Trước ảnh hưởng của bão, lũ nhằm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa, lũ, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã ban hành 13 văn bản chỉ đạo. Lãnh đạo huyện, thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo các xã, thị trấn di dời người và tài sản từ nơi có nguy cơ ngập, úng, sạt lở đất đến nơi an toàn, bảo đảm đời sống nhân dân...
Ứng trực thường xuyên tại các tuyến đê xung yếu
Theo thống kê đến ngày 12/9, bão lũ xảy ra trên địa huyện làm 2.598ha lúa, 385,9 ha hoa màu bị đổ, ngập; 25.259 cây ăn quả và 7.247 cây bóng mát, cây lấy gỗ bị đổ, gãy; 89 chuồng trại chăn nuôi và 75 ngôi nhà cấp 4 bị đổ, sập, tốc mái; 3 trường học tại xã Hương Sơn bị ngập; 4 trường học ở xã Hương Sơn, Phùng Xá, An Phú phải cho học sinh nghỉ học để bảo an toàn… Bên cạnh đó, 695 hộ dân sinh sống ở vùng trũng, ven sông, ngoài đê bị nước tràn vào nhà; 324 hộ dân trong vùng thấp trũng bị ngập nhà ở phải di dời đến nơi an toàn.
Nhằm phòng, ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ huyện đã huy động Các xã, thị trấn đã huy động hơn 3.760 người, 33 ô tô các loại, 13 máy xúc, 2 cưa máy, 20 thuyền, hơn 1.720 m3 cát và 590 m3 đất, 40.500 bao tải… khắc phục các sự cố đê Mỹ Hà đoạn xã Hương Sơn, An Phú, An Tiến; chống tràn trên các tuyến đê, các trạm bơm; cắt tỉa cây xanh bị đổ, gãy trên các tuyến đường giao thông; khắc phục sự cố do bão gây ra tại các trạm bơm: Phù Lưu Tế, Xuy Xá, Đại Nghĩa, Phúc Lâm… Các đơn vị công an, quân đội huy động 135 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ nhân dân xã An Phú thu hoạch hơn 40 ha lúa mùa; 700 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ nhân dân xã An Phú đắp đê Đồng Chiêm…
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Mỹ Đức, do ảnh hưởng của bão, lũ nên nước các sông hồ trên địa bàn huyện dâng cao. Thống kê cho thấy, có 1.549 hộ dân trên địa bàn huyện bị nước tràn vào nhà. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Mỹ Đức đã huy động các lực lượng thực hiện di dời 986 hộ dân trong vùng trũng, nhà bị ngập đến nơi an toàn. Trong đó, khoảng 600 hộ, với 2.500 khẩu tại xã An Phú bị ngập úng.
Ngoài ra, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã huy động trên 5.300 người, 20 thuyền, khoảng trên 1.900 m3 cát... để khắc phục các sự cố do mưa, bão gây ra. Ví như đắp bao tải đất, cát để chống tràn trên các tuyến đê, thu hoạch lúa mùa cho nhân dân.
Tại sông Mỹ Hà, mực nước đã trên mức báo động II, có nguy cơ tràn cao. Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo các đơn vị, các xã có đê đã huy động nhân lực, lực lượng đắp bảo tải đất, cát chống tràn trên 4 km đê. Hiện, các cơ quan chức năng huyện đang tiếp tục theo dõi, chống tràn, chưa có điểm bị tràn nước qua đê.
Trước đó, sáng 12/9, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó lũ lụt, khắc phục hậu quả thiên tai tại xã Hương Sơn. Ông Đặng Văn Triều đề nghị các lực lượng tại cơ sở cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt sát tình hình, bố trí lực lượng ứng trực thường xuyên. Quá trình thực hiện nhiệm vụ phải bảo đảm tuyệt đối an toàn về người; cử người canh gác, theo dõi sát mực nước để tham mưu phương án kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra...
Đảm bảo ổn định đời sống người dân
Với quan điểm giảm thiệt hại ở mức thấp nhất sau cơn bão số 3, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Anh Dũng cho biết đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung khắc phục thiệt hại sau bão, hỗ trợ nhân dân ổn định sinh hoạt và sản xuất. Sớm triển khai thống kê, tổng hợp, đánh giá thực chất, chính xác mức độ thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, nghiên cứu đề xuất cơ chế hỗ trợ phục hồi sản xuất và giảm bớt thiệt hại cho nhân dân; huy động các lực lượng, các ngành, đoàn thể hỗ trợ nhân dân ra đồng dựng lúa bị đổ, thu hoạch những diện tích lúa đã chín, khơi thông hệ thống thủy lợi phục vụ tiêu thoát nước càng nhanh càng tốt, hạn chế tới mức thấp nhất diện tích lúa bị hư hại do đổ và ngập nước.
Trong thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện tiếp tục kiểm tra và chỉ đạo kịp thời để đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất của Nhân dân; tiếp tục chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng ứng phó kịp thời tại chỗ với các diễn biến khi có sự cố xảy ra.
Cùng với đó các xã, thị trấn cần đảm bảo ứng trực 24/24, theo dõi diễn biến của thời tiết để kịp thời chỉ đạo; kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất và đảm bảo đời sống của Nhân dân sau mưa, bão.
Công tác phòng, chống dịch bệnh và công tác phòng chống sạt lở, mưa, lũ rừng ngang... và các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thành phố cần được theo dõi sát sao, triển khai kịp thời; theo dõi, di dời các hộ dân ngập, có nguy cơ ngập đến nơi an toàn; rà soát, tổng họp, báo cáo thiệt hại do mưa, bão, lũ gây ra trên địa bàn huyện.
Với tinh thần đùm bọc, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong gian khó, người dân xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức đã gửi thuyền hỗ trợ huyện Gia Lâm để phục vụ người dân trong vùng lũ. Được biết, hiện hơn 200 chiếc thuyền của Mỹ Đức đang tham gia hỗ trợ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và TP Hà Nội.