Kết quả kỳ thi THPT năm 2020: Có thể sử dụng tuyển sinh theo tinh thần tự chủ

Minh Quang - Lam Nhi 23/04/2020 08:00

Ngày 22/4 Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã thông tin về dự kiến phương án tổ chức kỳ thi THPT 2020. Theo đó, dù mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, song kết quả của kỳ thi cũng có thể được các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Kết quả kỳ thi THPT năm 2020: Có thể sử dụng tuyển sinh theo tinh thần tự chủ

Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Dự kiến 3 bài thi độc lập, 2 bài thi tổng hợp

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay, do bối cảnh của dịch bệnh Covid-19, kế hoạch năm học 2019-2020 đã phải điều chỉnh, Bộ GDĐT cũng đã công bố các nội dung tinh giản của học kỳ 2 và triển khai dạy học qua internet và trên truyền hình. Cũng vì dịch bệnh Covid-19 mà kỳ thi THPT sẽ được tổ chức muộn hơn mọi năm, dự kiến vào tháng 8. Thời điểm này cả Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH đã có hiệu lực thi hành (Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực từ 1/7/2019 và Luật Giáo dục có hiệu lực từ 1/7 năm nay). Do vậy, sẽ không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm mà tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Cụ thể, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 dự kiến sẽ gồm ba bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và hai bài thi tổng hợp khoa học tự nhiên (KHTN) và bài thi tổng hợp khoa học xã hội (KHXH). Trong đó: Bài thi KHTN gồm tổ hợp ba môn Vật lý, Hóa học và Sinh học; Bài thi KHXH đối với thí sinh THPT gồm tổ hợp của ba môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Đối với thí sinh Giáo dục thường xuyên gồm tổ hợp của hai môn Lịch sử, Địa lý. Thí sinh THPT phải thi ba bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH; Thí sinh GDTX phải thi hai bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và một bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH. Kỳ thi diễn ra trong 1,5 ngày với ba buổi thi.

Nội dung thi nằm trong Chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; phù hợp với nội dung tinh giản chương trình học kỳ 2 đã được Bộ GDĐT công bố; nội dung đề thi sẽ dễ hơn, độ phân hóa của đề thi cũng sẽ giảm đi so với các năm trước để phù hợp với mục đích của Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như điều kiện dạy học do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Để bảo đảm tính khách quan, công bằng và mặt bằng chung trong đánh giá, xét công nhận tốt nghiệp, Bộ GDĐT xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương để tổ chức thi tốt nghiệp cùng một thời điểm trong cả nước. Với bài thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh trong mỗi phòng thi sẽ có một mã đề thi riêng. Đề thi sẽ dùng chung cho cả học sinh giáo dục THPT và học viên GDTX.

Kỳ thi sẽ do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì tổ chức. Bộ GDĐT chỉ đạo, UBND tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi của địa phương mình bảo đảm an toàn, nghiêm túc, công bằng và đúng quy chế.

Nhiều băn khoăn

Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng việc Bộ thận trọng khi đề xuất các phương án thi hay không thi, thi như thế nào là cần thiết trong bối cảnh học sinh lớp 12 ở nhiều địa phương trên cả nước vẫn chưa trở lại trường vì dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, với phương án tổ chức thi chỉ để xét tốt nghiệp nhằm đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên thực tế có cần thiết hay không khi nhiều năm trở lại đây, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp luôn là trên 90%, thậm chí là 95%?

Vấn đề thứ hai, đối với các học sinh lớp 12 hiện nay, các em đã có 3 năm để ôn tập theo định hướng thi THPT quốc gia để lấy kết quả này xét tuyển vào Đại học. Nay Bộ GDĐT bất ngờ thay đổi mục đích của kỳ thi, nghĩa là đề thi cũng sẽ được ra theo hướng chỉ để xét tốt nghiệp thì rõ ràng sẽ khó cho các trường ĐH phân loại thí sinh. Từ đó, các trường phải tổ chức kỳ thi riêng. Chưa bàn đến việc tốn kém thời gian, tiền bạc của thí sinh và gia đình, chỉ riêng việc các em phải đổ về các thành phố lớn để dự thi trong bối cảnh dịch bệnh tránh tụ tập đông người cũng cần cân nhắc. Đó là chưa kể mỗi trường thi theo một hình thức khác nhau, liệu có em có chuẩn bị kịp?

Một số ý kiến khác cũng băn khoăn nếu kỳ thi chỉ nhằm để xét tốt nghiệp thì nên bỏ thi, để các trường, các địa phương tự căn cứ vào học bạ để xét tốt nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ, mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là tổ chức an toàn, nghiêm túc lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường. Kết quả của kỳ thi cũng có thể được các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Hơn nữa, Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi cuối cùng ở bậc phổ thông.Việc tổ chức một Kỳ thi để đánh giá chất lượng của giáo dục phổ thông là cần thiết, tạo động lực học tập tích cực cho học sinh (nếu không thi thì một bộ phận học sinh sẽ không học hoặc học không tích cực); Kỳ thi cũng sẽ góp phần duy trì được nền nếp dạy, học trong các cơ sở giáo dục.

Chiều 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh đã đồng ý với phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do Bộ GD-ĐT trình lên. Tại cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao Bộ GDĐT đã chủ động xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và yêu cầu Bộ sớm ban hành quy chế và hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT cũng như xét tuyển đại học, cao đẳng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kết quả kỳ thi THPT năm 2020: Có thể sử dụng tuyển sinh theo tinh thần tự chủ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO