Ngày 7/4, nhóm các nhà khoa học tại Đại học Cambridge (Anh) cho biết đã có những thành công bước đầu trong nỗ lực phát hiện thay đổi bên trong tế bào trước khi chúng biến thành khối u.
Bà Rebecca Fitzgerald - Giám đốc Viện Nghiên cứu ung thư sớm (ECI), Đại học Cambridge cho biết, mục tiêu chính của cuộc nghiên cứu là tìm cách giải quyết khối u trước khi chúng lộ rõ triệu chứng.
"Ung thư có thể âm thầm phát triển suốt nhiều năm, đôi khi là 1 hoặc 2 thập niên, trước khi tình trạng bệnh đột ngột xuất hiện ở bệnh nhân" - bà Rebecca nói và cho biết, khối u khi đó đã lan ra nhiều nơi ở cơ thể người bệnh khiến quá trình điều trị trở nên đặc biệt khó khăn. Vì thế, hướng đi tích cực là thay đổi cách tiếp cận để phát hiện sớm nguy cơ mắc ung thư dựa trên xét nghiệm quy mô lớn.
Theo trang The Guardian, ECI đang theo đuổi hướng tiếp cận mới dựa trên khoảng 200.000 mẫu máu xét nghiệm ban đầu được cung cấp để sàng lọc ung thư buồng trứng. Kết quả phân tích, các nhà khoa học đã phát hiện những thay đổi có thể giúp họ phân biệt nhóm bị chẩn đoán ung thư máu sau 10 năm hoặc thậm chí 20 năm kể từ ngày cung cấp mẫu, với nhóm không bị.
"Điều đó cho thấy chúng ta có nhiều cơ hội để can thiệp và đưa ra phương pháp điều trị giúp giảm nguy cơ mắc ung thư" - tiến sĩ Jamie Blundell của ECI giải thích. Còn theo tiến sĩ Harveer Dev - một chuyên gia khác của ECI, rất quan trọng là xác định nhóm có rủi ro mắc ung thư, trong đó có người đến từ các gia đình có khuynh hướng di truyền khối u. Từ đó tập trung tìm kiếm giải pháp giúp giảm nguy cơ mắc ung thư, cũng như bảo đảm các phương pháp điều trị được áp dụng rộng rãi.
Tới nay, dù đã có nhiều tiến bộ trong phát hiện và điều trị, nhưng ung thư vẫn là căn bệnh nan y. Tuy nhiên, thật kỳ diệu là cũng đã có một số trường hợp “chết đi, sống lại”.
Cuối tháng 3 vừa qua, các bác sĩ tại Trung tâm Ung thư St.Petersburg (Nga) đã thực hiện thành công 6 ca phẫu thuật, mỗi ca kéo dài không dưới 5 giờ, để loại bỏ 170 khối u di căn khỏi phổi của một nam bệnh nhân 37 tuổi. Bệnh nhân nhập viện với nhiều di căn ở phổi, hậu quả của bệnh ung thư xương mà anh mắc phải vào năm 2020.
Đây được coi là ca phẫu thuật lịch sử. Bác sĩ Yevgeny Levchenko - Trưởng khoa Ung thư lồng ngực Trung tâm Nghiên cứu Ung thư quốc gia Petrov của Nga cho biết, trên thế giới chưa từng ghi nhận trường hợp nào tương tự. Hiện một số bệnh viện lớn của Nga đã thực hiện được các ca phẫu thuật ung thư bằng phương pháp phản ứng hóa học cô lập, có thể cứu sống bệnh nhân ngay cả khi mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Phương pháp này đã giúp loại bỏ được những di căn nhỏ nhất của mô trong cơ thể người bệnh ung thư.
Một trường hợp khác cũng thật đáng kinh ngạc, được cho là “độc nhất vô nhị”. Đó là ông Paul Edmonds, 68 tuổi, người Mỹ, sau 5 năm được điều trị bằng tế bào gốc hiện đã không còn bất kỳ dấu vết nào của HIV lẫn ung thư máu.
Thông tin mới nhất công bố vào đầu tháng 4/2024 trên tạp chí y khoa uy tín Medicine (Anh), các bác sĩ ở Bệnh viện City of Hope tại bang California (Mỹ) cho biết, ông Edmonds đã chính thức khỏi bệnh ung thư, tuy nhiên vẫn cần thêm thời gian để được chính thức tuyên bố khỏi HIV. Trước đó, tháng 3/2021, ông Edmonds đã ngừng dùng thuốc điều trị HIV và được kiểm tra mỗi tuần một lần để đảm bảo virus không quay lại.
Hành trình điều trị của ông Edmonds bắt đầu khi ông bị chẩn đoán mắc bệnh AIDS vào năm 1988, thời điểm mà người mắc virus HIV thường bị xem là án tử. Đầu năm 2018, ông tiếp tục đón nhận tin dữ khi bị chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu nghiêm trọng.
Tháng 11/2018, ông Edmonds bắt đầu hóa trị. Sau đó 1 tháng, ông được ghép tế bào gốc từ người hiến tặng.
Nếu kết quả mỹ mãn, ông Edmonds sẽ trở thành người đi vào lịch sử y văn thế giới khi cùng lúc thoát khỏi cửa tử AIDS và ung thư.
Hãng Dược phẩm Pfizer (Mỹ) đang tập trung nhiều hơn vào thuốc điều trị ung thư trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, sau khi cổ phiếu công ty giảm hơn 40% trong năm 2023 do nhu cầu sụt giảm đối với các sản phẩm liên quan đến Covid-19. Để tăng cường khả năng nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa các phương pháp điều trị ung thư, mới đây Pfizer đã mua lại Công ty Công nghệ sinh học Seagen (trụ sở ở Mỹ) với giá 43 tỷ USD. Thương vụ này đã cải thiện khả năng cung ứng thuốc điều trị ung thư của Pfizer. Công ty này tin rằng họ có thể sản xuất ít nhất 8 loại thuốc "bom tấn" (có doanh số từ 1 tỷ USD trở lên) vào năm 2030. Theo ông Chris Boshoff - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ung thư của Pfizer, hãng có kế hoạch tăng tỷ lệ thuốc sinh học từ 6% hiện nay lên 65% vào năm 2030. Thuốc sinh học là các phương pháp điều trị dựa trên vaccine, tế bào gốc và liệu pháp gene.