JPMorgan dự báo khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ sẽ kéo dài nhiều năm

06/04/2023 06:17

JPMorgan - ngân hàng đầu tư hàng đầu Phố Wall - cảnh báo cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ chưa thể kết thúc.

Trụ sở của “ông lớn” ngân hàng JPMorgan. Ảnh: AFP/TTXVN
Trụ sở của “ông lớn” ngân hàng JPMorgan. Ảnh: AFP/TTXVN.

Theo hãng RT, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon tin rằng tình trạng hỗn loạn trong ngành tài chính do sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) vẫn chưa kết thúc và sẽ còn kéo dài trong nhiều năm.

Trong lá thư thường niên gửi các cổ đông ngày 4/4, vị giám đốc này cho hay cuộc khủng hoảngngân hàng đã làm thay đổi đáng kể các kỳ vọng của thị trường, giá trái phiếu được phục hồi đáng kể, thị trường chứng khoán đi xuống và khả năng suy thoái của thị trường tăng lên.

Trong khi lưu ý rằng các sự kiện gần đây khác với những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, ông Dimon cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng hiện tại vẫn chưa kết thúc, và ngay cả khi nó được khắc phục thì những hậu quả của nó vẫn còn tồn tại nhiều năm nữa.

Theo người đứng đầu JPMorgan, cuộc khủng hoảng gần đây đã gây ra nhiều lo lắng trên thị trường, cũng như rõ ràng sẽ gây ra một số thắt chặt về điều kiện tài chính khi các ngân hàng và những người cho vay khác trở nên thận trọng hơn.

Vào đầu tháng 3, các đợt rút tiền gửi ồ ạt đã khiến SVB và Ngân hàng Signature phá sản trong vòng vài ngày. Trước diễn biến đó, ngân hàng thứ ba đứng trước bờ vực sụp đổ là First Republic đã nhanh chóng nhận được khoản giải cứu trị giá 30 tỷ USD từ các ngân hàng hàng đầu Phố Wall, trong đó có JPMorgan, dưới dạng tiền gửi.

Các nhà cho vay lớn đã vào cuộc trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại rằng First Republic có thể trở thành ngân hàng tiếp theo của Mỹ bị phá sản. Tình trạng hỗn loạn này sau đó đã lan sang châu Âu, nơi Credit Suisse rơi vào rắc rối và cuối cùng bị đối thủ UBS tiếp quản trong một thỏa thuận mua lại vội vàng do Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ làm trung gian.

Theo ông Dimon, mối áp lực đang đè nặng lên các ngân hàng cấp khu vực đã khiến các nhà đầu tư và nhà phân tích cho rằng những ngân hàng “quá lớn để sụp đổ” sẽ được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng.

Ông nói rằng JPMorgan muốn củng cố các ngân hàng nhỏ hơn vì lợi ích của toàn bộ hệ thống tài chính.

“Bất kỳ cuộc khủng hoảng nào làm tổn hại lòng tin của người dân Mỹ vào ngân hàng của họ đều gây tổn hại cho tất cả các ngân hàng - một thực tế đã được biết đến ngay cả trước cuộc khủng hoảng này. Mặc dù đúng là các ngân hàng lớn hơn 'được hưởng lợi' từ cuộc khủng hoảng ngân hàng này nhờ dòng tiền gửi mà họ nhận được từ các tổ chức nhỏ hơn, nhưng quan điểm cho rằng cuộc khủng hoảng này có lợi cho các ngân hàng lớn theo bất kỳ cách nào đều là vô lý”, Giám đốc JPMorgan nhấn mạnh.

Ông kêu gọi cần có nhiều quy định hơn trong lĩnh vực tài chính, đồng thời tuyên bố rằng giới hoạch định chính sách nên cảnh giác hơn về khả năng thúc đẩy một số dịch vụ tài chính cho các tổ chức phi ngân hàng và cái gọi là “ngân hàng ngầm”.

Ngày 29/3, hãng Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết sau vụ phá sản của SVB, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị công bố thêm một số kế hoạch nhằm củng cố năng lực giám sát ngân hàng của cơ quan chức năng.

Tổng thống Biden dự định sẽ thúc đẩy việc tái áp đặt cơ chế giám sát đối với những ngân hàng có tổng tài sản trong khoảng 100 - 250 tỷ USD, mà Quốc hội và Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) từng nới lỏng dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Các biện pháp này đang được xem xét và nhiều khả năng sẽ không dẫn đến sự thay đổi lớn trong luật hiện hành.

Theo các nhà phân tích, một loạt bước đi khác có thể bao gồm nâng yêu cầu về vốn ngân hàng, củng cố các biện pháp đánh giá sức chịu đựng và khả năng ứng phó trước các sự kiện bất thường có thể xảy ra, cũng như các kế hoạch giúp các ngân hàng có thể vượt qua an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    JPMorgan dự báo khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ sẽ kéo dài nhiều năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO