Do Luật chưa đủ sức răn đe nên còn tình trạng nhiều nhà thầu nhân bản danh sách nhân sự, nhân bản thiết bị máy móc và dễ dàng “qua mặt” các chủ đầu tư.
Thời gian qua, dư luận đã lên tiếng rất nhiều về đấu thầu công khai, mời thầu toàn quốc loạt công trình giá trị lớn nhưng xuất hiện tình trạng các nhà thầu “một mình một ngựa”.
Đáng báo động, công tác đánh giá hồ sơ dự thầu vẫn chưa thật sự nghiêm túc. Thậm chí, nhiều nhà thầu nhân bản danh sách nhân sự, nhân bản thiết bị máy móc vẫn dễ dàng “qua mặt” các chủ đầu tư.
Luật Đấu thầu chưa đi vào thực tiễn?
Thời gian gần đây thường xuyên xảy ra tình trạng gian lận sử dụng nhiều tài liệu giả mạo để đấu thầu và không ít nhà thầu đã trúng thầu nhờ các chiêu trò gian lận dễ dàng qua mắt tư vấn xét thầu và các chủ đầu tư.
Các tài liệu thường được làm giả như: bằng cấp, chứng chỉ, xác nhận giả có sự tiếp tay của các Ban quản lý, nó không chỉ hệ lụy đơn thuần mà nó làm mất đi tính chất cạnh tranh, làm thay đổi cục diện đánh giá xét thầu, dẫn đến gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Khoản 4 Điều 89 Luật đấu thầu quy định: Gian lận, bao gồm các hành vi sau đây:
a) Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào.
b) Cá nhân trực tiếp đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
c) Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Theo đó, trường hợp nhà thầu cung cấp thông tin không trung thực, vi phạm hành vi bị cấm theo quy định tại Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu thì nhà thầu sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm theo quy định tại Khoản 1 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Mặc dù Luật quy định rất rõ nhưng số lượng những vụ gian lận trong kê khai hồ sơ dự thầu vẫn ngày một gia tăng. Thời gian gần đây báo chí điểm mặt, chỉ tên rất nhiều doanh nghiệp nhưng không hiểu vì các chủ đầu tư không nắm được thông tin hay vì lý do nào khác mà các nhà thầu bị nêu đích danh vẫn trúng thầu liên tiếp.
Gần đây nhất là thông tin liên quan đến nhà thầu lớn trên địa bàn Phú Thọ, công ty TNHH Xây dựng Tự Lập. Nhà thầu này được đánh giá là nhà thầu quen của nhiều chủ đầu tư, trúng thầu liên tiếp với tỉ lệ tiết kiệm nhỏ, nhà thầu “siêu phàm” vì có lượng máy móc, nhân sự khổng lồ cung cấp cho hơn 30 dự án lớn đang triển khai đồng loạt.
Tuy nhiên cũng có thông tin tố nhà thầu Tự Lập không trung thực, nhân bản nhân sự và máy móc trong hồ sơ dự thầu.
"Nhân bản" nhân sự có bị coi là gian lận?
Theo luật sư Phạm Thanh Long cho biết, quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 có quy định nghiêm cấm hành vi gian lận trong đấu thầu như sau: Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Việc đăng ký nhân sự chủ chốt trùng lặp tham dự nhiều gói thầu cùng một lúc cũng có dấu hiệu vi phạm quy định trong lập hồ sơ dự thầu.
Nhiều nhà thầu cho rằng, cùng lúc thi công hơn 30 gói thầu dở dang rất khó để đảm bảo nhân sự và máy móc thiết bị. Câu hỏi đặt ra, liệu Tự Lập có để xảy ra tình trạng một chỉ huy trưởng, một cán bộ kỹ thuật cùng lúc được kê khai cho hàng chục gói thầu hay không?
Hiện tại nhà thầu Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập đang thi công những gói thầu khủng cùng thời điểm: Gói thầu XL01: Thi công xây dựng đoạn Km134+000 - Km154+000, nút giao Vĩnh Hảo và tuyến nối QL1 (bao gồm khảo sát, thiết kế BVTC) thuộc Ban QLDA 7 (với giá trị 1.687 tỷ đồng); Gói thầu số 14/XL-TB: Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình: Hồ chứa nước Ngòi Giành, tỉnh Phú Thọ thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Thọ(với giá trị 687,7 tỷ đồng); Thi công xây lắp công trình: Cải tạo, nâng cấp đường giao thông kết nối QL.32 với QL.70B của tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Hòa Bình (Đoạn Km10+200 đến cuối tuyến) thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khối Kinh tế huyện Thanh Thủy (với giá trị 580,2 tỷ đồng); Gói thầu số 01: Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình: Trường THPT chuyên Hùng Vương thuộc Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Phú Thọ (có giá trị 322,9 tỷ đồng); Gói thầu ST-CW-04: Thi công xây dựng Đê Biển + đê sông thuộc Ban quản lý dự án 2 tỉnh sóc trăng (có giá trị 279 tỷ đồng); Gói thầu số 12: Thi công xây dựng giai đoạn 2: Đường Nguyễn Tất Thành đoạn từ nút giao với đường Hùng Vương đến Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Phú Thọ(có giá trị 145,5 tỷ đồng)...
Tại Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Nhà thầu không được kê khai những nhân sự, máy móc thiết bị đã huy động cho gói thầu khác có thời gian làm việc trùng với thời gian thực hiện gói thầu này. Trường hợp kê khai không trung thực thì nhà thầu sẽ bị đánh giá là gian lận”.
Hành vi này cũng có dấu hiệu vi phạm một trong những điều cấm trong đấu thầu được quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 89 Luật Đấu thầu 2013. Có thể bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3-5 năm.