Kênh KT thuộc trạm bơm Văn Thai đoạn qua xã Cẩm Văn, Cẩm Vũ của huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) với chiều dài hơn 2.000 m có nhiệm vụ tưới tiêu nước cho hàng nghìn héc ta diện tích đất nông nghiệp đang bị sạt lở nghiêm trọng. Tuy nhiên do thiếu nguồn kinh phí nên việc sửa chữa tuyến kênh này đang gặp nhiều khó khăn.
Năm 2016, tỉnh Hải Dương đã đầu tư kinh phí làm kè lát mái 2 bên tuyến kênh KT với kết cấu xây dựng gồm: móng được cọc bê tông cốt thép, giữa 2 khe cọc là các tấm chắn bê tông cốt thép, dầm móng, dầm mái trên, dầm chia ô được đổ bằng bê tông đúc thép, mái kênh được lát bằng các tấm bê tông cốt thép với kích thước 0,5x0,5x0,07m. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, tuyến kênh này đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng.
Theo phản ánh của người dân địa phương, tình trạng kênh KT xuống cấp nghiêm trọng diễn ra khoảng 1 năm trở lại đây. Qua ghi nhận thực tế, hiện có khoảng hơn 20 điểm sạt lở, gãy dầm, sụt lún với tổng diện tích khoảng 1.000m2 và có thể tiếp tục xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp nước cho hàng nghìn héc ta đất nông nghiệp của huyện Cẩm Giàng, trong đó có việc bơm tưới tiêu cho hơn 148ha trồng cà rốt sắp đến mùa thu hoạch.
Đại diện Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện Cẩm Giàng, đơn vị trực tiếp quản lý tuyến kênh KT cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hư hỏng nghiêm trọng tại tuyến kênh này.
Theo đó, quá trình khai thác, sử dụng đã được 5 năm, kết cấu 2 bên mái kênh là đất pha cát, độ kết dính kém. Bên cạnh đó, bờ tả của kênh là đường sản xuất, người dân địa phương thâm canh hoa màu, bờ hữu tiếp giáp với đường tỉnh 394C nên lưu lượng ô tô vận chuyển nông sản, xe có trọng tải lớn thường xuyên qua lại dẫn đến rung chấn; nước mưa từ đường bê tông chảy xuống gây sạt trượt mái kênh.
Để khắc phục tình trạng trên, đơn vị quản lý kênh KT trạm bơm Văn Thai đã khảo sát sơ bộ để lên phương án khắc phục gồm: Tháo dỡ toàn bộ các điểm sạt trượt, đổ lại dầm, các tấm chắn đất, dầm chia khoang, các tấm lát bị hư hỏng, giằng đỉnh mái với kết cấu bằng bê tông cốt thép, đắp bù và đầm lèn đất mái các phần bị hư hỏng… Tổng kinh phí ước tính để sửa chữa tuyến đê này là khoảng 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này quá lớn và nằm ngoài khả năng đầu tư của đơn vị quản lý tuyến kênh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương cho biết, hiện tại đơn vị tạm khắc phục, sửa chữa hư hỏng tại tuyến kênh KT trạm bơm Văn Thai bằng nguồn vốn của công ty. Đơn vị sẽ báo cáo với các cấp, các ngành của tỉnh Hải Dương để bổ sung nguồn vốn, kịp thời sửa chữa bảo đảo hoạt động phục vụ sản xuất của trạm bơm Văn Thai.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Hoài Long - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương cho biết, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hải Dương sẽ chi khoảng 160 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công trung hạn trong lĩnh vực thủy lợi. Hiện nay, nhiều tuyến kênh trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn là kênh đất, một số tuyến kênh xuất hiện tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nên việc bố trí kinh phí để xây mới, cải tạo những tuyến kênh này cấp thiết hơn. Do vậy, việc sửa chữa các điểm hư hỏng của tuyến kênh KT trạm bơm Văn Thai chưa thể thực hiện ngay vì tỉnh chưa thể bố trí được kinh phí. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương sẽ nghiên cứu, xây dựng kế hoạch để đề xuất, tham mưu UBND tỉnh Hải Dương bố trí nguồn kinh phí sửa chữa cho tuyến kênh này.
Tuyến kênh KT trạm bơm Văn Thai là tuyến kênh quan trọng có nhiệm vụ tiêu nước cho hàng nghìn héc ta diện tích đất nông nghiệp của địa phương. Để đảm bảo việc tiêu nước hiệu quả, các cấp chính quyền của tỉnh Hải Dương cần có sự hỗ trợ kịp thời để sớm có nguồn kinh phí tu sửa tuyến kênh này.