Từ 20 năm trước đây, chính sách đã vạch rõ muốn nền kinh tế cất cánh môi trường kinh doanh phải bình đẳng minh bạch. Tuy nhiên, minh bạch hóa môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo sự bình đẳng cho các thành phần kinh tế đến nay vẫn là mục tiêu phấn đấu.
Kinh tế tư nhân là động lực phát triển nền kinh tế.
Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nền kinh tế nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, quy mô và tiềm lực được nâng lên, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau tăng hơn năm trước.
Tuy nhiên, đổi mới chưa đồng bộ và toàn diện, nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa thực hiện được.
Nền kinh tế nước ta chưa có sản phẩm công nghiệp gì đáng kể để xuất khẩu, vẫn là gia công, lắp ráp làm thuê và cho thuê mặt bằng. Tư duy chậm đổi mới, trì trệ vẫn còn đất để tồn tại, thậm chí có giai đoạn, có bộ phận còn thành kiến với kinh tế tư nhân. Các nước năng động, sáng tạo như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… đều hướng về kinh tế thị trường, gắn liền với một xã hội dân chủ phát triển ở trình độ cao và coi trọng khu vực tư nhân coi kinh tế tư nhân là trụ cột. Singapore có năng suất lao động hơn Việt Nam 15 lần, Hàn Quốc hơn ta 10 lần.
Là người giương cao ngọn cờ Đổi mới, Tổng Bí thư Trường Chinh đã nhìn ra rất sớm “lý luận đã đi sau cuộc sống”, ông rất chú ý đến khoảng cách của nhiều vấn đề lý luận với cuộc sống hiện thực không những không giảm mà ngày càng tăng lên. Ý kiến chỉ đạo của ông về công tác lý luận được nhiều người đồng tình: “Trong thực tế lại coi những điều các nhà kinh điển đã nói là những đỉnh cao của trí tuệ không thể vượt qua, là học thuyết hoàn chỉnh chỉ còn là sự vận dụng chân lý có sẵn, không soi lý luận vào cuộc sống mà lại bắt cuộc sống phải khuôn theo lý luận. Vẫn có những người lãnh đạo tự cho mình có quyền phán quyết những đúng, sai trong lý luận khoa học, có quyền quy kết lập trường chính trị, ý thức tư tưởng của những người làm công tác lý luận một cách sai lệch. Tiêu chí để đánh giá nội dung các quan điểm lý luận là ý kiến của những người có chức, có quyền”. (Trường Chinh với hành trình đổi mới tư duy – Trần Nhâm – Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – 2005 – Trang 37).
Theo ông Trường Chinh, thế giới đang thay đổi rất nhanh, không thể chỉ tìm mọi lời giải đáp chủ yếu trong sách vở, tại trường lớp. Luận điểm khoa học chỉ có thể bị bác bỏ bằng luận điểm khoa học hoặc bằng sự bác bỏ của thực tiễn. Lãnh đạo càng ở bên trên càng phải bám cơ sở, gần dân, tin dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Đổi mới 30 năm là chặng đường cách mạng vẻ vang và đầy thách thức, chúng ta càng hiểu sâu xa tại sao trong Di chúc, sau kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, Bác Hồ lại gọi “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi” là “cuộc chiến đấu khổng lồ”.
Để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, ba lần Bác căn dặn phải “Dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. Toàn dân có nghĩa trong chiến tranh cũng như trong hòa bình xây dựng, các giai cấp đều sát cánh đoàn kết trong Mặt trận, càng tiến lên chủ nghĩa xã hội càng đoàn kết muôn người như một, không bỏ sót ai.
Tổng kết 30 năm Đổi mới đã kết thúc tại Đại hội Đảng lần thứ XII. Từ những thành công và thất bại đã rút ra một số bài học vô cùng quý giá cho những năm tới, chắc chắn đổi mới toàn diện mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, triệt để hơn theo hướng tận dụng sức dân, tin dân và nghe dân, huy động tối đa sức dân làm kinh tế. Đảng đã khẳng định thực hiện đầy đủ thể chế kinh tế thị trường hiện đại hiệu quả, huy động nguồn lực của 92 triệu người dân trong nước và 4,5 triệu người dân định cư ở nước ngoài để hiện đại hóa nền kinh tế, không ngừng nâng cao sức cạnh tranh chắc chắn ngày càng khốc liệt vì Việt Nam đang hội nhập với mức độ cam kết rất cao đòi hỏi hết sức khắt khe về tiêu chuẩn thể chế với những ràng buộc thể chế của thế giới ở trình độ cao nhất. Chuyển từ một Nhà nước sản xuất sang Nhà nước kiến tạo và quản lý. Chính phủ cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân nhập cuộc và hình thành một khu vực kinh tế tư nhân năng động mà Nhà nước coi là mục tiêu quan trọng thời gian tới.
Điều quan trọng nhất đối với dân tộc ta lúc này là sau thành công của Đại hội Đảng lần thứ XII, “Nói và làm đi đôi” – “Đã nói phải làm” như nhắc nhở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Lễ bế mạc Đại hội. Ba mươi năm đổi mới, một số chủ trương, chính sách còn bất cập, chậm đi vào cuộc sống. Nhiều tồn tại cũ chậm được khắc phục…như Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII đánh giá “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới”.
Ngay từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI cuối năm 1986 bắt đầu Đổi mới, Đảng đã có quyết định sáng suốt: “Phải tách chức năng quản lý hành chính nhà nước các cấp ra khỏi chức năng quản lý sản xuất, kinh doanh” nhưng suốt 30 năm đổi mới không sao tách được vì “vừa đá bóng vừa thổi còi” đã mang lại nhiều lợi ích cá nhân, cục bộ, nhiều bộ ngành và chính quyền địa phương vẫn tìm mọi cách duy trì.
Từ Đại hội Đảng IX, Đảng đã đánh giá kinh tế tư nhân là động lực phát triển nền kinh tế nhưng cho đến cuối Đại hội Đảng XI hầu hết doanh nghiệp tư nhân vẫn nhỏ và siêu nhỏ, vốn liếng rất thiếu, sức cạnh tranh yếu. Cũng từ 20 năm trước đây, chính sách đã vạch rõ muốn nền kinh tế cất cánh môi trường kinh doanh phải bình đẳng minh bạch. Tuy nhiên, minh bạch hóa môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo sự bình đẳng cho các thành phần kinh tế đến nay vẫn là mục tiêu phấn đấu.