Tổng thống Iran hôm 3/7 cảnh báo các đối tác châu Âu rằng Tehran sẽ tăng mức độ làm giàu uranium lên “bất cứ mức nào mà chúng tôi muốn”, nhằm tăng sức ép để châu Âu đưa ra biện pháp giúp Iran né đòn trừng phạt mà Mỹ áp đặt.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (Nguồn: AP).
Tăng mức độ làm giàu
Phát ngôn mà Tổng thống Iran Hassan Rouhani đưa ra xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn ở mức cao liên quan tới Thỏa thuận hạt nhân mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi cách đây 1 năm. Trước đó, hôm đầu tuần này, Iran cũng chính thức vượt qua giới hạn về lượng uranium làm giàu cấp độ thấp được cho phép theo Thỏa thuận hạt nhân.
Việc tăng lượng uranium sở hữu và tăng cả mức độ làm giàu uranium sẽ khép lại viễn cảnh Iran phải cần 1 năm mới có thể sản xuất đủ chất liệu để chế tạo một trái bom nguyên tử - điều mà Thỏa thuận hạt nhân Iran ngăn chặn.
Hiện Mỹ đã điều hàng không mẫu hạm, các máy bay B-52 và chiến đấu cơ F-22 tới Trung Đông, và Iran mới đây đã bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ. Iran cũng vừa tổ chức lễ tưởng niệm vụ máy bay chở khách của họ bị hải quân Mỹ bắn hạ năm 1988, một sai lầm khiến 290 người thiệt mạng và là ký ức đau buồn nhắc nhở về sự tính toán sai lầm.
Phát biểu trong một cuộc họp Nội các tổ chức hôm 3/7 tại Tehran, Tổng thống Rouhani đánh tín hiệu rằng châu Âu vẫn chưa đưa ra được đề xuất giúp Iran giảm thiểu tác động từ các đòn cấm vận mà Mỹ áp đặt với họ. Thỏa thuận hạt nhân hiện tại đang cản trở Iran làm giàu uranium ở mức trên 3,67% - mức chỉ đủ để vận hành các nhà máy điện hạt nhân.
“Chúng tôi sẽ sớm vượt qua ngưỡng 3,67%, và tăng đến mức mà chúng tôi mong muốn” – ông Rouhani nói – “Lời khuyên của chúng tôi với châu Âu và nước Mỹ là trở lại bàn đàm phán. Hãy thấu hiểu và tôn trọng luật pháp, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ”.
Hiện phía châu Âu vẫn chưa đưa ra phản ứng chính thức trước tuyên bố sẽ phá vỡ mức giới hạn làm giàu uranium mà Tổng thống Rouhani đưa ra.
Trước đó, trong hôm thứ Ba tuần này, các siêu cường châu Âu đã đưa ra tuyên bố riêng rẽ để phản ứng trước việc Iran phá vỡ giới hạn lượng uranium làm giàu ở mức thấp mà nước này được phép sở hữu, kêu gọi Iran “đảo ngược bước đi này và tránh đưa thêm các hành động gây xói mòn Thỏa thuận hạt nhân”.
Theo Thỏa thuận hạt nhân, Iran chỉ được phép sở hữu dưới 300 kg uranium đã làm giàu ở mức dưới 3,67%. Cả Iran và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong hôm đầu tuần đều xác nhận rằng Tehran đã vượt qua mức giới hạn 300 kg.
Tưởng niệm nạn nhân vụ máy bay dân sự bị bắn hạ
Cũng trong hôm thứ Tư, thân nhân của những nạn nhân thiệt mạng trong vụ máy bay chở khách Iran bị bắn hạ năm 1988 đã đổ tới khu vực eo biển Hormuz để tham gia lễ tưởng niệm.
Vụ chuyến bay mang số hiệu 655 của Hãng Iran Air bị bắn hạ bởi hải quân Mỹ đến nay vẫn là một sự kiện mà Chính phủ Iran chỉ ra như hành động gây mất niềm tin của họ với nước Mỹ.
Vào rạng sáng ngày 3/7/1988, tàu USS Vincennes của Mỹ đã cử 1 máy bay trực thăng tới bay quanh các tàu cao tốc của Iran. Phía Iran đã khai hỏa nhằm vào máy bay trực thăng này và tàu Vincennes đã truy đuổi các tàu trên. USS Vincennes sau đó đã đi vào lãnh hải của Iran và bắn vào các tàu của Iran tại đây.
Sau đó, Tàu Vincennes đã tưởng nhầm chuyến bay 655 của Iran Air – vừa cất cánh từ Bandar Abbas, Iran để tới Dubai, UAE – là một phi cơ chiến đấu. Nó đã bắn nhiều tên lửa vào chiếc máy bay dân sự, khiến tất cả 290 người trên khoang thiệt mạng. Mỹ sau đó còn trao thưởng huân chương cho Thuyền trưởng tàu Vincennes, William C. Rogers, càng khiến Iran phẫn nộ.
Trong hôm thứ Tư vừa qua, kênh truyền hình nhà nước Iran đã chiếu cảnh nhiều người dân tham gia lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ máy bay bị bắn hạ ở gần eo biển Hormuz, trong khi lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) điều nhiều tàu cao tốc di chuyển xung quanh khu vực.