Hướng tới du lịch bền vững

Hương Lê 27/12/2016 00:17

Việt Nam vừa đón du khách quốc tế thứ 10 triệu- đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp không khói nước nhà. Theo nhận định của Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2016 đạt 2 mốc kỷ lục. Đó là tổng số lượng khách nhiều nhất trong một năm (10 triệu lượt khách) và mức tăng tuyệt đối trong một năm nhiều nhất so với năm trước (trên 2 triệu lượt khách).

Hướng tới du lịch bền vững

Phát triển du lịch mang lại nguồn ngoại tệ, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Nhìn nhận một cách khách quan, năm 2016 là một năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng đối với ngành du lịch. Đó là lần đầu tiên Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tại TP Hội An; Chính phủ tiếp tục chính sách miễn visa cho 5 nước Tây Âu gồm: Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha; Ban cán sự Đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị xem xét thông qua Nghị quyết phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn…

Ưu tiên đầu tư cho du lịch, năm 2016 nhiều địa phương cũng kịp thời có những chính sách, giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển du lịch.

Nhiều địa phương đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng du lịch ở những vùng trọng điểm như Quảng Ninh, Kiên Giang, Bình Định, Vĩnh Long, Lai Châu, Quảng Bình…

Xuất phát từ nhu cầu quảng bá, xúc tiến, một số vùng đã bước đầu quan tâm tới xây dựng thương hiệu du lịch của vùng, địa phương mà trước hết là bộ nhận diện thương hiệu.

Điển hình là TP Hồ Chí Minh đã xây dựng một thương hiệu du lịch riêng. Các tỉnh Tây Bắc cũng đã xây dựng cho mình bộ nhận diện thương hiệu.

Tuy đây mới chỉ là những hoạt động mang tính thử nghiệm bước đầu nhưng cũng đánh dấu những thay đổi lớn trong nhu cầu và nhận thức của các địa phương về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch một cách hệ thống và bài bản.

Việc đầu tư xây dựng và quảng bá thương hiệu địa phương cũng được các địa phương đưa ra như một trong các hoạt động trọng tâm của quản lý du lịch.

Có thể kể tới là sự tiên phong của các tỉnh Trung Bộ, đặc biệt là Đà Nẵng, Hội An, Huế hay Lào Cai trong việc xây dựng thương hiệu và chiến lược thương hiệu du lịch.

Cho tới thời điểm này, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên thành lập Hội đồng Thương hiệu Quảng Ninh (Quang Ninh Branding Council) có sự tham gia cố vấn của đội ngũ chuyên gia thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước nhằm xây dựng, triển khai thương hiệu du lịch địa phương.

Hay việc nỗ lực quảng bá hình ảnh trên kênh truyền hình CNN của Mỹ trong hai năm 2017- 2018 cũng là một cách xây dựng thương hiệu du lịch của Thủ đô Hà Nội.

Và sự kiện đón vị khách quốc tế thứ 10 triệu đến Việt Nam vừa là một dấu ấn, vừa là kết quả minh chứng về những nỗ lực đầu tư cho ngành du lịch nước nhà trong suốt thời gian qua.

Song nếu nhìn vào lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hơn 20 năm qua, từ 1994 (vượt 1 triệu lượt khách) tới năm 2016 (vượt 10 triệu lượt khách) - thống kê của TCDL, thì mức tăng này lại quá ư khiêm tốn.

Trong khi Việt Nam là mỏ vàng về di sản thiên nhiên, di sản văn hóa thế giới, tài nguyên du lịch dồi dào, phong phú… những con số ấy đã cho hay chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng du lịch đang sẵn có.

Nhìn sang một số nước láng giềng như Thái Lan, Tổng cục Du lịch nước này cho biết chỉ tính riêng trong quý đầu của năm 2016, Thái Lan đã đón 9,03 triệu lượt khách du lịch quốc tế.

Trước đó, năm 2015, Thái Lan thu hút 29,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đạt doanh thu 37,6 tỷ USD. Kế hoạch đặt ra trong năm 2016 quốc gia này đón 32 triệu lượt khách quốc tế. Hay quốc đảo Indonesia hiện coi du lịch là ngành kinh tế quan trọng và phấn đấu đến năm 2019 đón 20 triệu lượt khách quốc tế…Với du lịch Việt Nam, mức tăng trưởng ấy còn phải phấn đấu rất nhiều.

Trong kế hoạch 2017, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách quốc tế, 66 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 460 ngàn tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2020, ngành du lịch sẽ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Dẫu vậy, một băn khoăn cũng đã được đặt ra lâu nay là làm thế nào để du lịch phát triển thực sự bền vững chứ không phải là mức tăng “nóng” đạt cho được những mục tiêu và con số đã đặt ra.

Bởi trên thực tế, phát triển du lịch mang lại nguồn ngoại tệ, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, trong đó có những công việc không đòi hỏi trình độ học vấn hay trình độ chuyên môn cao và đa phần ở các vùng sâu, vùng xa nơi người lao động địa phương vốn rất khó tìm được việc làm.

Nhưng mặt khác, quản lý hoạt động du lịch yếu kém sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Cũng theo các chuyên gia quốc tế, nguyên tắc cốt lõi của du lịch có trách nhiệm là tạo môi trường sinh sống tốt cho người dân, đồng thời tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách.

Nguyên tắc này chỉ được áp dụng thành công nếu mọi thành phần tham gia vào du lịch (Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và du khách) có nhận thức cao và đầy đủ về du lịch có trách nhiệm.

Ông Bruno Angelet, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết: tổ chức này đã hỗ trợ ngành du lịch Việt Nam trong nhiều năm liên tiếp và hi vọng các nguồn lực đã được đầu tư thông qua Dự án EU-ESRT sẽ là nền tảng để phát triển du lịch có trách nhiệm và bền vững tại Việt Nam.

Nếu mỗi cấp, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân nhận thức được trách nhiệm, cam kết có trách nhiệm và thực hành có trách nhiệm trong khả năng của mình, khi đó du lịch Việt Nam sẽ phát triển bền vững theo nguyên tắc của du lịch có trách nhiệm.

Ngành du lịch cũng thừa nhận rằng bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Việt Nam còn không ít hạn chế cần khắc phục.

Trước hết phải kể tới chất lượng dịch vụ tại một số điểm đến hiện nay chưa đáp ứng; năng lực cạnh tranh về điểm đến trong khu vực và quốc tế chưa được cao; quản lý hoạt động khách du lịch ở một số thị trường và hướng dẫn viên người nước ngoài còn những bất cập; tai nạn vẫn còn xảy ra với du khách trong và ngoài nước; vẫn còn thiếu chế tài quản lý một số loại hình du lịch như khám phá, mạo hiểm; nhân lực trong lĩnh vực du lịch còn hạn chế về số lượng và chất lượng…

Vì thế để hướng tới du lịch bền vững, rõ ràng đích đến dài hay ngắn đang phụ thuộc chủ yếu vào những cố gắng từ nội lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng tới du lịch bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO