Kết nối cộng đồng bằng Flashmob

Phi Điệp 27/12/2015 09:30

Trào lưu flashmob du nhập vào Việt Nam và được giới trẻ sử dụng như một “công cụ” truyền thông sự kiện. Ở nhiều nước trên thế giới, flashmob thực hiện rất tốt công việc tiếp thị cho các lễ hội. Việt Nam cũng có nhiều lễ hội nhưng tiềm năng thu hút du khách quốc tế chưa thực sự phát huy. Liệu flashmob có thay đổi được điều này?

Kết nối cộng đồng bằng Flashmob

Xuất hiện lần đầu tiên ở Mỹ năm 2003 do sáng tạo của Bill Wasik, Trưởng ban Biên tập tờ Harper’s Magazine. Dịch sát nghĩa thì flashmob là “một cuộc huy động chớp nhoáng”. Hiểu cách đơn giản, flashmob là hình thức nhảy múa ngẫu hứng. Một nhóm các bạn trẻ tụ tập nhau nhảy nhót ở nơi công cộng, và khi nhảy xong họ tự động giải tán.

Thời gian đầu, flashmob ngẫu hứng và tự phát như vậy nên đã từng bị cho là một trò lạ mắt, vô thưởng vô phạt nhằm góp vui cho mọi người. Tuy nhiên, những người có đầu óc kinh doanh đã “dụng” nó để gây chú ý trong việc tiếp thị một sự kiện hoặc sản phẩm cụ thể.

Từ khi flashmob ra đời, thế giới đã được chứng kiến “ngàn lẻ một” kiểu... tiếp thị sự kiện. Nổi bật nhất phải kể đến: Glee Flashmob - 1.000 bạn trẻ ở Seattle, Mỹ, đã thực hiện màn trình diễn Flashmob ấn tượng trên nền nhạc phim Glee; Flashmob trong siêu thị - Siêu thị Manchester đã được “sống” một ngày khác hẳn với mọi ngày, khi hầu như tất cả khách hàng tới chỉ để xem màn Flashmob của nhóm 50 người biểu diễn 4 phút ngay chính tại siêu thị này.

Flashmob trên bãi biển - Màn trình diễn của hơn 100 người mặc đồ bơi trên bãi biển Bondi, Australia năm 2009; 100 thiếu nữ bikini nhảy Flashmob - Đây là một phần trong MV Piccadilly Circus của ca sỹ Boyonce, được thực hiện năm 2009; Màn Flashmob kỷ lục với số lượng người tham gia tới 13.957 người, diễn ra tại Mexico vào tháng 8/2009, theo điệu nhảy Thriller lừng danh của Michael Jackson…

Kết nối cộng đồng bằng Flashmob - 1

Thời điểm mạng xã hội phát triển tại Việt Nam, flashmob bắt đầu nở rộ và nhanh chóng tạo nên cơn sốt trong giới trẻ. Với sự sáng tạo riêng, các bạn trẻ Việt Nam đã “biến tấu” nó thành những phiên bản thú vị: flashmob chào đón thần tượng; kêu gọi bảo vệ môi trường; tuyên truyền hiến máu nhân đạo;...

Không ít lần, trào lưu flashmob đã lập kỉ lục tại Việt Nam về số người nhảy tập thể. Sự kiện Youth Day – tuyên truyền hiến máu nhân đạo diễn ra hàng năm có lẽ là một trong những sự kiện gây nhiều chú ý nhất nhờ áp dụng flashmob. Nếu như năm 2010, sự kiện này thu hút 1.000 sinh viên nhảy dưới mưa và hát những ca khúc sôi động thì năm 2011, 2.000 sinh viên lại “đội nắng” nhảy flashmob, và chỉ trong buổi sáng, chương trình này đã thu hút 3.000 bạn trẻ tham gia hiến máu.

Vì sao flashmob lan tỏa nhanh như vậy? Rất đơn giản, đó chính là khả năng lôi kéo đám đông và tính ngẫu hứng của hình thức tụ tập này. Thường bắt đầu từ một nhóm nhỏ, nhưng chỉ sau một vài động tác, nhiều người xung quanh sẽ nhanh chóng bị cuốn hút vào điệu nhảy. Chẳng cần bạn phải là một vũ công chuyên nghiệp hay phải có vũ đạo thật chuẩn, bạn hoàn toàn có thể “vào cuộc”, miễn sao thật hết mình, thật cuồng nhiệt.

Không chỉ hát, nhảy những vũ điệu sôi động, trào lưu flashmob tại VN đôi khi còn biến thành màn trình diễn “nhạc sống”. Sự kiện kỷ niệm ngày sinh nhật Đoàn tại TP. HCM năm 2011 là một ví dụ, BTC đã lập kỷ lục Guinness Việt Nam về việc 1.000 người tham gia đánh ghita.

Kết nối cộng đồng bằng Flashmob - 2

Những màn flashmob ấn tượng của teen thế giới.

Có thể nói, flashmob ngày càng phổ biến tại Việt Nam nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức độ quảng bá cho những sự kiện văn hóa nhỏ, chưa thực sự tạo nên sự kết nối cộng đồng rộng lớn như khả năng “lây lan” vốn có của nó. Ở nhiều nước trên thế giới, flashmob thực hiện rất tốt công việc tiếp thị cho các lễ hội. Việt Nam cũng có nhiều lễ hội nhưng tiềm năng thu hút du khách quốc tế chưa thực sự phát huy.

Thực tế, lễ hội chưa đượcnhiều người Việt hiểu theo đúng nghĩa. Hình thức tổ chức vẫn “dập khuôn” theo cách tập trung vào một sân khấu lớn hoặc một tập thể nghệ sĩ, khán giả chỉ đóng vai trò nghe và xem. Trong khi đó, tinh thần “hội” là phải nghĩ về cộng đồng bằng sự tham gia trực tiếp, bằng xúc cảm thật xuất phát từ trái tim. Mỗi người là một phần của lễ hội, là một ngọn lửa nhỏ để thổi bùng lên ngọn đuốc lớn. Flashmob làm được công việc mà lẽ ra, một nhà tổ chức lễ hội luôn phải đặt tiêu chí hàng đầu cho mình khi bắt tay xây dựng chương trình. Chỉ flashmob mới có khả năng tạo chất xúc tác để cảm xúc lan truyền nhanh, thúc đẩy cộng đồng hòa vào không khí chung.

Suy cho cùng, tổ chức lễ hội chính là một cách “marketing văn hóa”. Có thể thuật ngữ này chưa xuôi tai lắm vì văn hóa nghệ thuật thuộc phạm trù tinh thần nên sẽ còn tồn tại nhiều vấn đề tế nhị xung quanh việc kinh doanh nó. Nếu chỉ thấy trào lưu flashmob ở chiều hướng kỳ thị bởi yếu tố “ngoại nhập” thì có lẽ ta nên thay đổi cách nhìn. Áp dụng flashmob một cách sáng tạo, đúng định hướng, liều lượng thì việc tổ chức một lễ hội thành công không hề khó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kết nối cộng đồng bằng Flashmob