Hàng loạt các cuộc đàm phán căng thẳng của giới lãnh đạo EU đã diễn ra trong tuần qua liên quan tới cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp - trước đợt trả nợ vào tháng 7 tới của họ - một lần nữa mang nỗi ám ảnh về việc nước này phải rời khỏi EU.
Lực lượng cứu hỏa tổ chức biểu tình phản đối thắt lưng buộc bụng
trước tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Athens, Hy Lạp. (Nguồn: AFP).
Nỗi ám ảnh quay trở lại
Dù sức ép này có khả năng được giải tỏa phần nào nếu như một thỏa thuận cho phép Hy Lạp làm đúng các cam kết của họ được các Bộ trưởng Tài chính khối đồng tiền chung Eurozone nhất trí trong cuộc gặp tổ chức ngày mai (20/2), sự việc vẫn sẽ mở ra một chương mới trong loạt thảm kịch mà EU đang phải hứng chịu.
Cuộc họp này được tổ chức bắt nguồn từ một báo cáo mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra mới đây, trong đó chỉ ra rằng khối nợ công của Hy Lạp sẽ tăng lên nhanh chóng sau năm 2030 do khó hoàn được khoản nợ có tỷ lệ lãi suất cao. Khoản nợ này có thể lên tới 275% GDP của Hy Lạp trong năm 2060 - tức gấp 3 lần giá trị nền kinh tế nước này - trong khi hiện nay đã ở mức ghê gớm là 177% GDP.
IMF còn cho rằng khoản nợ này cần phải được cơ cấu lại và cần giảm bớt để giúp nó bền vững hơn, bằng không họ sẽ không tham gia vào việc cấp thêm khoản tiền cứu trợ mới cho Hy Lạp. Chính phủ Hy Lạp lập tức nhất trí với đề nghị của IMF, nói rằng cần phải tái cơ cấu khoản nợ và cả giảm nợ, nhưng điều này lại bị giới lãnh đạo EU phản đối.
Hy Lạp đã phải hứng chịu nhiều năm các biện pháp thắt lưng buộc bụng trong khối Eurozone, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế và cuộc sống của người dân nước này.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp hiện ở mức 23% và ở trên mức 20% trong suốt 6 năm qua. Gần một nửa dân số dưới 24 tuổi ở Hy Lạp hiện không có công ăn việc làm, các khoản lương hưu thì quá ít ỏi. Trong khi đó, chính phủ Hy Lạp đã bán tháo khối tài sản công trị giá hàng chục tỷ Euro như một phần trong gói cứu trợ gần đây nhất của mình.
Một quốc gia ở trong tình cảnh này, thường phải hạ giá trị đồng tiền của họ. Điều này, cùng với việc thúc đẩy xuất khẩu, sẽ giúp cho các khoản nợ của họ giảm đi đáng kể, và từ đó quản lý dễ hơn. Hy Lạp hoàn toàn có thể làm điều đó nếu như họ có đồng tiền riêng của mình, hay chuyển đổi nó sang đồng Drachma.
Nhưng trong lúc còn thuộc khối Eurozone, Hy Lạp không thể hạ thấp giá trị tiền tệ, hay phá sản, bởi đồng tiền mà họ đang sử dụng rõ ràng là Euro. Bởi vậy, lựa chọn duy nhất của họ chính là phải tạo ra thặng dư lớn bằng cách tăng các loại thuế suất, cắt giảm chi tiêu… Điều này càng gây tổn hại tới đà tăng trưởng kinh tế.
Lượng thặng dư mà Hy Lạp phải đạt được để giải quyết gói nợ khổng lồ theo cách này sẽ là cực kỳ lớn, đến nỗi họ khó có thể đạt được chứ chưa nói đến việc cứ tiếp tục duy trì dài kỳ như hiện nay. Và vấn đề chính lại nằm ở đồng tiền chung Euro.
Giới lãnh đạo EU - như Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble - cho rằng việc giảm nợ cho Hy Lạp là điều không thể, theo quy định của Hiệp ước Lisbon. Nhưng pháp lý không phải căn nguyên của vấn đề này, mà ở chỗ Chính phủ Đức không thể giảm một phần nợ trong số nhiều tỷ Euro mà họ đã đổ vào Hy Lạp để tránh cho nước này khỏi vỡ nợ. Nguyên nhân là chỉ còn vài tháng là đến kỳ bầu cử ở Đức mà các ngân hàng cũng như người trả thuế của nước này đều rất quan tâm khoản tiền Chính phủ cho Hy Lạp vay.
Món nợ lớn cần trả
Theo giới phân tích, khả năng Hy Lạp rời khỏi EU hiện nay là rất lớn bởi họ gần như không thể trả hết nợ công. Trong khi đó, việc Đức và nhiều nước chủ nợ khác tái cơ cấu khoản nợ và xóa một số khoản nợ cũng là điều không thể xảy ra.
Và cuối cùng, người dân Hy Lạp vốn đã trở thành những người khốn khổ trong mấy năm thắt lưng buộc bụng vừa qua, càng thấy rõ nguy cơ mà họ đang phải đối mặt trong thời gian sắp tới.
Trong tuần qua, nông dân từ khắp nơi trên đất nước Hy Lạp đã tới thủ đô Athens để tổ chức biểu tình trước toà nhà Quốc hội, nhằm phản đối việc tăng thuế và các khoản an sinh xã hội, cũng như việc giảm lương hưu trong khi hàng loạt các chi phí sản xuất tăng cao.
Cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh Hy Lạp đang chờ đợi các chủ nợ nước ngoài đồng ý cho một gói cứu trợ mới khi nền kinh tế chưa có dấu hiệu cải thiện. GDP của Hy Lạp trong 3 tháng cuối năm 2016 đã quay đầu giảm 0,4%.
Hiện tại, Hy Lạp đang đối mặt với nghĩa vụ thanh toán 7 tỷ Euro vào giữa tháng 7 tới, nhưng khó có thể thực hiện nếu không nhận được thêm tiền cứu trợ. Thế nhưng, khoản tiền cứu trợ mới lại chưa thể được giải ngân khi mà IMF đã đưa ra đánh giá tồi tệ như vậy.
Cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính Eurozone tổ chức ngày 20/2 được coi là thời hạn không chính thức cho việc đạt thỏa thuận giữa các bên, nhưng điều này được cho là khó khăn, khi các bên vẫn bất đồng sâu sắc.