Sức khỏe

Hướng tới xây dựng chương trình sàng lọc ung thư phổi toàn diện

T.Hà 12/04/2025 08:10

Ung thư phổi là nguyên nhân tử vong do ung thư cao hàng đầu tại Việt Nam ở cả nam và nữ, chỉ sau ung thư gan và ung thư vú. Thông tin này được GS.TS Lê Văn Quảng - Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia chia sẻ tại Hội thảo “Sàng lọc ung thư phổi: Kinh nghiệm quốc tế và định hướng tại Việt Nam”, do Viện Nghiên cứu Phòng chống Ung thư (Viện Ung thư Quốc gia) - Bệnh viện K phối hợp tổ chức ngày 11/4, tại Hà Nội.

Sàng lọc để phát hiện sớm

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính hình thành do sự biến đổi bất thường của các tế bào biểu mô phế nang, phế quản. Bệnh được chia thành 2 loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm 15%) và không tế bào nhỏ (chiếm 85%). Theo Globocan 2022 (Dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế), Việt Nam ghi nhận hơn 24.400 ca mắc mới và hơn 22.500 ca tử vong do ung thư phổi mỗi năm. Đa phần các bệnh nhân mắc ung thư phổi phát hiện ở giai đoạn muộn khiến cho công tác điều trị tốn kém, hiệu quả không cao, đặc biệt còn gây ra gánh nặng lớn cho kinh tế xã hội với chi phí tốn kém.

anh thay
Nếu được phát hiện sớm, người mắc ung thư phổi có nhiều cơ hội điều trị thành công. Ảnh: M.H

GS Lê Văn Quảng cho biết, hiện nay, với những tiến bộ của khoa học công nghệ việc điều trị ung thư đa mô thức, phối hợp nhiều biện pháp với nhau. Với các bệnh nhân mắc ung thư phổi nếu được phát hiện sớm, cơ hội điều trị thành công có thể tăng lên gấp nhiều lần, từ đó làm giảm nguy cơ tử vong và tiết kiệm được chi phí điều trị.

“Trong điều trị bệnh ung thư phổi, mỗi quốc gia có một chiến lược ưu tiên khác nhau. Đây là bệnh có tỷ lệ người mắc cao và trong công tác điều trị có nhiều tiến bộ vượt bậc để bệnh nhân được chữa khỏi khi phát hiện sớm. Vì vậy, việc xây dựng chương trình sàng lọc và hệ thống quản lý bệnh hiệu quả là nội dung cấp thiết” - GS.TS Lê Văn Quảng nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm thành công tại các quốc gia tiên tiến. GS Kim Yeol - Trung tâm Ung thư Quốc gia Hàn Quốc trình bày kinh nghiệm triển khai chương trình sàng lọc quy mô toàn quốc, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của kiểm soát chất lượng và kết nối dữ liệu từ ghi nhận đến điều trị. “Ung thư phổi được xem như là sát thủ hàng đầu trong các loại ung thư. Ở Hàn Quốc, có 23% người mắc ung thư phổi phát hiện ở giai đoạn sớm và được chữa khỏi tới hơn 80%. Hiện nay, trong việc phát hiện sớm bệnh ung thư phổi, chụp X-quang ngực không phát hiện được triệt để, tuy nhiên, chụp CT liều thấp phát hiện hiệu quả trong việc tầm soát các nốt nhỏ tổn thương phổi lành tính hay ung thư phổi” - GS Kim Yeol chia sẻ.

Khởi động nghiên cứu về ghi nhận ung thư phổi

PGS.TS Đỗ Hùng Kiên - Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, hiện tại có nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư phổi từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn. Tại Bệnh viện K mỗi năm có khoảng 12.000 lượt khám liên quan đến bệnh lý u phổi và điều trị cho khoảng 3.200 ca mắc mới. Đáng lưu ý khi có tới 75% bệnh nhân mắc ung thư phổi đến khám ở giai đoạn muộn, vì vậy tạo nên gánh nặng điều trị. Với bệnh nhân giai đoạn sớm điều trị tiêu chuẩn tại Việt Nam là phẫu thuật sau đó bổ trợ với điều trị đích hoặc miễn dịch. Vấn đề cốt lõi để cải thiện sống còn vẫn là sàng lọc phát hiện sớm.

Theo vị chuyên gia này, điều trị ung thư phổi là điều trị đa mô thức. Hiện tại có nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư phổi từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn. Với bệnh nhân giai đoạn sớm, điều trị tiêu chuẩn tại Việt Nam là phẫu thuật sau đó bổ trợ với điều trị đích hoặc miễn dịch. Vấn đề cốt lõi để cải thiện sống còn vẫn là sàng lọc phát hiện sớm (CT liều thấp). Tuy nhiên, cần có những chính sách hỗ trợ từ bảo hiểm y tế để tăng khả năng tiếp cận liệu pháp mới và sàng lọc chẩn đoán sớm cho bệnh nhân ung thư phổi để kéo dài sự sống; đồng thời giảm giá thuốc để tăng khả năng tiếp cận với các liệu pháp điều trị mới cho người bệnh.

PGS.TS Đỗ Hùng Kiên kiến nghị trong điều trị bệnh nhân mắc ung thư phổi cần có những chính sách hỗ trợ từ bảo hiểm y tế tăng khả năng tiếp cận liệu pháp mới và sàng lọc chẩn đoán sớm cho bệnh nhân ung thư phổi tại Việt Nam để kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân. Bên cạnh đó là việc giảm giá thuốc để bệnh nhân tăng khả năng tiếp cận với các liệu pháp điều trị mới.

TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định xây dựng chương trình sàng lọc ung thư phổi quốc gia là hướng đi chiến lược nhằm giảm gánh nặng bệnh tật. Thành công đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở y tế, đồng bộ hóa chuyên môn, kiểm soát chất lượng và khai thác hiệu quả dữ liệu ghi nhận ung thư để nâng cao hiệu quả sàng lọc và phát hiện sớm bệnh.

Hội thảo cũng đánh dấu cột mốc quan trọng khi chính thức công bố khởi động nghiên cứu “Ghi nhận ung thư phổi: Đặc điểm chẩn đoán, điều trị và sống thêm của người bệnh tại Việt Nam giai đoạn 2025-2030” do GS.TS Lê Văn Quảng và PGS.TS Trần Thị Thanh Hương đồng chủ nhiệm. Nghiên cứu với sự tham gia của 8 bệnh viện trên cả nước, bao gồm: Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cùng với sự hỗ trợ từ AstraZeneca Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng tới xây dựng chương trình sàng lọc ung thư phổi toàn diện