Sáng 16/4, phát biểu tại Hội nghị về logistics, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại câu nói nổi tiếng của chính trị gia lỗi lạc nước Mỹ - Benjamin Franklin: “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ; một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn”, để minh chứng rằng chi phí logistics đang đè nặng “con tàu kinh doanh” của Việt Nam.
Dịch vụ hậu cần yếu kém, tăng chi phí của doanh nghiệp
Tăng kết nối, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Công cho biết, tốc độ phát triển bình quân hàng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14-16%, là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc của Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, vấn đề nội cộm nhất là chi phí logistics của Việt Nam còn ở mức cao, theo nghiên cứu của WB, chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9 % so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%.
Sở dĩ chi phí logistics còn ở mức cao có nhiều lý do, Thứ trưởng Công cho biết, kết cấu hạ tầng giao thông dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn thiếu sự đồng bộ nhất là giữa cảng biển với hệ thống đường bộ, đường sắt và hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển. Ngoài ra, việc thiếu những cảng cạn, trung tâm logistics có quy mô vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm làm đầu mối trung chuyển, phân phối hàng hóa cũng là nguyên nhân khiến chi phí vận tải cũng như chi phí logistics còn cao. Về thị phần vận tải, tổ chức vẫn chưa hợp lý, chưa phát huy hết lợi thế các phương thức vận tải, chưa phát triển được vận tải đa phương thức trên các hành lang. Trong khi đó phương tiện vận tải của Việt Nam còn hạn chế như tuổi đời cao, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nhiên liệu, thiếu phương tiện lớn và các phương tiện chuyên dụng. Về khả năng xếp dỡ, đại diện Bộ GTVT cho hay, hầu hết các ga đường sắt, cảng, bến thủy nội địa trên cả nước còn bị hạn chế về năng lực xếp dỡ. Trong khi đó, thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện kinh doanh (ĐKKD) các công đoạn kiểm tra chuyên ngành còn rất phức tạp, bất cập, mất nhiều thời gian, chi phí của doanh nghiệp (DN).
Ông Lê Duy Hiệp- chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistic Việt Nam cho biết, hiện kết nối dịch vụ logistics còn yếu, cần tăng cường sự hợp tác thông qua phối hợp thông thường hoặc sáp nhập các DN logistics thành DN lớn. Ông Hiệp cũng đề xuất, cầnkêu gọi nhà cung cấp phần mềm công nghệ, đưa ra giải pháp đột phá để DN logistics có thể phối hợp với nhau, tránh xe chạy một chiều, chiều về rỗng gây lãng phí.Đặc biệt, cần vận động các DN mở thêm lạch tuyến, tuyến trực tiếp, kết hợp kết nối với vận tải đường thủy để giảm chi phí cho DN.
Sở dĩ các DN logistics gặp khó là bởi vẫn còn nhiều ĐKKD bất hợp lý, can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của DN gây khó khăn cho hoạt động logistics, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trần Thị Lan Anh nói đồng thời cho rằng việc yêu cầu DN phải có bộ phận/nhân lực chuyên trách là can thiệp vào quyền tự chủ trong tổ chức bộ máy nội bộ của DN. Vì vậy, cần rà soát tổng thể các ĐKKD trong hoạt động kinh doanh này nhằm bãi bỏ các ĐKKD có tính chất áp đặt về quy mô, là cản trở các chủ thể kinh doanh khi gia nhập thị trường.
Còn ông Phan Minh Đức, chuyên gia cao cấp WB kiến nghị, phải nỗ lực giảm chi phí logistics, muốn làm được điều này phải là sự nỗ lực liên ngành chứ không riêng cơ quan nào. Để giảm chi phí logistics cần phân loại các TTHC theo chuẩn quốc tế, phân tích chi phí một cách rõ ràng. Có cơ chế trách nhiệm giải trình các cơ quan liên quan trong thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, đồng thời có cơ chế giám sát minh bạch quá trình cắt giảm các TTHC, ĐKKD này. Một giải pháp nữa theo đại diện WB cần xem xét các khâu dịch vụ, hoạt động kiểm tra, kiểm nghiệm để DN có đủ năng lực tham gia vào chứ không để cơ quan nhà nước “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như hiện nay.
Xây dựng hệ thống logistics mạnh để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Phải có chương trình hành động cụ thể
Bình luận về các giải pháp đưa ra để gỡ khó cho logistics, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, Bộ GTVT mới chỉ đưa ra thực trạng mà chưa đề cập đến nguyên nhân, trách nhiệm ai gây ra những điểm nghẽn cho logistics. Ông Cung đặt câu hỏi, tại sao vận tải đường bộ vẫn chiếm 90% dù đầu tư vào đường bộ chi phí cao?
Trả lời, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, tháng 5 tới Bộ sẽ công bố cắt giảm 372 TTHC, chiếm 61,15% THCC của Bộ, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp căn cơ để giảm gánh nặng chi phí logistics cho DN.
Không nói thực trạng, phải đưa ra giải pháp phải có chương trình hành động cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngay sau hội nghị kết thúc, cần có tổng kết thấu đáo, đi thực chất vào 4 trụ cột của logistics như vai trò quản lý nhà nước thế nào, DN ra sao, vấn đề hạ tầng đầu tư vào đâu…để tháo gỡ khó khăn cho logistics. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, có rất nhiều việc phải làm, trong đó, nhiệm vụ cắt giảm TTHC, công khai minh bạch, là yếu tố cơ bản giảm chi phí cho DN.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị cần khắc phục những nhân tố làm tăng chi phí, rà soát quy định pháp luật, đơn giản hóa TTHC, cắt các ĐKKD bất hợp lý để giảm chi phí cho logistics. Đẩy mạnh cải cách TTHC phải đi kèm nâng cao trách nhiệm đạo đức công vụ của cán bộ trong thực thi công vụ, có như vậy mới lan tỏa tinh thần cải cách, mới hành động vì DN.
Cần giảm mạnh chi phí logistics
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò to lớn của logistics đối với nền kinh tế Việt Nam, trị giá hàng tỷ USD, là một trong 12 nhóm ngành được cộng đồng ASEAN ưu tiên hỗ trợ phát triển. Đồng thời, đây là một dịch vụ kinh doanh hấp dẫn được nhiều công ty trong và ngoài nước triển khai, mà “ta không làm thì các nước bạn sẽ làm và đặc biệt, chúng ta chưa có DN mạnh làm logistics”.
Dẫn câu nói của nhà chính trị lỗi lạc Hoa Kỳ Benjamin Franklin: “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ; một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn”, Thủ tướng đặt vấn đề, chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn, liệu có nhấn con tàu kinh doanh, tính cạnh tranh xuống thấp? “Phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí đang là một rào cản lớn nhất đối với DN Việt Nam hiện nay, trong đó, chi phí logistics cao đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đầu tư chưa hợp lý giữa các phương thức vận tải, việc kết nối kém đã góp phần làm tăng chi phí vận tải và logistics”- Thủ tướng nói.
Thủ tướng nêu rõ, cùng với những nỗ lực đẩy mạnh CCTTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại lớn trên thế giới và khu vực, thì việc cắt giảm chi phí cho DN, đặc biệt là giảm chi phí logistics phải được quan tâm đúng mức và thực hiện có hiệu quả với các hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và người dân. Cần có chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics hết sức cụ thể ở từng ngành, nhất là ngành GTVT và công thương với 5 nhóm nhiệm vụ chính, gồm hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực.
Thủ tướng giao Bộ GTVT 10 nhiệm vụ, Bộ Công thương 7 nhiệm vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư 3 nhiệm vụ, 2 nhiệm vụ đối với Bộ Tài chính cùng Bộ NNPTNT và các địa phương, cũng như Hiệp hội DN, các DN những nhiệm vụ cụ thể để gỡ khó cho logistics.