Ngày 6/10, truyền thông Trung Đông đưa tin Liên đoàn Arab (AL) đã lên tiếng kêu gọi đối thoại về những nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình ở Iraq trong suốt mấy ngày vừa qua. “Chúng tôi mong muốn chứng kiến Chính phủ Iraq tiến hành tất cả các biện pháp để làm dịu tình hình và khởi xướng cuộc đối thoại nghiêm túc và thực chất nhằm giải quyết những nguyên nhân dẫn đến biểu tình”- AL nêu rõ.
Biểu tình bạo động tại Thủ đô Baghdad, ngày 4/10. Ảnh: TTXVN.
Liên đoàn Arab đã bày tỏ “đặc biệt lo ngại” về tình hình bạo lực diễn ra ở Iraq mấy ngày qua, đặc biệt là tình hình “hỗn loạn đến mức không thể chấp nhận”. Cùng đó, AL không quên nhắc lại sự ủng hộ đối với Iraq “trong việc thực thi mọi biện pháp để chấm dứt tình trạng leo thang hiện nay và khôi phục hòa bình và an ninh “.
Các cuộc biểu tình nhằm phản đối điều kiện sống khó khăn và tình trạng tham nhũng đã làm rung chuyển thủ đô Baghdad và các tỉnh miền Nam của Iraq kể từ ngày 1/10. Theo một nguồn tin từ Bộ Y tế Iraq, tính đến nay đã có ít nhất 100 người thiệt mạng và gần 4.000 người bị thương trong các cuộc biểu tình biến thành bạo lực.
Trong ngày 6/10, truyền thông quốc tế vẫn tiếp tục đưa tin về tình hình “rối loạn” ở Iraq. Theo AFP, ngày 5/10, rất nhiều người biểu tình đã xuống đường gần Bộ Dầu mỏ Iraq trong khi có súng nổ ở trung tâm thủ đô Baghdad và lệnh giới nghiêm đã được dỡ bỏ vào ban ngày. Người biểu tình bạo động đã xung đột với cảnh sát tại khu vực giữa quảng trường Tahrir và vùng Xanh ở thủ đô Baghdad. Cho dù nhà chức trách đã mạnh tay với người biểu tình, thì các tuyến đường dẫn tới các quảng trường lớn vẫn bị phong tỏa.
Đây được coi là một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc của Iraq, đe dọa hòa bình đất nước này kể từ sau sự sụp đổ của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cách đây 2 năm. Cuộc biểu tình đã leo thang thành bạo loạn kể từ khi các tay súng tự vũ trang đeo mặt nạ xông vào 3 đài truyền hình ở Baghdad, đánh đập nhân viên và đập phá các thiết bị, sau đó bỏ trốn.
Sau đó, những người biểu tình Iraq phản đối Chính phủ đã tổ chức những cuộc tấn công nhằm vào Văn phòng Chính phủ và các cơ sở hạ tầng quan trọng ở thủ đô Baghdad bất chấp lời kêu gọi kiềm chế từ các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo. Riêng trong ngày 5/10, lực lượng an ninh đã bắn chết 19 người biểu tình và làm bị thương hơn 30 người khác. Trong khi đó, Ủy ban Nhân quyền của Iraq (được coi là có sự hậu thuẫn của Quốc hội) thông báo số người chết lên đến 94 người, kể từ ngày 1/10. Đại diện Ủy ban này cho biết, gần 4.000 người đã bị thương kể từ hôm 1/10, khi hầu hết người biểu tình trẻ tuổi xuống đường trong các cuộc biểu tình tự phát đòi Chính phủ giải quyết việc làm, cải thiện các dịch vụ cơ bản như điện, nước cũng như chấm dứt nạn tham nhũng.
Tình hình ngày một nghiêm trọng khiến giới lãnh đạo Iraq đã phải họp khẩn để thảo luận về những yêu cầu của người biểu tình.
Trong khi đó, Liên hợp quốc đã kêu gọi Chính phủ Iraq điều tra “kịp thời, độc lập và minh bạch” về việc hàng chục người đã thiệt mạng khi cảnh sát chống bạo động đã sử dụng vũ lực để giải tán người biểu tình. Lời kêu gọi của bà Marta Hurtado - Phát ngôn viên Cơ quan nhân quyền LHQ - được đưa ra trong bối cảnh những người biểu tình tiếp tục đụng độ với cảnh sát chống bạo động. Còn Giáo sĩ Shia Muqtada al-Sadr, người đứng đầu liên minh lớn nhất trong Quốc hội Iraq kêu gọi Chính phủ Thủ tướng Abdul-Mahdi từ chức và tổ chức các cuộc bầu cử sớm.
Tới thời điểm này, các cuộc biểu tình từ thủ đô Baghdad vẫn tiếp tục lan tới các thành phố phía Nam, trong đó có Nasiriyah, Amarah và Kut.
Ngày 6/10, trong khi đưa tin về tình hình bạo loạn, truyền thông quốc tế cũng đặt vấn đề: Quân đội Iran đang tập trung ở khu vực biên giới và liệu có khả năng họ sẽ tiến vào Baghdad? Câu hỏi này được đặt ra khi mà tham vọng của Iran ở Iraq đã có từ lâu. Trong khi mặc dù Mỹ coi Iraq là một quốc gia quan trọng về chiến lược nhưng không có ý định tham chiến nên sự hiện diện quân sự ở Iraq rất hạn chế; còn người Nga vẫn duy trì quan hệ tốt với Iran. “Và hầu hết các cường quốc khu vực, như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi đang bị vướng vào các mối quan tâm riêng nên cũng tránh đối đầu với Iran”- bình luận của CNN.