Du lịch “Net Zero” là xu hướng mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến với mục đích không gây tổn hại đến môi trường trong quá trình hoạt động.
Tại Việt Nam hiện đã có một số “Net Zero tours” mang lại tín hiệu tích cực. Tuy nhiên để nhân rộng mô hình, tạo ra những bước đột phá rõ rệt để phát triển du lịch xanh - bền vững cần nhiều hơn nữa sự chung tay của cả cộng đồng.
Những năm gần đây, du lịch xanh ngày càng được quan tâm và trở thành hướng phát triển quan trọng của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Du lịch xanh sẽ là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế xanh, giúp tăng trưởng xanh, hướng tới mục tiêu đạt Net Zero (khí thải ròng bằng không) vào năm 2050.
Trên thực tế, tại các địa phương sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên, di sản, công trình có ý nghĩa lịch sử văn hóa đang rất tích cực trong việc xây dựng những tour trải nghiệm xanh, cung cấp các hoạt động du lịch đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của du khách trong và ngoài nước mà vẫn đáp ứng được yêu cầu của du lịch “Net Zero”.
Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024 có chủ đề "Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững" (Vietnam Tourism - Green transition for sustainable development) sẽ diễn ra từ ngày 11-14/4 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội (I.C.E. Hanoi). Chủ đề này được đánh giá là phù hợp với xu hướng mới "Net Zero tours" - thúc đẩy du lịch bền vững, giảm ảnh hưởng tiêu cực lên môi trường và hỗ trợ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Cuối tháng 3 vừa qua, tỉnh Bến Tre đã thí điểm tour du lịch mới mang tên “Net Zero tours Bến Tre”. Khi tham gia tour này, du khách sẽ được trải nghiệm hoạt động bao gồm di chuyển, lưu trú, ăn uống… hoàn toàn thân thiện với môi trường. Đặc biệt, khi bắt đầu tour, du khách sẽ được trao một cuốn passport (hộ chiếu) Net Zero, ý nghĩa như một giấy thông hành để du khách trở thành công dân xanh toàn cầu của tương lai. Cuốn sổ này cho phép du khách tự ghi chép lại những hoạt động mà họ được trải nghiệm trong suốt chuyến đi. Cùng với đó du khách sẽ được hướng dẫn cách đo lường và tính toán lượng phát thải đã tạo ra trong suốt chuyến trải nghiệm, sau đó cùng nhau thực hiện bù đắp thông qua các hoạt động như trồng cây bần, cây đước, sử dụng các nông sản, mua đồ thủ công, mỹ nghệ ở của người dân hoặc mua một cây dừa lâu năm... sẽ là những hành động bù đắp phát thải carbon khi tham gia tour du lịch Net Zero ở Bến Tre.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng 3AI cho biết, việc triển khai thí điểm mô hình “Net Zero tours Bến Tre” nhằm thúc đẩy du lịch xanh, giảm thiểu carbon và hướng tới mục tiêu Net Zero tại Bến Tre; đồng thời, giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường thông qua mô hình cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững. Mô hình có khả năng nhân rộng trong và ngoài tỉnh.
Hành trình của “Net Zero tours Bến Tre” là một điển hình cho xu hướng du lịch xanh đang ngày càng phổ biến. Trước đó, chúng ta cũng đã có các địa phương tiên phong trong xây dựng du lịch xanh - bền vững.
Tiêu biểu như tại Hội An (Quảng Nam) từ rất sớm đã kêu gọi cộng đồng và du khách hạn chế dùng đồ nhựa sử dụng một lần. Hội An cũng chính thức ra mắt mô hình “Khách sạn không rác thải nhựa” vào tháng 9/2023. Thành phố di sản đặt mục tiêu mỗi năm giảm từ 13 - 15% rác thải nhựa, tiến đến năm 2025 không còn phát sinh rác thải nhựa dùng một lần.
Hay tại huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), trong nhiều năm qua đã triển khai các chương trình, chính sách về bảo vệ môi trường, trong đó trọng tâm là Đề án huyện Cô Tô không có rác thải nhựa; Đề án Phân loại rác thải tại nguồn; Đề án Hạn chế sử dụng túi nilon...
Tương tự, tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nhiều doanh nghiệp làm du lịch cũng chú trọng đầu tư các dụng cụ giảm thải rác khó tiêu hủy ra môi trường, như: sử dụng các dụng cụ ăn uống bằng gỗ, sứ, thủy tinh thay thế đồ nhựa, đầu tư máy lọc nước đặt tại phòng, phân loại rác thải và hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần… Côn Đảo hướng tới năm 2025 sẽ giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường và không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030.
Trên cả nước, nhiều đơn vị lữ hành cũng đã hưởng ứng xu hướng du lịch xanh - bền vững bằng một số “tour xanh” như: tour thám hiểm hang động tại Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình); tour khám phá chùm đảo hoang sơ “tứ Bình” tại Khánh Hòa; tour xem rùa đẻ trứng ở Hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo), tour du lịch dọn sạch bãi biển tại Vân Đồn (Quảng Ninh), tour du lịch canh nông ở Trà Vinh, tour du lịch “tắm rừng” tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai...
“Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” và “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” đều coi phát triển du lịch xanh đồng nghĩa với phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững.
Vì thế để chạm đến du lịch “Net Zero” cần đến sự chung tay của các cơ quan quản lý, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp du lịch, cộng đồng dân cư và cả du khách trong thời gian tới.
Hiện trước mắt chúng ta đang sở hữu khá nhiều mô hình sản phẩm du lịch là điểm nhấn của từng địa phương, gắn với nét văn hóa trong đời sống của người dân trên địa bàn. Nhiều điểm đến đã phát triển được các sản phẩm du lịch sinh thái, khám phá theo hướng du lịch xanh, đặt mục tiêu hiệu quả và bền vững, không chạy theo số lượng khách bằng mọi giá.
Từ nhiều năm nay, nhờ phát triển du lịch xanh nên Khu du lịch Pù Luông (Bá Thước, Thanh Hóa) luôn là cái tên “hot” trên bản đồ du lịch Việt Nam và cả thế giới trong suốt bốn mùa. Du khách đến đây, dù ở bất cứ mùa nào trong năm, đều có thể được trải nghiệm những điều thú vị, đó là ngắm những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn, với bầu không khí trong lành; được tham gia nhiều hoạt động đi bộ, leo núi, đi xe đạp...
Khi về đêm, trong không gian tĩnh mịch, giữa bốn bề cỏ cây hoa lá, người dân - du khách lại cùng nhau quây quần đầm ấm bên bếp lửa hồng thơm phức mùi khoai lùi, bắp nướng; quanh ché rượu cần, nghe tiếng cồng chiêng rộn rã, hòa cùng tiếng hát, tiếng reo hò... làm cho không khí thêm vui tươi, nhộn nhịp. Chính sự hội tụ của những nét văn hóa đặc trưng, môi trường trong lành, cảnh sắc độc đáo, người dân hiền hậu, chân chất, đã tạo nên một Pù Luông đắm say lòng người.
Các khu du lịch nằm giữa lòng với thiên nhiên cũng ngày càng được khai thác và thu hút được sự quan tâm. Chẳng hạn như sự xuất hiện của khu cắm trại Blue Diamond Camp (Bố Trạch, Quảng Bình) ẩn mình giữa đại ngàn của Di sản thiên nhiên thế giới - Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng hướng tới mục tiêu Net Zero, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo - pin mặt trời, tái sử dụng - tái chế để giảm thiểu sản xuất và xử lý rác, giảm tối đa chặt cây và bê tông hóa bằng cách xây dựng hạ tầng cơ sở lắp ghép, những lối đi trong rừng được thiết kế dạng cầu treo để tránh ảnh hưởng hệ sinh thái...
Không chỉ nỗ lực giảm thiểu phát thải tối đa, cơ sở này còn tính toán và bù đắp lượng khí thải nhà kính sinh ra do hoạt động kinh doanh bằng cách trồng cây giúp hấp thụ carbon dioxide khỏi không khí, tạo thêm bóng mát và môi trường sinh sống tự nhiên cho động vật hoang dã, hỗ trợ các dự án phục hồi rừng và quyên góp cho các tổ chức môi trường làm việc về các sáng kiến giảm nhẹ, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh những mô hình du lịch, chúng ta cũng đã chú trọng đến các sản phẩm du lịch xanh để biến sản phẩm xanh trở thành dòng chủ lưu, giúp định vị nên màu sắc riêng có của từng địa phương, từng thương hiệu.
Bà Nhữ Thị Ngần - Tổng Giám đốc Hanoi Tourism cho biết, khi nhận thấy các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh du lịch đều ý thức được giá trị của du lịch xanh trong kinh doanh bền vững, khi du khách bắt đầu sẵn sàng chi trả cao hơn cho các hành trình có chiều sâu, có trách nhiệm và có giá trị đóng góp cho môi trường hơn, đơn vị đã đồng hành cùng chính quyền và bà con ở nhiều địa phương để tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt, cao cấp và độc đáo riêng có, đồng thời đào tạo đội ngũ nhân sự về kiến thức và kỹ năng nhằm thuyết phục và hướng dẫn cho du khách trân trọng và vui vẻ đón nhận những giá trị bền vững trong dòng sản phẩm này.
Có thể thấy, trên con đường hướng đến du lịch Net Zero chúng ta đã và đang đi đúng hướng nhưng chưa có được những bước tiến nhanh. Vì vậy vẫn cần có những chính sách cụ thể được thực thi vào đời sống để thúc đẩy sự phát triển của du lịch xanh.
TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL): Du lịch cần tính đến bài toán “xanh hóa” và “bền vững hóa”
Hiện nay, việc phát triển du lịch xanh tại Việt Nam đã bắt đầu được triển khai ở một số tỉnh, thành phố, tuy nhiên trong quá trình triển khai còn gặp phải những tồn tại, bất cập như: khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch ở một số địa phương còn diễn ra tự phát, thiếu hợp lý, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên và môi trường... Chưa kể, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch vẫn lệ thuộc và chủ yếu sử dụng năng lượng, nhiên liệu hóa thạch. Tại một số địa phương, nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đặc biệt là các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống chưa có biện pháp tích cực để xử lý rác thải, nước thải, tái chế, tái sử dụng. Ở góc độ du khách, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận khách du lịch, cộng đồng dân cư ở các khu, điểm du lịch chưa cao...
Để du lịch Việt Nam phát triển theo hướng tăng trưởng xanh cần phải tôn trọng và bảo vệ tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa, dựa trên tính nguyên sơ, nguyên bản của các giá trị cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa dân tộc. Cần phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp-nông thôn, du lịch khám phá trải nghiệm các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng-chăm sóc sức khỏe. Các địa phương và doanh nghiệp trong quá trình phát triển và kinh doanh du lịch cần tính đến bài toán “xanh hóa” và “bền vững hóa” các hoạt động du lịch, trên cơ sở gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường.
Đặc biệt cần thiết phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định quản lý về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có trách nhiệm, đầu tư bền vững, đầu tư xanh để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh, thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh; tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh, sạch trong hoạt động kinh doanh du lịch, sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng…
Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam: Nâng cao nhận thức về phát triển du lịch xanh
Việc chuyển đổi xanh cần có thời gian và lộ trình cụ thể. Bởi nó không chỉ liên quan đến những người làm du lịch mà còn có người dân và nhiều đơn vị ban ngành khác. Hiện nay, địa phương nào mới phát triển du lịch muốn đưa du lịch xanh vào ngay từ đầu, người làm du lịch phải tiếp cận được những chủ trương, chính sách thì hành động mới dễ dàng và hiệu quả. Đối với các đơn vị đã từng làm rồi thì tìm nhiều cách để lan tỏa chuyển đổi xanh trong lĩnh vực du lịch.
Bên cạnh nâng cao nhận thức về phát triển du lịch xanh, cần rà soát lại các tiêu chí phát triển du lịch xanh của Việt Nam và ban hành bộ tiêu chí phù hợp với bối cảnh mới, trên cơ sở đó có hướng dẫn cụ thể để các địa phương áp dụng thống nhất, dễ dàng chi tiết hóa tiêu chí du lịch xanh phù hợp. Cần có thêm những chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển du lịch xanh, như: hỗ trợ chương trình đào tạo về du lịch xanh cho các đối tượng: hướng dẫn viên, chủ khách sạn, nhà hàng, nghệ nhân, cộng đồng địa phương làm du lịch; hỗ trợ hình thành các liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch với địa phương, cộng đồng nhằm phát triển, quản lý các hoạt động du lịch xanh; hỗ trợ quản lý luồng khách và khắc phục tính mùa vụ trong du lịch nhằm giảm quá tải điểm đến; thực hiện chiến lược truyền thông để chia sẻ thành công và thách thức; có chính sách thiết thực hơn nhằm tăng tín dụng du lịch xanh…
Những điều này sẽ góp phần tạo đà để du lịch Việt Nam có những bước đi bứt phá trên hành trình khẳng định thương hiệu là điểm đến xanh trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.