Kẹt lại ở thành phố

Ngọc Quang 04/08/2023 07:51

Doanh nghiệp thiếu đơn hàng, công nhân bị giãn việc, mất việc trong đó đa số là người lao động đến từ những vùng nông thôn. Nhiều người cầm cự ở lại thành phố chờ khi sản xuất phục hồi trở lại. Nhưng cũng rất nhiều người khó cầm cự, đành tính đến chuyện “rời phố về làng”. Rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, họ mắc kẹt ở thành phố.

Kể từ đầu tháng 3 năm nay, làn sóng người lao động mất việc bắt đầu tăng. Điển hình là Công ty Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM) với hơn 2.300 công nhân bị mất việc (lần đầu). Khu vực xung quanh công ty các dãy trọ lần lượt đóng cửa vì công nhân trả phòng về quê. Chỉ còn số ít vẫn bám trụ lại với thành phố để tìm việc làm mới trong áp lực cơm áo gạo tiền bủa vây.

Còn tại Bắc Ninh - địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn trong số các tỉnh phía Bắc, tình hình cũng khó khăn. 6 tháng đầu năm, số lao động đang sử dụng trong các khu công nghiệp chỉ còn hơn 296.000 người, giảm 41.000 so với năm 2021. Thiếu việc làm thời gian dài khiến đời sống của công nhân rơi vào tình cảnh khó khăn, nhiều người đã không thể bám trụ phải bỏ về quê, còn các chủ nhà trọ vì thế cũng thất thu.

Trong khi đó, theo Phòng Quản lý lao động (Ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh), dự báo từ nay tới cuối năm số lao động sẽ tiếp tục bị cắt giảm thêm khoảng 10.000 người.

Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều công nhân khu công nghiệp lâm vào tình thế ở không được mà về cũng không xong, đi xin việc không đâu nhận vì nhiều doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm việc làm, nhân sự. Đã quen công việc trong các công ty, nhiều người băn khoăn về quê không biết làm gì để sống. Vốn đã dời làng tìm đến các đô thị là để hy vọng thu nhập tốt hơn, nay cực chẳng đã phải quay về quê thì đúng là việc không ai muốn.

Con số của Tổng cục Thống kê, chỉ riêng quý II năm nay số lao động giãn việc, nghỉ việc của các doanh nghiệp trên cả nước khoảng 241.500 nghìn người; hơn 8.600 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Nhiều địa phương có số lao động bị giãn việc, nghỉ việc cao (tính từ 10.000 người trở lên), trong đó có TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Bình Phước, Ninh Bình, Thanh Hóa...

Trong hoàn cảnh khó khăn, người lao động rất cần được hỗ trợ, nhất là với những người bị giãn việc, mất việc. Bình thường, thu nhập hàng tháng của họ vốn đã không nhiều nhặn gì, cuộc sống sinh hoạt ở thành thị lại phải chi tiêu cao hơn ở quê. Đa số thu nhập của công nhân chỉ đắp đổi qua ngày. Khi mất việc, thiếu việc, cuộc sống lập tức lâm vào tình cảnh khó khăn. Cũng chính vì thế mà nhiều người đã phải rút bảo hiểm một lần để lo cho cuộc sống trước mắt. Con số đó, theo Bảo hiểm xã hội, là 665.000 người chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm nay.

Những người lao động bị mất việc kẹt lại ở thành phố cần được hỗ trợ. Còn nhớ, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, Chính phủ đã có gói 6.600 tỷ đồng hỗ trợ người thuê nhà. Khoảng 3,4 triệu người đã được thụ hưởng. Đó là chính sách rất nhân văn, ổn định cuộc sống của người lao động khó khăn, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Nay, trước những diễn biến bất lợi của thị trường lao động, cũng rất cần sự hỗ trợ tương tự.

Theo bà Nguyễn Thu Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng tất cả các quốc gia cần có hệ thống an sinh xã hội đa tầng. Tức là tất cả người dân được bảo vệ bởi hệ thống an sinh xã hội đó và trong suốt vòng đời, từ khi sinh ra đến khi chết đi. Đây là “lưới an sinh” để bảo vệ tất cả mọi người không rơi vào đói nghèo và cùng quẫn.

Khó khăn về việc làm có thể còn kéo dài, cần trợ lực để cuộc sống của người lao động mất việc bớt nhọc nhằn, để họ cầm cự chờ đợi đến ngày sản xuất phục hồi. Làng quê là chỗ dựa cho họ khi không thể trụ lại thành phố, nhưng khi đã rút bảo hiểm xã hội một lần họ sẽ rất thiệt thòi. Đến lúc có điều kiện trở lại thành phố kiếm việc làm một lần nữa, họ sẽ lại phải vượt qua khó khăn để “tái hòa nhập”. Theo cơ quan chức năng, với làn sóng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua thì đến năm 2030 sẽ rất nhiều người không được hưởng lương hưu.

Về phía các doanh nghiệp, sản xuất khó khăn, thu nhập sụt giảm khiến họ phải sa thải công nhân. Tuy nhiên, khi đơn hàng quay trở lại, cần nhanh chóng phục hồi thì lại thiếu lao động. Do đó, cùng với hỗ trợ của nhà nước, địa phương thì bản thân doanh nghiệp cũng rất cần chia sẻ, tìm cách giữ chân người lao động. Để cho dẫu họ có bị kẹt lại thành phố thì vẫn còn niềm tin vào ngày mai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kẹt lại ở thành phố

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO