Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/7, cả nước nhập gần 23 triệu tấn than đá với tổng kim ngạch gần 2,17 tỷ USD. Than nhập khẩu chủ yếu để phục vụ cho một số ngành công nghiệp nặng như xi măng, nhiệt điện, song chiếm phần chính vẫn là cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện. Theo giới chuyên gia, việc đẩy mạnh các nguồn năng lượng tái tạo sẽ là lời giải cho bài toán giảm áp lực nhập khẩu than.
Nguồn than trong nước đang ít dần.
Nhu cầu nhập khẩu than ngày càng lớn dần
Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu tháng 7/2019, cả nước chi 191 triệu USD để nhập khẩu hơn 2,2 triệu tấn than đá về phục vụ cho một số ngành sản xuất,tiêu dùng một lượng than lớn như điện, xi măng... Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/7, cả nước nhập tới gần 23 triệu tấn than đá với tổng kim ngạch gần 2,17 tỷ USD. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2018, lượng than đá nhập khẩu đã tăng gần 12 triệu tấn, tương đương tăng 108%; trong khi kim ngạch tăng thêm 69,5%. Đáng chú ý, sản lượng than đá nhập khẩu đến ngày 15/7 đã vượt tổng sản lượng nhập khẩu của cả năm 2018 gần 57.000 tấn.
Indonesia, Australia, Nga và Trung Quốc là 4 nhà cung cấp than đá lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, Indonesia giữ vị trí số 1. Riêng tháng 6, cả nước nhập hơn 1 triệu tấn than đá từ quốc gia Đông Nam Á này, với trị giá đạt 68,6 triệu USD. Tính trong 6 tháng đầu năm các con số này lần lượt là 7,345 triệu tấn, tổng kim ngạch 461,7 triệu USD.Trong khi đó, từ đầu năm đến hết tháng 6, cả nước nhập 7,07 triệu tấn than đá từ Australia, tổng kim ngạch 769,5 triệu USD… Càng ngày, nhu cầu sử dụng than trong nước ngày càng tăng cao, đặc biệt để phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện để đảm bảo cho nhu cầu an ninh năng lượng quốc gia. Trong khi đó, sản lượng khai thác thấp hơn nhiều, do đó áp lực nhập khẩu than là rất lớn.
Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ than trong nước (chủ yếu là than phẩm cấp thấp, cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, đạm, xi măng…), trong 6 tháng đầu năm 2019, TKV đã nhập khẩu 2,78 triệu tấn than, đạt 61% kế hoạch năm. Nhìn lại tốc độ chi nhập khẩu than trong những năm gần đây cho thấy mức độ phụ thuộc nguồn cung than nhập khẩu rất lớn. Nếu năm 2016, nhập khẩu than 13,3 triệu tấn, kim ngạch là 927 triệu USD, thì cả năm 2017 đã tăng lên 1,52 tỷ USD; năm 2018 chi cho nhập than là 2,3 tỷ USD.
Giảm nhiệt điện, tăng nguồn năng lượng tái tạo
Trong các lĩnh vực tiêu tốn nguồn than lớn nhất phải nói đến các nhà máy nhiệt điện. Mỗi năm, lượng than cần cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện xấp xỉ 30 triệu tấn than. Theo đà này, việc phải gia tăng nguồn than nhập khẩu hàng năm là không thể bàn cãi. Tuy nhiên, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, nếu tăng mạnh các nguồn năng lượng tái tạo thay thế nguồn nhiệt điện than thì không chỉ giải được bài toán về năng lượng, giảm những tác động xấu đến môi trường mà còn giảm thiểu áp lực phải nhập khẩu than trong thời gian tới.
Phân tích về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Duệ- Chủ tịch Hội đồng Khoa học Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nêu quan điểm: Các nhà máy nhiệt điện than hiện nay đang là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường khi lượng tro xỉ thải ra môi trường mỗi năm rất lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn than trong nước ngày càng cạn kiệt, nhu cầu nhập khẩu than để cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện đang trở thành áp lực lớn đối với ngành than, đồng thời cũng là nỗi lo đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối với các nhà quản lý. Theo ông Duệ, việc phải nhập khẩu than tất yếu sẽ đẩy giá than tăng và kéo theo giá điện tăng. Ô nhiễm về môi trường cộng với than nhập khẩu gây đội giá thành là hai cái thiệt hại khi sử dụng nhiệt điện than. Đó còn chưa kể, một nhà máy nhiệt điện vận hành 20 - 30 năm mới hết tuổi thọ, khi đó, nguồn than nhập khẩu cũng khó.
Trong khi đó, phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời vừa giải được bài toán về an ninh năng lượng, vừa giảm thiểu những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Các nước trên thế giới đã loại dần các nhà máy nhiệt điện để thay thế bằng nguồn năng lượng tái tạo. Cũng theo ông Duệ, hiện đang phổ biến hai loại nguồn điện mặt trời đó là công suất lớn và công suất nhỏ. Công suất nhỏ là điện mặt trời áp mái đang được phát triển ngày càng rộng rãi ở nước ta. Điểm đặc biệt của các sản phẩm điện mặt trời áp mái là nếu thừa công suất, người dân có thể bán lại cho ngành điện. “Việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo trong đó có điện mặt trời áp mái nên là xu hướng mà chúng ta cần hướng đến để hạn chế thấp nhất các nguồn nhiệt điện than, điều này không chỉ giảm áp lực nhập khẩu than mà còn là lời giải tốt nhất cho bài toán an ninh năng lượng quốc gia”- ông Duệ nhấn mạnh.
Thời gian qua, xuất hiện nhiều ý kiến đã lo ngại về những tác động xấu của nhiệt điện than đối với môi trường. PGS.TS Bùi Thị An- Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cũng cho rằng, chưa tính đến hiệu quả kinh tế, cần phải tính xem 1 đồng thu lợi nhuận do nhiệt điện than thì chi của xã hội cho bảo hiểm y tế xã hội tính ra là bao nhiêu? Theo tính toán của thế giới, thu được 1USD lợi nhuận từ điện than chúng ta mất 3USD cho bảo hiểm y tế, sức khỏe. Rõ ràng đây là vấn đề bất cập cần phải cân nhắc đối với việc phát triển các nguồn nhiệt điện than hiện nay. Theo bà An, riêng việc thải ra môi trường bụi than, tro than đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến biến đổi khí hậu, hậu quả của biến đổi khí hậu là nhiệt độ tăng lên.
*Theo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ than trong nước (chủ yếu là than phẩm cấp thấp, cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, đạm, xi măng…), trong 6 tháng đầu năm 2019, TKV đã nhập khẩu 2,78 triệu tấn than. Nhìn lại tốc độ chi nhập khẩu than trong những năm gần đây cho thấy mức độ phụ thuộc nguồn cung than nhập khẩu rất lớn. Nếu năm 2016, nhập 13,3 triệu tấn than, kim ngạch là 927 triệu USD, thì năm 2017 đã tăng lên 1,52 tỷ USD; năm 2018 chi cho nhập than 2,3 tỷ USD.