Vướng mắc về bồi thường, bố trí tái định cư, trong khi cơ chế thu hút xã hội hóa thiếu hấp dẫn là những nguyên nhân chính khiến kế hoạch di dời hơn 6.500 nhà ven và trên kênh, rạch giai đoạn 2021-2025 của TPHCM đang rơi vào bế tắc.
Vướng mắc bủa vây
Tại dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm đi qua địa bàn các quận Bình Thạnh, Gò Vấp theo kế hoạch phải di dời gần 2.200 căn nhà với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.350 tỷ đồng. Thế nhưng, kể từ lúc chủ trương dự án cho đến nay, ngót nghét đã 20 năm, với nhiều phương án đầu tư được đưa ra bàn thảo nhưng dự án vẫn chưa tiến triển, trong khi hàng ngàn hộ dân vẫn chưa biết đi đâu về đâu. Lâu nay, hai bên con kênh ô nhiễm do rác thải tồn đọng đã khiến những căn nhà trên và ven kênh rạch cũng gần như mục nát, xuống cấp trầm trọng, còn người dân sống cảnh tạm bợ đã qua hai thế hệ.
Không chỉ tại dự án Rạch Xuyên Tâm, dự án cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) cũng đang rơi vào bế tắc với những lý do tương tự. Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, dự án cải tạo kênh Hy Vọng được thực hiện từ năm 2015 nhưng đến năm 2016 tài trợ dự án của Ngân hàng thế giới không thực hiện được nữa đã khiến dự án bị ảnh hưởng.
Dự án này bắt đầu từ sân bay Tân Sơn Nhất qua khu vực các quận Gò Vấp, quận 12 có vai trò rất quan trọng trong việc thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất vào mùa mưa. Tuy vậy, do quá trình dự án ì ạch kéo dài đến nay cũng đã khiến tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn dòng chảy, kèm theo những bức xúc của người dân.
“Chúng tôi đã kiến nghị qua nhiều hội nghị tiếp xúc cử tri, chỉ riêng trên địa bàn phường 15, quận Tân Bình hiện có 3 tuyến kênh chính là Tham Lương, Tân Trụ và Hy Vọng. Trong đó, kênh Hy Vọng bị ô nhiễm nặng, là điểm nóng về môi trường của thành phố nhưng người dân không hiểu vì sao nhiều năm qua chưa thể giải quyết được dứt điểm”- ông Nguyễn Khắc Tô (63 tuổi, ngụ phường 15, quận Tân Bình) bức xúc nói.
Ngay tại trung tâm TPHCM, rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) được dự kiến tổng mức đầu tư gần 3.700 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, trong đó riêng chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là hơn 3.000 tỷ đồng (chưa kể chi phí xây dựng). Dù dự án chỉ cải tạo một đoạn có chiều dài khoảng 2km nằm gọn trong một số phường của quận Bình Thạnh, với khoảng 900 căn nhà bị ảnh hưởng (700 căn giải tỏa toàn phần) nhưng cũng giống như số phận của hai dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm và kênh Hy Vọng, đến nay dự án rạch Xuyên Tâm vẫn không triển khai được do UBND TPHCM chưa đủ kinh phí để bố trí.
Ba dự án cải tạo kênh rạch, di dời nhà trên và ven kênh rạch kể trên chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” khi TPHCM đang gặp vô vàn khó khăn, vướng mắc tại hàng chục dự án trên 22 địa bàn quận, huyện và TP Thủ Đức. Riêng giai đoạn trước mắt có lộ trình đến 2025, UBND TPHCM phải hoàn thành mục tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên, ven kênh rạch trong hạn hẹp của nguồn vốn ngân sách trị giá vào khoảng hơn 18.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, dù đích đến đã rất gần nhưng tiến độ di dời nhà ven và trên kênh, rạch của thành phố đến nay mới chỉ đạt 12,4% chỉ tiêu (2.479/20.000 căn được bồi thường và di dời). Bên cạnh đó, đa số các dự án cũng mới chỉ dừng lại ở công tác chuẩn bị đầu tư và đến nay chưa kêu gọi được xã hội hóa.
Tháo gỡ từng bước
Do thiếu vốn cộng thêm việc các vướng mắc về bồi thường, bố trí tái định cư, Sở Xây dựng TPHCM đã tham mưu UBND TPHCM tháo gỡ từng bước chương trình di dời nhà trên và vên kênh rạch. Đối với các dự án cải tạo kênh rạch, ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, để cải thiện việc chậm tiến độ như hiện nay thành phố phân làm hai nhóm dự án để ưu tiên tháo gỡ từng bước.
Theo đó, nhóm một là các kênh đang ô nhiễm nặng và người dân bức xúc kéo dài, gồm di dời nhà trên và ven các kênh Nhiêu Lộc, rạch Văn Thánh (Bình Thạnh) và kênh Hy Vọng (Tân Bình), với tổng số 3.220 căn và tổng kinh phí vào khoảng 12.500 tỷ đồng. Nhóm thứ hai là 14 dự án đã phê duyệt từ nhiệm kỳ trước, nhưng chưa triển khai, với dự kiến kinh phí vào khoảng 6.000 tỷ đồng. Dù vậy, cũng theo lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM, do các dự án kể trên chủ yếu vẫn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước nên triển khai chắc chắn rất khó khăn. Do đó, Sở đã đề xuất chính sách điều chỉnh hành lang an toàn kênh rạch theo hướng mở rộng và dùng quỹ đất này bán đấu giá để tạo nguồn vốn tái đầu tư dự án. Cho đến nay UBND TPHCM cũng đã chấp thuận cho đơn vị tư vấn của Bộ Xây dựng tham gia nghiên cứu cơ chế, chính sách này.
Song song với đề xuất trên, Sở Xây dựng TPHCM kiến nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư thành phố tham mưu UBND TPHCM ưu tiên đưa các dự án trên vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, các dự án có nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường, làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện cần ưu tiên bố trí vốn trước.
Ngoài ra, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng kiến nghị, khi thực hiện các dự án giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch, bố trí tái định cư cho người dân thì các quận, huyện cần lưu ý khâu giải phóng mặt bằng. Trong đó, tách các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng ra thành dự án độc lập. Khi đã có mặt bằng “sạch” thì UBND TP HCM hoàn toàn có thể thực hiện cơ chế đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư, đẩy nhanh được tiến độ các dự án.
Ngoài trách nhiệm của sở, ngành và chủ đầu tư từng dự án, theo nhiều chuyên gia, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cần là nòng cốt trong công tác giám sát, phản biện xã hội tại các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch đã kéo dài nhiều năm qua. Qua đó, giúp chính quyền tập trung giải quyết được những vướng mắc, tồn tại trong khả năng, quyền hạn, cơ chế của thành phố.
Giám sát dự án di dời nhà ven kênh, rạch
Tháng 8/2022, Thường trực HĐND - UBND và Ủy ban MTTQ TPHCM (nhiệm kỳ 2021 – 2026) đã ký kết quy chế phối hợp công tác, trong đó có nội dung giám sát, phản biện xã hội đối với chương trình di dời nhà trên và ven kênh rạch của TPHCM. Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM, ba cơ quan sẽ cùng phối hợp để xây dựng chương trình giám sát chặt chẽ, từ đó thúc đẩy tiến độ, đồng thời nhắc nhở, tránh những sai sót, tiêu cực…tại các dự án.