Nhằm tái hiện tác phẩm Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, Đoàn vũ kịch của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh vừa chính thức khởi công vở Ballet Kiều. Đây cũng là vở Ballet đầu tiên về Truyện Kiều được dàn dựng trên sân khấu. PV Báo Đại Đoàn kết đã có cuộc trao đổi với Biên đạo múa Tuyết Minh về tác phẩm đặc biệt này.
Biên đạo múa Tuyết Minh.
PV:Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du không chỉ hấp dẫn về cốt truyện, mà còn được xem là “Đại thành ngôn ngữ” của văn học dân tộc. Bằng ngôn ngữ Ballet, vở diễn sẽ kể cho khán giả những bối cảnh nào trong Truyện Kiều?
Biên đạo múa Tuyết Minh: Ballet Kiều sẽ không đi vào miêu tả lại 15 năm lưu lạc của nàng Kiều mà mong muốn triết hàm ý từ 3.254 câu thơ trác tuyệt của Đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung vở Ballet sẽ khắc họa lại hình ảnh 3 lần Kiều gặp hồn ma Đạm Tiên và diễn tiến của toàn bộ vở diễn được ước lệ xoay quanh 4 lần Kiều đánh đàn, bởi thanh âm của tiếng đàn không thể là thứ ngôn ngữ dối lừa của tâm trạng. Ở đó, tiếng đàn sẽ có lúc thì thầm, dìu dặt, mềm mại, tha thiết; khi lại thổn thức, rạo rực, đượm nồng, có trường đoạn thì gào thét, tang thương; để rồi tan chảy, nén chịu; và rồi khoan nhặt, thanh thoát đồng điệu với sự đa cảm mãnh liệt của trái tim khát khao đi tìm hạnh phúc của nàng Kiều nói riêng, người phụ nữ Việt Nam nói chung. Đây cũng là tiếng lòng của chính Đại Thi hào Nguyễn Du trước sự đời éo le, đen bạc và ngang trái của xã hội đương thời.
Truyện Kiều là tác phẩm thơ thể hiện nhiều khía cạnh trong cuộc sống, như sự nhân đạo, lòng hiếu thảo, tự do yêu đương, thiện ác, luật nhân quả … Ballet Kiều sẽ tập trung khai thác khía cạnh nào?
- Khi tôi bắt đầu triển khai dàn dựng Ballet Kiều, thì ngay từ tư duy tôi đã lọc những gì mà đặc trưng ngôn ngữ cơ thể sẽ thể hiện tốt nhất và những gì không phải là thế mạnh của nghệ thuật múa. Nhiều chuyên gia e dè với “Kiều” nhất là khi kiệt tác này đã quá đồ sộ về thi ca, kịch nói, múa rối... Thế nhưng các vở diễn sân khấu do đặc thù của từng bộ môn nghệ thuật mà không thể xa rời lời thoại, hoặc diễn xướng... Chính vì thế tôi tin là múa sẽ không làm khán giả thất vọng khi vẽ lên không gian đượm chất thơ, trữ tình. Hình tượng nhân vật Thúy Kiều, Đạm Tiên, Kim Trọng, Tú Bà, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, Sư Giác Duyên... sẽ thật điển hình mà lại hàm ý được tư tưởng của Nguyễn Du. Trong những mối quan hệ ấy với tất cả hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục sẽ giúp mỗi người xem suy ngẫm đến đời sống tinh thần và nắm giữ, trân trọng vận mệnh của mình ngay ở thời hiện tại.
Một cảnh trong vở Ballet Kiều.
Chị cùng các nghệ sĩ trong đoàn sẽ làm gì để một câu chuyện quá quen thuộc như Truyện Kiều có thể được hiểu dễ dàng bằng ngôn ngữ Ballet?
- Phong cách sáng tác của tôi và ekip là làm sao “thể hiện những thứ phức tạp nhất, quy chuẩn nhất theo cách diễn đạt giản dị, dễ cảm nhất”. Tôi tin là khán giả Việt từ giới trẻ cho tới những khán giả lớn tuổi, những người ngoài nghề và trong nghề đều sẽ hiểu và cảm được trước hết là tâm huyết và năng lượng tích cực mà chúng tôi trao truyền cho các nghệ sĩ trong vở diễn. Thậm chí đối với khán giả nước ngoài cũng sẽ có nhiều thứ để thưởng thức từ âm nhạc, phong cách múa, trang phục, văn hóa Á Đông với cách tư duy và chiều sâu tâm hồn riêng... Thông qua đó khán giả sẽ thấy đồng cảm vì chất nhân văn, tinh thần nhân đạo là cầu nối từ trái tim đến trái tim không phân biệt Âu, Á, không phân biệt màu da, tôn giáo như việc “Truyện Kiều” đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam.
Giá trị nghệ thuật của Ballet Kiều trong bối cảnh xã hội và nghệ thuật nước nhà hiện giờ?
- Về giá trị nghệ thuật, giá trị tinh thần và ý nghĩa văn hóa của vở Ballet Kiều với tôi và toàn thể ekip xin để dành cho những nhà quản lý nghệ thuật, những người làm nghề và khán giả khi thưởng thức vở diễn sẽ cảm nhận và đánh giá.
Trong thời gian còn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mỗi chúng ta đều có khoảng thời gian lắng lại, sống chậm hơn. Chúng ta đã nhận ra giá trị tinh thần lớn như thế nào, tôn trọng những giá trị văn hóa nền tảng làm nên nhân cách con người, sự đoàn kết, sự chia sẻ đã làm nên sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam vượt qua đại dịch. Cùng với đó chúng ta cũng nhìn lại tất cả những điều bất cập trong cuộc sống, trong công tác, trong các mối quan hệ giữa con người với con người, để chiêm nghiêm về luật nhân quả trên đời. Khi làm Kiều, tôi chợt bắt được “cái tứ” của Đại thi hào Nguyễn Du đó là sự trở về, trở về với “Chân Tâm” trong mỗi chúng ta… Thuận theo tự nhiên là con đường tìm đến hạnh phúc giản đơn trong hành trình trăm năm một cõi đi về mà không phải ai cũng sớm may mắn tìm được.
Trân trọng cảm ơn chị!
Vở Ballet Kiều (Chỉ đạo nội dung: Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam; Chỉ đạo nghệ thuật: NSND Chu Thúy Quỳnh, NSND Ứng Duy Thịnh; Biên đạo múa: Tuyết Minh - Phúc Hùng; Âm nhạc: Việt Anh - Chinh Ba; Biểu diễn: Đoàn vũ kịch của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh) sẽ chính thức được công diễn tại sân khấu Nhà hát Lớn TP Hồ Chí Minh vào tháng 6 và Nhà hát Lớn Hà Nội vào tháng 8/2020.