Nhưng nếu cắm trong nhà cổ, thậm chí nhà tập thể cũ kĩ thì nó lại có vẻ đẹp đượm màu thời gian, tôn lên không gian man mác xung quanh. Mẹ chồng hẳn nhiên cũng yêu hoa loa kèn. Gặp được cô con dâu tâm đầu ý hợp như vậy, hẳn nhiên chẳng thể làm khó dễ gì nữa.
Còn bánh trôi nước? Có người bảo kiêng, ai lại mang cái thân phận "ba chìm bảy nổi" về nhà chồng như thế? Cô gái thì bảo: Coi như mình "phó mặc" số phận mình cho nhà chồng, cho mẹ chồng, "ra vẻ" nhún nhường tí, song dù hoàn cảnh nào cũng "vẫn giữ tấm lòng son" là được. Cái tâm tình gửi trong món bánh ấy, vừa là sự gửi gắm, tôn trọng bề trên, cũng là để thể hiện sự hòa nhập, gắn bó, "đơn giản hóa" cuộc gặp gỡ, để mọi việc trở nên tự nhiên, thân tình.
Hà Nội có bao nhiêu quán bánh trôi nổi tiếng, có bao nhiêu địa chỉ ăn vặt quen thuộc cô đều thuộc cả. Những ngày cùng người yêu lang thang phố xá, cô sà chỗ này một tí, ghé chỗ kia một tí, vừa nếm náp vừa học cách làm. Nào thì bánh trôi nước, bánh trôi tàu, bánh chay, chè bà cốt, chè con ong... Nhà chồng thích những món dân dã, thanh tao, không ngấy không ngán, dần dần rồi cô sẽ "thể hiện". Cô còn biết cả những phố người hàng rong chuyên mang hoa bưởi ra bán nữa. Chỉ cần chút hương hoa thơm thảo cùng với tấm lòng chân thật, cô tin làm dâu chẳng có gì là khó.