Việc chuyển đổi các khu công nghiệp (KCN) theo hướng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường đã và đang thu hút các dòng vốn đầu tư vào công nghệ cao, chuyên sâu, với năng lực sản xuất cao. Tuy nhiên, việc thu hút xúc tiến đầu tư vốn FDI của các KCN hiện nay vẫn còn mang tính cục bộ, lẻ tẻ...
Theo Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), tính đến hết tháng 7/2024, cả nước có 431 KCN, khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích khoảng 132.300ha, tạo ra quỹ đất công nghiệp khoảng 89.900ha. Trong đó có hơn 300 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cũng theo Bộ KHĐT, tại một số địa phương, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp trong KCN, khu kinh tế so với tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn chiếm tới trên 20%, một số địa bàn có khu kinh tế ven biển, tỷ lệ này đạt trên 60% (Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Long An). Những năm gần đây, mỗi năm, vốn FDI trong KCN, khu kinh tế chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Vốn đầu tư thực hiện trong KCN, khu kinh tế đạt khoảng 221,3 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, khu kinh tế khoảng 9,3 tỷ USD và vốn đầu tư của các dự án đầu tư trong KCN, khu kinh tế là 212 tỷ USD.
Nhìn nhận về thực trạng trên, ông Huỳnh Tiến Dũng - Giám đốc Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững - Tổ chức IDH (Hà Lan) cho biết, các KCN tại Việt Nam đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước. Vậy nhưng IDH nhận thấy trong quá trình làm việc với các KCN ở Việt Nam còn thiếu diễn đàn để các KCN có thể cùng với nhau chia sẻ thông tin, cũng như những vướng mắc, đề xuất các ý kiến, kiến nghị góp phần phát triển các KCN theo hướng thông minh và bền vững.
Còn theo nhận định của ông Nguyễn Đồng Trung - Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao), Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ từ việc thu hút các dự án sản xuất truyền thống, phát huy lợi thế chi phí lao động thấp, sang thu hút các dòng vốn đầu tư vào công nghệ cao, chuyên sâu, với năng lực sản xuất cao. Hiện công tác thu hút xúc tiến đầu tư vốn FDI của các KCN vẫn còn mang tính cục bộ, lẻ tẻ theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Vẫn theo ông Trung, 11 tháng của năm 2024, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 21,6 tỷ USD. Dự báo cuối năm 2024, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam sẽ cao hơn năm 2023, đạt kỷ lục mới trong giai đoạn 5 năm 2019-2024. Do đó, cần khai thác tốt nguồn lực này và chuyển hướng FDI vào các ngành có giá trị cao, phát triển xanh.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Kim Khánh - Tổng Giám đốc Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam (VIZ) cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, sự dịch chuyển về chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, các KCN của Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này để tăng cường xúc tiến thu hút các dòng vốn FDI chất lượng. Trong bối cảnh đó, cần sự hợp tác giữa các chủ đầu tư hạ tầng bất động sản công nghiệp, doanh nghiệp (DN) sản xuất, DN công nghiệp hỗ trợ và các tổ chức liên quan đang tạo nên một hệ sinh thái sản xuất công nghiệp - thương mại - dịch vụ khép kín và tương trợ lẫn nhau. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của các KCN Việt Nam.
Ông Nguyễn Chí Toàn - Phó chủ tịch Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam cho biết, trong bối cảnh mới việc thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs 2030), Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26)... việc chuyển đổi các KCN thông thường sang KCN xanh, KCN sinh thái là hướng phát triển tất yếu. Ông Toàn cho biết thêm, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích cho việc phát triển các khu công nghiệp xanh, các chính sách này hướng tới việc tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn, tạo động lực, khuyến khích DN áp dụng các công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.