Là vùng xuất khẩu nông sản, rau quả lớn, tuy nhiên, câu chuyện về dịch vụ logistics vẫn luôn là bài toán đau đầu đối với vùng Đông Nam Bộ. Thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, kho lạnh, kho bảo quản... đang khiến cho nông sản xuất khẩu nói chung, của khu vực Đông Nam Bộ nói riêng bị giảm về giá trị.
Theo nhận định của ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, vùng Đông Nam Bộ là vùng xuất khẩu rau quả lớn, đặc biệt đang tăng trưởng mạnh xuất khẩu sản phẩm sầu riêng, chỉ 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng đã đạt hơn 1,3 tỷ USD, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu rau quả hàng năm. Tương lai ngành hàng này sẽ tăng trưởng chiếm 50-60%.
Tuy nhiên, cũng như các sản phẩm nông sản khác, trái sầu riêng đang đối diện với nhiều rào cản trong vấn đề bảo quản, chế biến nên giá trị xuất khẩu chưa đạt được như kỳ vọng.
Nói về vấn đề xuất khẩu nông sản, các chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, dù không thua kém về chất lượng nhưng chi phí logistics quá cao, phụ thuộc lớn vào các hãng vận chuyển nước ngoài khiến nông sản Việt Nam giảm sức cạnh tranh khi xuất khẩu ra thế giới. Chính bởi vậy, việc kéo giảm chi phí cũng như thời gian trong khâu logistics sẽ là động lực đưa nông sản Việt Nam vươn xa.
Về việc này, theo TS Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dịch vụ logistics nói chung và logistics nông nghiệp còn tồn tại nhiều hạn chế. Những tồn tại của hệ thống logistics ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản.
Cụ thể, tỷ lệ hao hụt và thất thoát trong chuỗi nông sản cao từ 25-30%, trong đó thủy hải sản 35%, rau quả và trái cây có thể lên đến 45%. Chi phí logistics chiếm 12% giá thành sản phẩm ngành thủy sản, chiếm 23% giá thành đồ gỗ, chiếm 29% giá thành rau quả, chiếm 30% giá thành gạo.
Chi phí logistics nông nghiệp ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và cao hơn Singapore 300%. Trên tổng thể, chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng hơn 20% GDP; trong khi đó, mức chi phí logistics trung bình trên thế giới, chỉ khoảng 11% GDP.
Cũng theo ông Phong, ở các cửa khẩu, cảng lớn, bãi tập kết hàng hóa nông sản không đảm bảo, thiếu hệ thống kho lạnh, dịch vụ kiểm dịch, công tác điều phối còn bất cập, xảy ra tình trạng ùn tắc. Ở trong nước, một số vùng sản xuất tập trung, các đầu mối giao thương đang còn thiếu các trung tâm logistics giúp liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Có thể thấy, mặc dù có thế mạnh về phát triển nông sản, với sản lượng xuất khẩu lớn mỗi năm, tuy nhiên, những rào cản về logistics đang khiến cho giá trị xuất khẩu nông sản không đạt được như kỳ vọng.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, vấn đề hiện nay là cần nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu, đặc biệt, sầu riêng là mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam, các địa phương giữ vững chất lượng sầu riêng, không vì lợi nhuận mà cắt sầu riêng non, đây là thực trạng khá lo ngại ở một số địa phương hiện nay. Sầu riêng nói riêng và ngành rau quả nói chung sẽ có mức tăng trưởng mạnh trong năm nay. Đặc biệt sau khi Nghị định thư với Trung Quốc được ký kết thì sầu riêng có khả năng sẽ vượt cả mặt hàng lúa gạo.
Bày tỏ những băn khoăn về dịch vụ logistics hiện nay, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM tâm tư: Cơ sở hạ tầng kho bảo quản, kho lạnh thiếu hụt đang ảnh hưởng lớn tới ngành lương thực thực phẩm, làm giảm thời gian lưu trữ và làm tăng tỷ lệ hư hỏng hàng hoá. Bà Chi nêu thực tế, do chưa có chính sách khuyến khích chung cho lĩnh vực kho lạnh này, trong khi đó, doanh nghiệp (DN) “tự thân vận động” thì làm không nổi.
Bà Chi cho biết, các DN đang đối mặt với khó khăn lớn nhất là vấn đề tài chính. Do đó, bà Chi bày tỏ mong muốn cần có chính sách ưu đãi cho DN làm kho lạnh. Vấn đề này TPHCM đã đưa vào chương trình hành động của thành phố.
Tuy nhiên, khi DN hoạt động rộng ra khỏi địa bàn TPHCM thì lại không được hưởng các chính sách ưu đãi đó nữa. “Do đó, chúng tôi cần các tỉnh trong vùng cũng có chính sách khuyến khích phù hợp. Đề xuất Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ cần có kiến nghị với Trung ương chính sách chung khuyến khích doanh nghiệp đầu tư kho này” - bà Chi nhấn mạnh.
Đề xuất giải pháp để giải tỏa những điểm nghẽn về hạ tầng logistics, ông Đào Trọng Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, VLA đang liên kết chặt chẽ với các Hiệp hội triển khai nhiều Dự án, chương trình hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cho Việt Nam nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng.
Để hỗ trợ, thúc đẩy vùng Đông Nam Bộ có sự chuyển mình khởi sắc trong hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, xuất nhập khẩu mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, ông Khoa kiến nghị, với các địa phương trong Vùng, đề nghị tổ chức các tổ công tác chuyên môn, phối hợp với VLA xây dựng các chương trình hành động cụ thể.
Trong đó, trọng tâm cần phối hợp thực hiện quy hoạch, kế hoạch để hỗ trợ triển khai các giải pháp logistics cho nông sản – nhất là hạ tầng logistics theo Công điện 13 của Thủ tướng. Hỗ trợ các dự án ESG, phục vụ cho phát triển logistics xanh, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Khoa cũng nhấn mạnh vào việc cần hỗ trợ các dự án chuyển đổi số về logistics nhằm nâng cao hiệu suất, hiệu quả vận hành, cắt giảm chi phí logistics, nâng cao tính cạnh tranh cho xuất nhập khẩu Việt Nam. “Các Hiệp hội cần trao đổi, chia sẻ thông tin một cách chuyên nghiệp, phối hợp với VLA xây dựng cơ sở dữ liệu logistics và chuỗi cung ứng Việt Nam” - ông Khoa nhấn mạnh.
Đặc biệt nhắc tới các sự kiện xúc tiến thương mại của hiệp hội như VILOG, FWC 2025, Chủ tịch VLA nhấn mạnh đây là những dịp để DN mở rộng cơ hội kết nối giao thương với đối tác quốc tế.
Ngoài ra, lãnh đạo VLA cũng nhấn mạnh tới hợp tác kết nối với thị trường quốc tế thông qua mạng lưới toàn cầu, đặc biệt là các thị trường mới, thị trường ngách. Liên kết, kết nối doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics phục vụ thương mại điện tử xuyên biên giới (e-logistics)...